Hai tuần nữa nước thượng nguồn sông Mekong mới đến Việt Nam

03:03, 18/03/2016

Ước tính sơ bộ ban đầu, lượng nước về đến Việt Nam sẽ được 27-54% so với lượng nước xả. Con số hao hụt được tính dựa trên sự chênh lệch lưu lượng nước từ trạm thủy văn gần thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) so với trạm thủy văn ở Châu Đốc, An Giang, Việt Nam.

Ước tính sơ bộ ban đầu, lượng nước về đến Việt Nam sẽ được 27-54% so với lượng nước xả. Con số hao hụt được tính dựa trên sự chênh lệch lưu lượng nước từ trạm thủy văn gần thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) so với trạm thủy văn ở Châu Đốc, An Giang, Việt Nam.

Hai tuần nữa nước thượng nguồn sông Mekong mới đến Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền phong
Hai tuần nữa nước thượng nguồn sông Mekong mới đến Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền phong

Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam Trần Đức Cường cho biết điều này tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT tổ chức ngày 17/3 về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Theo ông Trần Đức Cường, ngày 15/3, phía Trung Quốc có thông báo gửi Ủy ban sông Mekong các nước Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia, cho biết kế hoạch xả nước từ công trình thủy điện Cảnh Hồng (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), từ ngày 15/3 đến 10/4 nhằm cứu hạn cho hạ lưu sông Mekong.

Cũng theo ông Trần Đức Cường, tình trạng khô hạn diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong, chứ không chỉ riêng ĐBSCL, do đó, các quốc gia như Lào, Thái Lan hoàn toàn có thể sử dụng nguồn nước từ thượng nguồn về trước Việt Nam.

Chính vì vậy, Ủy hội sông Mekong phải đóng vai trò điều phối chung, bằng cách yêu cầu các quốc gia trên lưu vực sông Mekong sử dụng nguồn nước với ưu tiên cao nhất là chống hạn. Tuyệt đối không sử dụng nguồn nước quý giá này cho mục đích khác, không được chuyển sang các lưu vực khác.

Đặc biệt, không được lưu trữ nước này trên các hồ chứa, bậc thang thủy điện, kể cả trên dòng chính và dòng nhánh. Ủy hội cũng khuyến cáo các nước tạo điều kiện tốt nhất cho dòng chảy, bằng cách dọn vật cản để nước có thể xuống hạ lưu thuận lợi nhất.

Nếu mọi việc thuận lợi, phải hai tuần nữa nguồn nước này mới về đến Việt Nam và cứu hạn cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, lượng nước trên chỉ đáp ứng phần nào khả năng cứu hạn ở hạ lưu, chứ không giải quyết được vấn đề xâm nhập mặn, bởi điều này còn phụ thuộc vào diễn biến của đỉnh triều.

Vì thế, ông Cường khuyến cáo: Các địa phương vẫn cần tiếp tục triển khai các biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn khác như: Nạo vét kênh mương, điều tiết công trình thủy lợi ngăn mặn, tranh thủ các thời điểm thuận lợi để lấy và trữ nước ngọt.

Giải đáp lo lắng về việc kiểm soát lượng nước từ hồ chứa của Trung Quốc xả xuống, đại diện Ủy ban sông Mekong khẳng định, trong hệ thống quan trắc của Ủy hội Mekong quốc tế có hai trạm đặt trên lãnh thổ Trung Quốc, một trạm sát với đập Cảnh Hồng, nên có thể cung cấp số liệu về lưu lượng nước xả tới ĐBSCL.

Sẽ thành lập 6 ủy ban lưu vực sông

Chia sẻ về việchiện nay mỗi tỉnh có một chiến lược dùng nước khác nhau dẫn đến mâu thuẫn và giảm hiệu quả sử dụng nước, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, Bộ TN&MT đang xây dựng đề án các tổ chức lưu vực sông.

Dự kiến thành lập 6 ủy ban lưu vực sông, trong đó có Ủy ban lưu vực sông Cửu Long nhằm điều phối sử dụng nước một cách hiệu quả nhất. Hiện Bộ đang xây dựng dự thảo, sẽ trình Chính phủ phê duyệt.

Liên quan đến tình trạng hạn hán kỷ lục 100 năm, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia cho biết, hạn hán vẫn sẽ tiếp tục đến hết tháng 5 vì mùa mưa năm nay đến muộn.

Đây là đợt El Nino rất mạnh trong lịch sử, vượt qua cả đợt El Nino kỷ lục năm 1997-1998. Dự kiến đầu tháng 6 mới có những trận mưa đầu tiên. Hạn hán vì thế sẽ tiếp tục lan rộng và gay gắt hơn nữa. Không chỉ ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, hạn hán đang mở rộng ra Trung Trung Bộ và có thể lên cả Bắc Trung Bộ.

Do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, đồng thời lượng nước sông Mekong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền ĐBSCL.

Kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng... ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn.

Tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay là gần 160.000 ha; 155.000 hộ gia đình (575.000 người) bị thiếu nước; nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, nhà máy sản xuất không có nước ngọt.

Theo http://baochinhphu.vn/Doi-song/Hai-tuan-nua-nuoc-thuong-nguon-song-Mekong-moi-den-Viet-Nam/250046.vgp

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh