Kỳ cuối: Vĩnh Long- dồn sức chống mặn

05:03, 10/03/2016

Xâm nhập mặn trở thành thiên tai ở ĐBSCL. Riêng Vĩnh Long mặn chưa từng có đã tác động đến sản xuất và dự báo còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ngày 8/3/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu đã chủ trì cuộc họp khẩn để tìm giải pháp ứng phó, đồng thời, công bố thiên tai hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh ở mức độ 1.

Xâm nhập mặn trở thành thiên tai ở ĐBSCL. Riêng Vĩnh Long mặn chưa từng có đã tác động đến sản xuất và dự báo còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, ngày 8/3/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu đã chủ trì cuộc họp khẩn để tìm giải pháp ứng phó, đồng thời, công bố thiên tai hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh ở mức độ 1.

Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ là một trong những biện pháp lâu dài để “sống chung” với xâm nhập mặn.
Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ là một trong những biện pháp lâu dài để “sống chung” với xâm nhập mặn.

Có thể thiếu nước lúa Hè Thu

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong những ngày đầu tháng 3/2016, độ mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL và hệ thống sông rạch trong tỉnh đã cao trở lại. Trong tháng 3, tháng 4 tới, độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và có nơi sẽ đạt đến mức 10‰.

Rạng sáng 7/3, độ mặn ở các điểm đo trên sông Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Vũng Liêm tăng mạnh, tại cống Cái Hóp đạt 11,5‰, tại cống Nàng Âm và vàm Vũng Liêm xấp xỉ trên 6‰, tại vàm Mang Thít 4,3‰, trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) đạt 4‰, trong nội đồng huyện Vũng Liêm đạt 2,5‰.

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, độ mặn tại các cửa sông vùng ven biển ĐBSCL tiếp tục tăng cao trong những tháng tới, cao nhất trong tháng 3, tháng 4. Tại các điểm dự báo xâm nhập mặn của viện thuộc địa phận Vĩnh Long, có điểm gần nhất là Thanh Bình, Trung Thành Tây (Vũng Liêm) và An Phú Tân (Trà Vinh).

Trong đó, trên sông Cổ Chiên (ở nhánh Bang Tra) tại trạm Thanh Bình độ mặn lớn nhất trong tháng 3 từ 7- 9 ‰, tháng 4 từ 8- 10‰, tháng 5 từ 7- 8‰. Trên sông Cung Hầu tại Trung Thành Tây, độ mặn lớn nhất trong tháng 3, tháng 4 ở mức 6- 8‰, tháng 5 ở mức 5- 7‰.

Dự báo tỉnh sẽ có 4 huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 2- 10‰ trở lên, với diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng gần 65.000ha. Đồng thời sẽ có khoảng 26.000 hộ dân có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn với biên độ 4‰ gồm 7 xã ven sông và cù lao trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Vũng Liêm.

Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết: Do mặn xâm nhập quá bất ngờ nên sau khi có thông tin của ngành chuyên môn thì nước mặn đã len lỏi vào hệ thống kinh, mương nội đồng. Một số trường hợp vì không hay biết đã lấy phải nước mặn để tưới hoặc phun xịt cho vườn cây, ruộng lúa nên bị thiệt hại. Do đó, cần những biện pháp cấp thiết, kịp thời để chống xâm nhập mặn đảm bảo sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Ông Võ Anh Duy- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều xã bị ảnh hưởng, với độ mặn bình quân trên 3‰, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc lấy nước của các trạm cấp nước, một số giờ trong ngày phải ngưng hoạt động. Tổng số hộ dân khu vực các xã bị ảnh hưởng mặn là trên 71.500 hộ.

Chủ động ứng phó

Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn sản xuất, đời sống người dân.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn sản xuất, đời sống người dân.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương, từ ngày 11- 13/3, gió chướng hoạt động mạnh trên vùng biển Đông Nam có khả năng sẽ làm cho độ mặn tại các cửa sông vùng ĐBSCL tăng mức cực đại từ trước tới nay, mặn có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng. Trước tình hình này, Vĩnh Long đã đưa ra 3 phương án phòng chống.

Cụ thể, phương án 1, trường hợp xâm nhập mặn nhẹ mực nước sông rạch sụt giảm nhẹ, độ mặn tại vàm Mang Thít dưới 2‰, cống Nàng Âm và vàm Tân Dinh dưới 3‰ sẽ cho đóng cống ngăn mặn ở Vũng Liêm, bơm tưới cho vùng gò cao, bơm hút thu nước cho các nhà máy khi độ mặn dưới 2‰.

Phương án 2, trường hợp xâm nhập mặn cao mực nước sông rạch sụt giảm mạnh, khi độ mặn tại vàm Mang Thít, vàm Tân Dinh xấp xỉ 5‰, vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm từ 8- 10‰, trong nội đồng từ 2- 3‰, sẽ đóng toàn bộ cống ngăn mặn ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, ngừng bơm hút thu nước cho các nhà máy khi độ mặn 2‰.

Phương án 3, trường hợp xâm nhập mặn rất cao, khi độ mặn tại vàm Mang Thít, vàm Tân Dinh xấp xỉ 7- 8‰, vàm Vũng Liêm, cống Nàng Âm trên 10‰, trong nội đồng trên 3‰, ngoài các biện pháp như phương án 2 sẽ cho trữ nước đồng triệt để, chú trọng khai thác giếng nước ngầm để cấp nước sinh hoạt cho dân vì các nhà máy nước mặt đã ngưng hoạt động.

Nạo vét công trình thủy lợi tạo nguồn là một trong những biện pháp được đặt ra. Dự kiến sẽ thực hiện 119 công trình, chủ yếu nạo vét kinh tạo nguồn, nội đồng và tu sửa ống sẽ phục vụ được trên 48.200ha. Bên cạnh đó, sẽ huy động số máy bơm, trạm bơm tưới hiện có trong tỉnh để hỗ trợ gồm 3 trạm bơm điện, 7 điểm bơm cố định, 90 máy bơm dầu D15, trên 16.300 máy bơm nhỏ trong dân...

Khẳng định phòng chống xâm nhập mặn đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách, bà Phạm Thị Thu Hồng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Để ứng phó xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản, chi cục sẽ tăng cường quản lý vùng nuôi, sức khỏe vật nuôi, thực hiện thường xuyên quan trắc, cảnh báo môi trường, thu mẫu nước ở những thời điểm các yếu tố môi trường thay đổi, nguy cơ xâm nhập mặn cao hoặc chất lượng nước trên sông giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người nuôi điều tiết nước khi có xâm nhập mặn để hạn chế ảnh hưởng; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất thích ứng xâm nhập mặn. Về lâu dài, chi cục sẽ xây dựng dự án đa dạng hóa đối tượng nuôi ở vùng có nguy cao bị xâm nhập mặn như rô phi, tôm càng xanh, cá chình...

Còn theo ông Võ Anh Duy, trong điều kiện xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hoạt động các trạm cấp nước vùng, sẽ trang bị máy đo độ mặn cho 5 trạm cấp nước Tích Thiện, Trung Thành Tây, Thanh Bình, An Phước, Chánh An kịp thời theo dõi diễn biến mặn theo từng giai đoạn đỉnh triều, trung bình chân triều để chủ động kế hoạch sẽ trang bị máy đo độ mặn cho 5 trạm cấp nước, trường hợp độ mặn đo được lớn hơn hoặc bằng 3‰ thì trạm cấp nước sẽ tạm ngưng hoạt động; kết hợp với địa phương đến từng hộ dân thông tin lịch cấp nước của trạm, vận động bà con trữ nước bằng mọi phương tiện sẵn có...

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Theo dự đoán, những con nước rằm, 30 âl, triều cường độ mặn sẽ còn tiếp tục lên. Theo đó, cần nhanh chóng cho tiến hành nạo vét một số kinh chính, kinh tạo nguồn đắp đập đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước, trữ ngọt, sửa chữa, bố trí tạm máy bơm cấp nước tưới.

Tại các khu vực ảnh hưởng mặn, tập trung công tác quản lý vận hành công trình kết hợp nạo vét công trình thủy lợi để tiếp nước ngọt và bơm tát chống hạn do thiếu nguồn nước. Đồng thời thực hiện khẩn cấp nạo vét kinh thủy lợi nội đồng để đảm bảo cấp nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu 2016 kết hợp cấp nước sinh hoạt trong điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt. Về lâu dài, cần nghiên cứu, quy hoạch vùng ven thị trấn để đào ao trữ nước ngọt. Song song các biện pháp đặt ra, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong phòng chống hạn mặn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước ngọt, bảo vệ nguồn nước ngọt trong nội đồng.

Để ứng phó hạn, xâm nhập mặn, về công tác thủy lợi, các huyện- thị- thành đã tổ chức triển khai nhanh thủy lợi mùa khô được 24/48 công trình, các xã ở huyện Vũng Liêm và Bình Tân đã triển khai thực hiện 23 công trình thủy lợi nhỏ với tổng chiều dài 14.105m, khối lượng 26.389m3, góp phần trữ nước, phục vụ phòng chống hạn, mặn.

Tổng kinh phí thực hiện phòng chống hạn và xâm nhập mặn năm 2016 ước khoảng 512,8 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng công trình thủy lợi nội đồng trên 21,9 tỷ, hỗ trợ nước thùng cho 6.843 hộ khó khăn trên 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ bột xử lý nước sạch cho trên 27.300 hộ trên 1,6 tỷ đồng.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh