Không thể để người này dọn rác, người kia xả rác

08:03, 30/03/2016

Tình trạng xả rác, không để rác đúng nơi quy định ngày một nhiều. Mặc dù chính quyền địa phương ra sức treo các băng rôn, biển báo tuyên truyền nhằm giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, làm đẹp mỹ quan đô thị nhưng không khả quan. 

Tình trạng xả rác, không để rác đúng nơi quy định ngày một nhiều. Mặc dù chính quyền địa phương ra sức treo các băng rôn, biển báo tuyên truyền nhằm giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, làm đẹp mỹ quan đô thị nhưng không khả quan.

Thậm chí những ngày cuối tuần, ở nhiều địa phương, nhiều đoàn thanh niên, sinh viên, người dân khu phố cùng nhau chung tay dọn rác để đem đến bãi tập kết. Nhưng mới vừa dọn hôm trước thì hôm sau đã xuất hiện rác nhan nhản.

Đau đầu nhất là các tờ bướm được dán ở cây xanh, bức tường, cột điện… quảng cáo vặt như: rút hầm cầu, khoan cắt bê tông, cho vay trả góp, nhận dạy kèm,…

Đây là những hình thức quảng cáo tiết kiệm nhất đối với tiểu thương, doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng góp phần làm xấu mỹ quan đô thị nhiều nhất. Họ dán bằng thứ keo nước có độ dính rất cao, gỡ khó tróc, khiến cho các mảng sơn của các bức tường bị bong từng mảng, sinh ra xuống cấp.

Phía Đoàn thanh niên địa phương và các bạn sinh viên thường có chiến dịch lột, cạo các tờ quảng cáo như thế này rất khó khăn. Có trụ điện bị đến chừng 100 tờ quảng cáo vây quanh “hành xác”.

Điều đáng nói là người đi dán các tờ quảng cáo này rất ngang nhiên, xem thường pháp luật. Trong nội dung của các tờ quảng cáo “có mùi” thường để lại số điện thoại “chính chủ” hẳn hoi, thách thức luật pháp.

Nghị định 179/2013 của Chính phủ xử phạt các hành vi vi phạm về môi trường thay thế Nghị định 23/2009, có hiệu lực ngày 30/12/2013 đã nâng mức xử phạt nhiều lần.

Cụ thể, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền 100.000- 200.000đ. Nếu vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt từ 300.000- 400.0000đ…

Tuy nhiên, việc xử lý những hành vi xả rác bừa bãi chưa được xử lý nghiêm túc. Nghị định chỉ nằm trên giấy trắng. Vì thế, việc xả rác vẫn cứ diễn ra tràn lan.

Đề nghị cơ quan chức năng hãy để pháp quyền lên tiếng một cách mạnh, nghiêm. Đừng nghĩ đây chỉ là việc cỏn con không đáng quan tâm. Hãy bước ra đường phố mà xem, xung quanh con người toàn là rác, khiến cho môi trường ô nhiễm, mỹ quan đô thị xấu xí.

Chỉ có pháp luật trừng trị mạnh tay mới có thể đẩy lùi nạn xả rác, trả lại môi trường trong lành. Cần khẳng định rằng, đoàn viên thanh niên, người dân khu vực, sinh viên cùng nhau dọn rác, vớt rác, thả cá nhằm bảo vệ môi trường là hành động vô cùng ý nghĩa. Nhưng không thể người này dọn mà người kia lại xả.

Vì vậy, cần phải cho những kẻ xả rác ý thức được việc làm của mình là sai (bằng cách có chế tài xử lý), từ đó mới không còn tái phạm. Cần phải chung tay bảo vệ môi trường vì một thành phố, quốc gia Việt Nam và cả thế giới xanh- sạch- đẹp.

NGUYỄN THANH VŨ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh