Người dân đồng bằng đã từng "sống chung với lũ" thì nay đến lượt phải "sống chung với hạn, mặn". Lũ có lúc cũng gây hại nhưng nguồn lợi từ lũ rất lớn nên dễ sống chung. Còn hạn, mặn- đang đặt ra một thách thức khác.
Người dân đồng bằng đã từng “sống chung với lũ” thì nay đến lượt phải “sống chung với hạn, mặn”. Lũ có lúc cũng gây hại nhưng nguồn lợi từ lũ rất lớn nên dễ sống chung. Còn hạn, mặn- đang đặt ra một thách thức khác.
Trồng cây gì, nuôi con gì để thích ứng hạn, mặn? Trong ảnh: Vườn cây trơ trụi của ông Nguyễn Văn Thanh (ở cồn Thanh Long, Quới Thiện- Vũng Liêm) do vỡ đê bao và xâm nhập mặn. |
Hạn, mặn là “có thật”
Thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ước tổng thiệt hại do hạn, mặn trong tỉnh từ đầu năm đến nay trên 122 tỷ đồng. Trong đó, huyện Vũng Liêm bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 119 tỷ đồng, kế đến là huyện Mang Thít gần 2,4 tỷ đồng và Trà Ôn 975 triệu đồng.
Cụ thể, diện tích lúa bị hạn là 1.734ha (tỷ lệ thiệt hại dưới 30%, ước thiệt hại 16 tỷ đồng). Toàn bộ diện tích này tập trung tại huyện Vũng Liêm với 1.434ha lúa Đông Xuân ở giai đoạn sinh trưởng và 300ha lúa Hè Thu trong giai đoạn mạ.
Tổng diện tích bị nhiễm mặn là trên 20.925ha (ước thiệt hại trên 106 tỷ đồng), trong đó có trên 15.716ha lúa Đông Xuân và trên 204ha lúa Hè Thu, trên 502ha rau màu và trên 4.502ha cây ăn trái tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít và Trà Ôn bị ảnh hưởng.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, hạn, mặn đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Toàn tỉnh có 71.526 hộ dân bị ảnh hưởng nguồn nước nhiễm mặn, trong đó có 36.574 hộ đã sử dụng nước máy (tỷ lệ 51,2%).
Hiện còn 34.215 hộ ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung, hộ ở trong nội đồng xa kinh, rạch lớn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.
Thời gian qua, hầu như nguồn nước sông ngòi, kinh, rạch ở ngoài vùng đê bao ở 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và một phần của huyện Mang Thít đều bị nhiễm mặn xấp xỉ 2‰. Các nhà máy nước, trạm cấp nước sử dụng nước mặt tại các huyện này buộc phải bơm nước lên cấp cho dân sử dụng trong những ngày mặn lên cao.
Toàn tỉnh có 12 nhà máy nước, trạm cấp nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, trong đó Vũng Liêm có 8 trạm, Trà Ôn 2 trạm và Mang Thít có 1 nhà máy và 1 trạm, với trên 18.000 hộ dân sử dụng.
Làm sao thích ứng với hạn mặn
Băn khoăn với những vấn đề dân sinh trong bối cảnh hạn, mặn xâm nhập ngày càng gay gắt, ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, cần giải quyết kịp thời nỗi lo lắng trong dân trên cơ sở định hướng cho người dân phải thích ứng với hạn, mặn như thế nào.
Bởi hiện nay trước những tác động tiêu cực của hạn, mặn đã quá rõ ràng khiến người dân luôn đè nặng tâm trạng “vừa bức xúc, vừa lo lắng”. Do đó, Trung ương cần có chỉ đạo tích cực hơn, hướng dẫn tự ứng phó ra sao? Người dân cần làm gì? Chính quyền cần làm gì?
Tỉnh Vĩnh Long hiện gặp phải những khó khăn trong việc ứng phó với đợt mặn lên cao như còn nhiều diện tích đất sản xuất có thể thiếu nước trong những ngày triều thấp, đóng cống ngăn mặn, phải bơm tưới hỗ trợ.
Các nhà máy nước, trạm cấp nước nông thôn bị động trong khai thác nguồn nước từ kinh, rạch vì hầu hết kinh, rạch đều bị hở, không trữ được nước ngọt, nước bị nhiễm mặn dưới 3‰ vẫn khai thác cấp sử dụng trong những ngày độ mặn lên cao.
Các công trình ngăn mặn, trữ và tiếp ngọt cho vùng Nam Mang Thít theo quy hoạch thủy lợi chưa được đầu tư kịp nên khả năng ngăn triều, ngăn mặn và dẫn ngọt rất hạn chế.
Các cống lớn như Vũng Liêm, Tân Dinh, kinh Ngã Hậu- Mây Phốp, Cái Cá- Mây Tức, đê bao sông Măng Thít chưa được xây dựng. Các vàm nối sông Măng Thít đều hở. Hiện việc ngăn triều, mặn ở Vũng Liêm, Trà Ôn chỉ nhờ vào hệ thống đê bao ven các kinh cấp 1, cấp 2 và các cống nhỏ trên đê bao.
Bài toán “sống chung với hạn, mặn” là sự thách thức không nhỏ cho cộng đồng. |
Nhiều kinh, rạch nội đồng trong vùng đê bao bị bồi lắng. Các huyện thiếu kinh phí nạo vét nên khả năng cấp nước, trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt là rất thấp, hiện khả năng cấp chỉ từ 5- 10 ngày trong những ngày đóng cống ngăn mặn, nếu kéo dài từ 15- 30 ngày là không đủ nước.
Một số nơi chưa nắm thông tin diễn biến xâm nhập mặn nên dẫn nước mặn vào ruộng tưới khiến cây trồng bị ảnh hưởng.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp- PTNT làm việc tại Vĩnh Long mới đây, đã khuyến nghị tỉnh nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến ứng phó, sống chung với hạn, mặn.
Theo đó, vấn đề cấp bách hiện nay là cần vận động người dân trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Thông báo mặn kịp thời để người dân tích nước, vận động người dân sử dụng giếng khoan, hộ dân phân tán nên dùng bột xử lý nước, xây hồ chứa chống chọi với mặn dài ngày. Trong chỉ đạo sản xuất, cần đảm bảo đủ nước mới xuống giống…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, người dân đồng bằng có kinh nghiệm sống chung với lũ. Có những mùa lũ được mong chờ khi vắng bóng. Nhưng nay hạn, mặn đang đặt ra một thách thức khác. Bài toán sống chung với hạn, mặn là khó khăn hơn.
Do đó, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân là rất quan trọng. Sống chung với lũ; ứng phó với hạn, mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ khó khăn nhưng sẽ làm được khi có sự hợp lực của cả cộng đồng.
Bài, ảnh: THÀNH LONG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin