Lúa "sèo bông" vì nhiễm mặn

08:03, 01/03/2016

Tại huyện Mang Thít, nhiều ruộng lúa Hè Thu sớm giai đoạn mạ bỗng dưng khô héo rồi chết sạch. Còn tại Vũng Liêm, nhiều ruộng lúa Đông Xuân chuẩn bị thu hoạch đã bị "sèo bông", dự báo thất thu. Tất cả đều do lúa bị nhiễm mặn.

Tại huyện Mang Thít, nhiều ruộng lúa Hè Thu sớm giai đoạn mạ bỗng dưng khô héo rồi chết sạch. Còn tại Vũng Liêm, nhiều ruộng lúa Đông Xuân chuẩn bị thu hoạch đã bị “sèo bông”, dự báo thất thu. Tất cả đều do lúa bị nhiễm mặn.

Ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Lâm (ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm) sèo bông, nguy cơ thất bát.
Ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Lâm (ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm) sèo bông, nguy cơ thất bát.

Rầu rĩ vì lúa chết

Năm nay, Mang Thít lần đầu tiên bị nước mặn xâm nhập sâu với nồng độ lại cao nên ngành chức năng lẫn người dân “bất ngờ và trở tay không kịp”.

Theo đó, đã có không ít diện tích lúa Hè Thu sớm người dân chịu ảnh hưởng nặng. Có 3 công lúa bị ảnh hưởng ngập mặn, chú Nguyễn Thanh Long (ấp Mỹ Long, xã Chánh An) rầu rĩ, nói: “Lần đầu tiên lúa tui bị ảnh hưởng nặng như vầy. Bữa nước mặn lên, tui đâu biết nên xả nước vô ruộng, ai ngờ đâu lúa chết ráo trọi. Lúa sạ cả tháng phải bỏ, cày xới sạ lại, lỗ là cái chắc”.

Cũng theo chú, hiện lúa gieo sạ lại được 7 ngày nhưng lên vẫn chưa đều, chết rất nhiều, bởi “mầm mặn” vẫn còn trên ruộng chưa có nước ngọt để tháo rửa.

Ông Trương Thanh Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Chánh An cho biết, xã có khoảng 17 hộ có diện tích lúa bị ảnh hưởng, trong đó có 1 hộ bị ảnh hưởng nặng, phải bỏ hết ruộng lúa đang giai đoạn mạ để sạ lại. Còn phần lớn các hộ dân khác lúa bị chết ở các vùng trũng, nông dân nhổ bỏ để lấy mạ vùng khác cấy vào, nếu không có mạ cấy, nông dân đành bỏ luôn.

Còn tại ấp Rạch Trúc (thị trấn Vũng Liêm), qua ghi nhận có hàng chục hecta lúa Đông Xuân chuẩn bị thu hoạch trở nên xơ xác, sèo bông thưa thớt do nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết: “Chưa năm nào lúa thất như năm nay. Mỗi công thu hoạch ước chừng 10 giạ, trong khi những năm trước gần 40 giạ”. 

Ông Phương có 5 công ruộng, do nằm ngoài bờ vùng nên hàng năm tại địa phương ngập nước không còn là chuyện lạ. Nhưng năm nay, ngập kèm xâm nhập mặn đã khiến lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Mặn xâm nhập đợt 1 lúc lúa 20 ngày tuổi nên không sao, tuy nhiên đợt mặn thứ 2 vào ngày 29 tháng Chạp lúc lúa đã trổ lẹt xẹt nên đành chịu trận”- ông Phương than thở.

Gần đó, ông Nguyễn Văn Lâm cũng cùng chung cảnh ngộ- lúa nghẹn đòng lác đác. Để cứu lúa, ông đã mua nhiều loại thuốc dưỡng để phun xịt “hy vọng vớt vát chút đỉnh”. “Vụ này thất bát là cái chắc, thu hoạch xong chưa chắc thương lái chịu mua bởi hột đen thui. Vụ lúa được chờ đợi nhất trong năm nhưng giờ xem ra không còn hy vọng gì, thương lái không mua có nước đem xay gạo nấu cho heo ăn hoặc để nuôi vịt, gà”- ông Phương nói.

Theo nhiều nông dân, xâm nhập mặn đã khiến chi phí sản xuất tăng cao so với những vụ trước khoảng 30- 40%.

Vận hành cơ chế phòng chống đặc biệt

Trước đây, Vĩnh Long chỉ có 2 huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn là Vũng Liêm và Trà Ôn (rộng hơn 50.000ha), nay có thêm 2/3 diện tích huyện Mang Thít bị ảnh hưởng (rộng khoảng hơn 10.000ha).

Mặn xâm nhập ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và đời sống nhân dân. Qua thống kê, đợt mặn lên cao vào giữa tháng 12/2015, huyện Vũng Liêm có trên 1.000ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng, lúa Hè Thu sớm đang trong giai đoạn mạ bị thiếu nước tưới trong thời gian khoảng 10- 15 ngày do đóng cống ngăn mặn.

Cụ thể, tại xã Trung Nghĩa có 670ha, xã Trung Ngãi là 775ha lúa Đông Xuân 2015- 2016; xã Trung Thành Đông có trên 300ha lúa Hè Thu mới sạ cũng đang thiếu nước.

Gần nhất, đợt mặn lên cao kỷ lục trong những ngày Tết Nguyên đán đã làm cho hơn 1.200ha lúa Hè Thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ tại địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó ở ấp Rạch Trúc, có 1ha lúa bị chết 100%, 2ha lúa bị thiệt hại khoảng 60%.

Dự báo của ngành chuyên môn, những ngày tới hạn mặn tiếp tục ảnh hưởng, mùa mưa ở ĐBSCL vào cuối tháng 5. Huyện Vũng Liêm đã có nhiều diện tích lúa bị thiếu nước canh tác tập trung ở các xã Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Quới An và Tân Quới Trung.

Toàn bộ diện tích cây ăn trái ở 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện bị thiếu nước tưới, nguồn nước bị nhiễm mặn hoàn toàn. Huyện Mang Thít có 390ha lúa Hè Thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ bị ảnh hưởng vì thiếu nước do đóng cống (xã An Phước 2ha, Chánh An 2 ha, Tân An Hội 386ha).

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tới đây phải vừa chống hạn vừa chống mặn. Hiện nay nước trên thượng nguồn đo tại cầu Mỹ Thuận thấp hơn so với cùng kỳ 1,5- 1,8m. Mưa trễ, chúng ta sẽ bị hạn, xâm nhập mặn là do nước biển dâng, xâm nhập sâu vào nội đồng.

“Trước mắt sẽ chỉ đạo cho các huyện, nhất là huyện Vũng Liêm cho kiểm tra lại tình hình các hộ có vườn cây ăn trái bị chết, để xem xét mức độ có hướng hỗ trợ. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo đến các tỉnh ĐBSCL trong đó có Vĩnh Long, tất cả các ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp ở địa phương vận hành theo cơ chế phòng chống thiên tai đặc biệt từ đây đến tháng 6 thực hiện liên tục”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Trần Hoàng Tựu cho biết thêm.

Còn theo ông Trương Thanh Sơn: “Xã đã thông báo đến các hộ dân đóng quạt ở các vườn cây ăn trái, ruộng để hạn chế nước mặn xâm nhập. Khuyến cáo nông dân nên trữ nước, canh ngày lẫn đêm, kiểm tra đê bao, chỉ cho nước ra không cho nước vào”.

Về nước sinh hoạt, hầu như toàn nguồn nước sông ngòi, kinh, rạch ở ngoài vùng đê bao ở 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và một phần của huyện Mang Thít đều bị nhiễm mặn xấp xỉ và vượt 4‰. Vì vậy, các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung khai thác nước mặt tại các huyện này buộc phải bơm nước lên cấp sử dụng trong những ngày mặn lên cao.

2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn cũng đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, trên lúa sẽ chuyển đổi dần từ 3 vụ sang 2 vụ trong năm nhằm giảm ảnh hưởng mặn xâm nhập.

 

Theo ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đợt xâm nhập mặn vừa qua ảnh hưởng đến 17ha vườn cây ăn trái ở cồn Thanh Long, chủ yếu là sầu riêng, bưởi, xoài một số hoa màu. Bên cạnh đó, có 2ha lúa ở thị trấn Vũng Liêm bị mất trắng do nước mặn xâm nhập “nghẹn đòng” không trổ được.

Khoảng 300ha ở các xã Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành Đông bị nước mặn lé vào nhưng ở độ mặn dưới 2‰ đã kịp thời ngăn lại để đảm bảo sự tăng trưởng cho lúa. Hiện nay trà lúa có phần giảm lại tốc độ phát triển nhưng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Ở Trà Ôn, nước mặn vào bị ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống người dân. Tam Bình có nước mặn tới Ngãi Tứ. TX Bình Minh nước mặn tới Mỹ Hòa. Ở Mang Thít, mặn tới vàm Mỹ An nhưng độ mặn dưới 2‰.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh