Mô hình nông thôn mới

07:03, 23/03/2016

Mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân, 5 năm qua, Vĩnh Long đã có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung để phát huy tiềm năng, lợi thế.

Mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân, 5 năm qua, Vĩnh Long đã có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung để phát huy tiềm năng, lợi thế.

Hiệu quả minh chứng từ thu nhập đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2015 là 26,11 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,92 lần so năm 2010; phá vỡ tư duy sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ” của người dân. Những mô hình chuyển đổi hiệu quả, góp phần nâng chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững, chúng tôi gọi chung là “mô hình nông thôn mới”.

Phát triển mô hình trăm triệu

Trà Ôn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai.
Trà Ôn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai.

Theo BCĐ Xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong những năm qua, ngành nông nghiệp chịu nhiều bất lợi thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng trưởng ổn định, bình quân 2,74%/ năm.

Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản mỗi hecta năm 2015 đạt 160 triệu đồng, gấp 1,58 lần so năm 2010.

Quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi đưa rau màu trồng trên nền lúa, phát triển mô hình chăn nuôi mới tiếp tục phát triển. Nhiều mô hình sản xuất đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đặc biệt mô hình cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi lúa sang trồng mè, bắp… được người dân đồng tình tham gia.

Trà Ôn là điểm sáng trong chuyển đổi, phát triển cây trồng, vật nuôi mới. Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT, sau gần 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp huyện đã thực hiện được 60 mô hình, hầu hết mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là mô hình cá lóc đạt lợi nhuận 27 triệu đồng/điểm nuôi 100m2; trồng dưa leo, lợi nhuận 59 triệu đồng/ha; bắp từ 35- 40 triệu đồng/ha…

Anh Nguyễn Văn Miền (ấp Gò Chanh, xã Vĩnh Xuân) cho biết, liên tục những vụ vừa qua anh thực hiện trồng bắp lai cho thu nhập từ 3- 4 triệu đồng/công, cao hơn trồng lúa chỉ khoảng 2 triệu đồng. Trong khi lúa chỉ làm khoảng 3 vụ thì giống bắp lai Milky36 mà anh Miền trồng có thể sản xuất 4 vụ/năm.

Từ hiệu quả này, nhiều nông dân lân cận cũng học làm theo. Ngoài tiêu thụ tại địa phương, bắp lai sau thu hoạch còn được một công ty ở Cần Thơ đến thu mua với giá cả ổn định.

“Huyện khoai” Bình Tân cũng xác định đa dạng cây màu và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp là mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Hiện ngoài khoai lang, tại xã Tân An Thạnh ngành chuyên môn khuyến cáo mở rộng diện tích trồng mè; Tân Bình trồng hành lá, còn khu vực ven sông Hậu phát triển nuôi trồng thủy sản. Mục tiêu địa phương đến 2020, giá trị nông- lâm- thủy sản tăng bình quân 3%, đưa tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản địa phương lên 20% và nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích lên từ 290- 300 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển đổi để tăng thu nhập

Vũng Liêm đang tập trung phát triển đàn bò, góp phần nâng cao thu nhập người dân.
Vũng Liêm đang tập trung phát triển đàn bò, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh giai đoạn 2016- 2020 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trên 7,5%; thu nhập đầu người đạt 70 triệu đồng, giảm hộ nghèo hàng năm là 1%.

Trong đó, sản xuất nông nghiệp, mà trọng tâm là thực hiện đa dạng hóa cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân là quan trọng.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đồng loạt triển khai nhiều dự án trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Điển hình giai đoạn 2014- 2015, Chi cục Thủy sản đã thực hiện dự án chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cá sặt rằn và phát triển mô hình nuôi cá sặt rằn với cá thát lát còm bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Long Hồ cho lợi nhuận trên 130 triệu đồng/ha.

Ông Lê Văn Thiệt (xã An Bình- Long Hồ)- hộ được chọn nuôi trình diễn cho biết, nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn, liên tục thua lỗ nên ông phải treo ao thời gian dài. Sau khi được Chi cục Thủy sản hỗ trợ giống nuôi ghép cá sặt rằn và thát lát còm, hướng dẫn kỹ thuật, ông bắt tay nuôi thử nghiệm trên diện tích 3.000m2. Kết quả sau hơn 6 tháng nuôi, ông thu lợi nhuận hơn 134 triệu đồng.

Còn theo Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, năm 2015, đơn vị này thực hiện 8 dự án khuyến nông áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi vịt siêu thịt quy mô nông hộ theo hướng an toàn sinh học có áp dụng đệm lót sinh thái, đã chuyển giao 8.000 con giống tại 4 huyện.

Sau 58- 70 ngày nuôi, tỷ lệ sống đạt hơn 96%, trọng lượng 3,5 kg/con, trừ chi phí người nuôi lời khoảng 3 triệu đồng. Theo đánh giá, mô hình góp phần không nhỏ vào tăng thu nhập người dân, phát triển chăn nuôi bền vững gắn bảo vệ môi trường.

Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh từng cho rằng, có rất nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả, đã mang lại giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Vì vậy, trong thời gian tới, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sẽ tiếp tục được thực hiện tích cực hơn trên cơ sở phù hợp điều kiện từng địa phương. Mục tiêu sẽ hình thành những ruộng lúa liền kề, theo cánh đồng mẫu lớn; vườn cây ăn trái chuyên canh, chăn nuôi hướng trang trại đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng tới mở rộng xuất khẩu.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ổn định, bền vững đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cũng là góp phần chung tay xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp.

Trong năm 2015, Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh đã lồng ghép thực hiện 8 đề tài, dự án cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; khảo sát hệ thống tưới phun cho vùng trồng rau diếp cá chuyên canh tại TX Bình Minh; xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư, nấm rơm tại một số xã nông thôn mới huyện Vũng Liêm; phối hợp tập huấn trồng hoa lan cắt cành, nuôi thỏ,…

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh