Trong hội thảo lấy ý kiến về Luật Báo chí do Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa các trang mạng xã hội, trang thông tin tổng hợp vào phạm vi điều chỉnh của luật.
Trong hội thảo lấy ý kiến về Luật Báo chí do Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa các trang mạng xã hội, trang thông tin tổng hợp vào phạm vi điều chỉnh của luật.
Các nhà báo mong muốn luật mới giúp tác nghiệp thuận lợi hơn (ảnh minh họa). |
Không thể bỏ qua trang thông tin, mạng xã hội
Tại hội nghị, có nhiều ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội, blog, các hình thức báo chí đa phương tiện, tương tác báo chí… vào điều chỉnh tại luật này.
Ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Đây là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép
hoạt động.
Bà Hồ Huỳnh Tuyết Huệ cho rằng, các trang thông tin tổng hợp, các trang mạng xã hội… hiện nay dẫn đưa nhiều thông tin, bài viết liên quan đến báo chí, thậm chí có những trang thu hút rất nhiều độc giả. Ngoài ra, các cơ quan báo chí ngày càng phát triển theo xu hướng đa phương tiện, tính tương tác báo chí cao, trong đó cũng xuất hiện nhiều bình luận vô tội vạ theo sau các tác phẩm báo chí.
Trước nay, ta có quan điểm đối với những vấn đề mà không quản lý được thì cấm. Tuy nhiên, với xu thế phát triển của xã hội hiện nay nên đưa các trang này vào phạm vi điều chỉnh của luật để quản lý tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thư- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cũng đồng tình với quan điểm trên. Bà còn đề nghị, luật cũng nên quy định đối với những người viết thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân và tùy theo mức độ có thể chịu trách nhiệm hình sự.
Nhiều đại biểu lo lắng, đối với các trường hợp này, nếu không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật thì khi xảy ra các trường hợp đăng tải các thông tin xuyên tạc, vu khống, nói xấu,… thì phải xử lý như thế nào, bởi lẽ hiện nay thông tin mạng rất nhiều, cứ nói là không chính thống, là “đi đêm”, nhưng thực tế đang xuất hiện giữa ban ngày, tác động đến xã hội rất lớn, ban soạn thảo luật nên nghiên cứu kỹ chế tài quản lý và không thể bỏ qua.
Nhiều vấn đề cần quan tâm
Theo nhà báo Phạm Hoàng Khải- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long, luật cũng nên quy định cụ thể, tránh những thủ tục rườm rà không cần thiết, đặc biệt là việc xin các giấy phép con trong hoạt động báo chí xuất bản.
Luật cần quy định một cơ chế quản lý báo chí ở cấp độ địa phương một cách thống nhất vì hiện nay mỗi nơi làm một kiểu, không ai giống ai. Ngoài ra, ông cũng đề nghị, luật cần quy định quản lý nội dung giải trí trên các phương tiện truyền thông đảm bảo thuần phong mỹ tục.
Đặc biệt là các chương trình quảng cáo, hiện nay có xu hướng thường "gắn" vào các chương trình thời sự và bắt buộc độc giả phải xem dù không muốn. Do đó luật cần quy định cụ thể vấn đề này, phải tách nội dung và quảng cáo riêng.
Đối với việc cấp phép hoạt động của cơ quan báo chí và thẻ nhà báo, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể. Ông Nguyễn San- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- cho rằng, luật nên quy định cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép bao nhiêu lần thì không được đề nghị cấp phép lại, vi phạm ở mức độ nào sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn. Quy định như thế để tránh trường hợp cơ quan báo chí có vi phạm, đã bị xử lý, bị thu hồi giấy phép sau đó lại đề nghị cấp phép được dễ dàng.
Đối với việc cấp thẻ nhà báo, bà Nguyễn Thị Hồng Thư đồng tình đối với việc phóng viên tham gia công tác liên tục 3 năm trở lên, tuy nhiên việc cộng tác viên thường xuyên chỉ 1 năm được xét cấp thẻ là không hợp lý và đề nghị phải có thời gian như phóng viên. Đối với trường hợp tái cấp thẻ đối với trường hợp cá nhân đó vi phạm bị thu hồi 12 tháng là quá ngắn, luật nên quy định dài hơn để thử thách.
Dự án Luật Báo chí gồm 6 chương với 61 điều, trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. So với Luật Báo chí hiện hành, dự án Luật Báo chí có một số nội dung mới cơ bản: Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà Nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí. |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin