Chuyện tưởng hy hữu nhưng thực tế này lại đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh- thành khu vực ĐBSCL, do tình trạng nước mặn đang lấn sâu vào sông rạch.
Chuyện tưởng hy hữu nhưng thực tế này lại đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh- thành khu vực ĐBSCL, do tình trạng nước mặn đang lấn sâu vào sông rạch.
Nguồn nước ngọt không chỉ thiếu hụt trên cây lúa mà đang ở mức báo động cho cây ăn trái, chăn nuôi, nhất là nước ngọt hợp vệ sinh cho người dân miền sông nước sinh hoạt. Nhiều tỉnh đã công bố thiên tai và kêu gọi chung tay phòng chống, trước mặn xâm nhập lịch sử trong gần 100 năm qua, và được dự báo còn kéo dài.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến trực tiếp khảo sát tại nhiều địa phương mặn xâm nhập, làm việc với các tỉnh ĐBSCL để tìm giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài.
Độ mặn lớn nhất đến đầu tháng 3 so cùng kỳ năm 2015 tại vùng cửa sông Cửu Long. |
Kỳ 1: Bán bò vì thiếu nước uống
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp- PTNT, hiện toàn vùng ĐBSCL có 155.000 hộ gia đình với khoảng 575.000 người thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Nặng nhất là ở 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Thiếu nước ngọt đang thực sự là nỗi lo, thậm chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo phải thốt lên: “Bò nuôi cũng đang chịu cảnh thiếu nước, nhiều hộ phải bán bớt để giảm áp lực, dù chịu thua lỗ”.
Mặn lợ đã thành “mặn đắng”
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho biết, nước sông không còn là mặn đơn thuần mà đã “mặn đắng”.Nước mặn khiến trên 13.000ha lúa của tỉnh này bị mất trắng, không thể trổ bông và ngả sang đỏ.
Toàn tỉnh có 160 xã có nguồn nước nhiễm mặn từ 1- 2‰ và chỉ còn 4 xã của huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn tấn công; 88.000/350.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước ngọt, dân tại 40 xã phải mua nước ngọt (dưới ao) của những hộ dân khác từ 40.000- 70.000 đ/m3 sử dụng.
Tình trạng này cũng xảy ra đối với các khách sạn, bệnh viện, trường học có học sinh nội trú.
“Nước sinh hoạt nhiễm mặn 2‰, khó súc miệng được. Để đủ nước, chúng tôi phải huy động cả xe bồn dùng để chữa cháy của công an để vận chuyển nước cho bệnh viện, trường học vì một số máy, thiết bị y tế không hoạt động khi gặp nước mặn 1‰. Thiệt hại thống kê chưa đầy đủ đã lên đến 200 tỷ đồng”- ông Võ Thành Hạo nói và cho biết thêm, Bến Tre không thể sử dụng giếng nước ngầm vì bơm lên sẽ mặn hoặc phèn. Một số nơi ở huyện, người dân khoan nước tầng nông khoảng 8m thì có ít nước ngọt, chia nhau xài.
Không chỉ thiếu nước cho con người, Bến Tre còn thiếu cả nước cho bò uống. Hiện nhiều nơi nhiễm “nửa mặn nửa ngọt” khuyến cáo không gieo sạ lúa nhưng người dân vẫn làm, bởi “nếu lúa thất thì họ cắt cho bò ăn. Đỡ lo hơn thiếu rơm”.
Hiện ở Bến Tre, người nuôi bò cũng khó khăn do bò thiếu nước uống. Nhiều gia đình phải bán bò với giá thấp hơn bình thường khoảng 10 triệu đồng/con”- ông Võ Thành Hạo dẫn chứng cho việc mặn khốc liệt đã tác động đến sản xuất và chăn nuôi.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, độ mặn ở các sông dao động 20- 25‰ đã làm 2.700ha nuôi tôm bị thiệt hại. Nhiều sông, kinh, rạch đã cạn nước vì trước tết địa phương đóng cống đập để ngăn mặn.
“Người dân thu hoạch lúa không thể chở đi xay xát để lấy gạo vì giao thông thủy đã khô hạn. Hiện có trên 42.000ha rừng bị khô hạn, trong đó, 3.000ha báo cháy cấp 4, hơn 4.000ha cấp 5- cấp cực kỳ nguy hiểm. Mỗi ngày nước dưới kinh trong rừng giảm 1- 2cm. Các kinh này khô dần khiến tỉnh rất lo lắng, bởi nếu cháy thì không có nước chữa lửa”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải lo lắng.
Để phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, tỉnh đang hướng dẫn dân xây hồ chứa để giữ nước ngọt. Về lâu dài, Cà Mau xin Thủ tướng và các bộ ngành rà soát quy hoạch thủy lợi, quy hoạch rừng tràm, đê sông và giúp Cà Mau nghiên cứu các giải pháp chống lún đất, xâm nhập mặn.
Ưu tiên nước ngọt cho người dân
Theo dự báo, vụ Hè Thu, nếu khô hạn kéo dài đến tháng 6 thì toàn vùng sẽ có 500.000ha không thể xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, 50% diện tích lúa Đông Xuân còn trên đồng ở các tỉnh có thể bị ảnh hưởng.
Nói đến vất vả của người dân trong vùng thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất băn khoăn: “Thiệt hại đến nay là 160.000ha lúa, bình quân mỗi hộ có 0,5ha thì có đến 320.000 hộ ảnh hưởng. Tôi tính mỗi hộ 5 người thì có đến 1,5 triệu người. Những người này lấy đâu thu nhập, con cái đi học, bệnh hoạn thì phải làm sao?”
Để có giải pháp phòng chống trước mắt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ tạm ứng ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện các công trình, biện pháp phòng chống xâm nhập mặn với mức hỗ trợ bằng 70% nhu cầu; hỗ trợ cho những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nước tưới; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn...
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo kiến nghị trước mắt hỗ trợ kinh phí để tỉnh đắp một đoạn sông còn nước ngọt cao, để từ đây đưa nước ngọt về các nhà máy phục vụ.
Và khi đó, người dân thành phố và một vùng lân cận sẽ không còn “khát” nước ngọt. Về lâu dài, lãnh đạo Bến Tre cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ dân vùng ven biển mua dụng cụ giữ nước trong nhà.
Tỉnh cũng đề nghị xây cống Thủ Cửu với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Nếu thực hiện, Bến Tre sẽ có 1 hồ nước ngọt lớn từ sông Hàm Luông đi qua TP Bến Tre, Giồng Trôm và Ba Tri. Mục đích của cống này là giữ ngọt, cung cấp nước tưới tiêu và cho các nhà máy nước.
Tại Kiên Giang, nếu như tháng trước tỉnh này có 34.000ha lúa bị thiệt hại thì nay đã tăng lên 55.000ha.
Ông Phạm Vũ Hồng- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, diện tích lúa chết phát sinh thêm có một phần của huyện U Minh Thượng, tứ giác Long Xuyên và phía Tây sông Hậu.
“Kiên Giang có hệ thống đê biển 200km, kinh chằng chịt nên rất nhiều cống. Tỉnh cần 6.000 tỷ đồng mới hoàn thành cống ngăn mặn hoàn chỉnh. Đồng thời cho xây dựng hệ thống cấp nước khu vực ĐBSCL từ hướng sông Hậu. Nắng hạn và xâm nhập mặn đã khiến người dân thiệt hại khoảng 1.200 tỷ đồng”- Ông Phạm Vũ Hồng kiến nghị giải pháp đảm bảo nước ngọt lâu dài.
Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp- PTNT báo cáo từ cuối năm 2015 đến nay, ĐBSCL có gần 160.000ha lúa bị thiệt hại, ước tính mất gần 5.000 tỷ đồng, nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tương đương để khắc phục hậu quả và thực hiện các công trình thủy lợi xung yếu để chống hạn- mặn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trước mắt chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh- thành ĐBSCL.
Nước sông nhiễm mặn, người dân ở ấp Vàm An (xã Quới An- Vũng Liêm) phải bơm nước từ ao về sử dụng. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ cấp ngay 137 tỷ đồng cho 9 tỉnh bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đã có thống kê và đề xuất hỗ trợ. Các loại kinh phí đã có quy định hỗ trợ thiên tai phải thực hiện đầy đủ. Các địa phương hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời, không để người dân bị thiệt hại phải chờ hỗ trợ của Nhà nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương ưu tiên nước ngọt hợp vệ sinh cho người dân, đồng thời nắm chắc tình hình, báo cáo và đề xuất Chính phủ cấp ngay các kinh phí đặc thù như đắp đập tạm thời để giữ nước ngọt và ngăn mặn, kinh phí vận chuyển cung cấp nước sạch cho dân.
“Trong thời tiết nắng hạn, các địa phương tăng cường phương án bảo vệ phòng chống cháy rừng; từng tỉnh tập trung rà soát lại quy hoạch cấp nước ngọt, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, kể cả nước mặt, nước ngầm, hồ chứa nước”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
|
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch tổng thể tại ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng giai đoạn 2012- 2030 là khoảng 90.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, có 16.500 tỷ đồng được bố trí cho giai đoạn 2011-2015. Bộ này dự kiến giai đoạn 2016- 2020 khoảng 31.000 tỷ đồng và 42.000 tỷ cho giai đoạn đến năm 2030. |
>> Kỳ cuối: Vĩnh Long- dồn sức chống mặn
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin