Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo với Quốc hội về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 với nhiều chỉ số rất khả quan.
Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo với Quốc hội về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 với nhiều chỉ số rất khả quan.
Chính phủ sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. |
* Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2015, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt. Ngoài chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt như đã báo cáo, còn thêm chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 7,9% (kế hoạch là khoảng 10%).
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008. Kinh tế vĩ mô ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được điều chỉnh chủ động, linh hoạt.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP là 32,6%; vốn FDI thực hiện đạt 14,5 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 5%.
Tạo việc làm cho trên 1,62 triệu người. Cả nước có 15 huyện và 1.526 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 17,1% tổng số xã. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, số vụ giảm 11,52%, số người chết giảm 3,61%, số người bị thương giảm 15,81%.
Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2011- 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định.
Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD. Ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, quy hoạch phát triển được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Các loại thị trường được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả.
Thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn, năng lực cạnh tranh được nâng lên.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và đạt được kết quả bước đầu. Đó là tập trung thực hiện tái cơ cấu về đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Điểm nổi bật trong qua trình điều hành là khi thực hiện Luật Đầu tư công, đổi mới cơ chế phân bổ vốn theo kế hoạch trung hạn. Chính phủ tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư. Tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. Trong 5 năm, vốn FDI thực hiện đạt 60,5 tỷ USD; vốn ODA giải ngân đạt 22,3 tỷ USD; đầu tư tư nhân chiếm 38,6% tổng đầu tư toàn xã hội.
* Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng
Các mục tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo vẫn được duy trì theo hướng cải thiện đời sống người dân. |
Mặc dù có những thành tựu nổi bật, thế nhưng Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển kinh tế- xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một số cân đối lớn ổn định chưa vững chắc.
Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý, chi thường xuyên tăng nhanh. Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP.
Ngoài ra, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%).
Việc sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp.
Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững. Song song đó, tăng trưởng GDP thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn, nhất là nông sản.
Số lượng doanh nghiệp trong nền kinh tế còn ít, tăng chậm; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp. Chưa huy động được nhiều nguồn lực của khu vực ngoài nhà nước vào đầu tư phát triển.
Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm; năng suất nhiều ngành, lĩnh vực thấp, công nghệ còn lạc hậu. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016- 2021, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh...
Một số chỉ tiêu chủ yếu được Chính phủ đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%.
Để thực hiện tốt các mục tiêu này, khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tập trung phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Song song đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phân bổ lao động hợp lý, khai thác tốt cơ hội dân số vàng.
Bài, ảnh: THANH TÂM
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin