Bản lĩnh kiên cường, dũng mãnh của Việt Nam (tt)

06:03, 22/03/2016

Việt Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979 bằng sự lãnh đạo tài tình, ý chí kiên cường và chiến thuật hợp lý.

Việt Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979 bằng sự lãnh đạo tài tình, ý chí kiên cường và chiến thuật hợp lý.

Với chiến thuật hợp lý, quân dân ta đã chặn đứng bước tiến của quân địch sau ngày đầu. Trong ảnh: Quân ta trao trả tù binh cho Trung Quốc.
Với chiến thuật hợp lý, quân dân ta đã chặn đứng bước tiến của quân địch sau ngày đầu. Trong ảnh: Quân ta trao trả tù binh cho Trung Quốc.

Tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân các tỉnh biên giới

Hầu hết các nhà nghiên cứu quốc tế đều thừa nhận, về phía Việt Nam chỉ có dân quân và các lực lượng địa phương Việt Nam đã tham gia phòng thủ nhưng họ đã tấn công liên tục chống quân xâm lược và chỉ chịu mất Lạng Sơn và một số thị xã khác, sau khi đã gây thương vong và thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc.

Trên các mặt trận dọc tuyến biên giới phía Bắc, chiến thuật “biển người” của Trung Quốc đã không thể phát huy tác dụng trước ý chí bảo vệ non sông, đất nước và lòng quả cảm của những người con đất Việt trên tinh thần “Tất cả cho Tổ quốc quyết sinh”.

Lúc đầu do yếu tố bất ngờ, quân Trung Quốc tiến nhanh nhưng sau đó phải giảm tốc độ vì vấp phải tinh thần chiến đấu kiên cường, chiến thuật phòng ngự hiệu quả của bộ đội địa phương và dân quân du kích Việt Nam.

Ở nhiều nơi, bộ đội phục viên đã tự động tụ họp lại tổ chức các nhóm vũ trang chống quân địch, nhiều nhóm lão dân quân, nữ dân quân cũng tổ chức đánh vào sau lưng địch, khiến quân Trung Quốc phải xé lẻ đội hình và thay đổi chiến thuật.

Ở hướng Cao Bằng, các cánh quân Trung Quốc đều bị bộ đội địa phương, dân quân tỉnh này cương quyết đánh chặn, bị phản kích xé tan đội hình, phải bỏ chạy về bên kia biên giới, chờ tăng viện mới tiếp tục tấn công.

Trên tuyến Hoàng Liên Sơn, dân quân, tự vệ cùng các lực lượng vũ trang địa phương ta đã đánh trả quyết liệt suốt 7 ngày, khiến 2 Tập đoàn quân Trung Quốc vẫn không qua nổi trận địa đánh chặn, phục kích. Trên các hướng Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh, qua hơn 20 ngày, quân Trung Quốc vẫn bị chặn ở Phong Thổ, hơn 1.000 tên xâm lược đã thiệt mạng ở Hà Tuyên, 2 trung đoàn Trung Quốc đã bị đánh lui tại Quảng Ninh, tháo chạy sát về biên giới.

Có những trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao giữa số ít bộ đội dân quân Việt Nam với biển người Trung Quốc. Lực lượng phòng thủ của ta không nao núng đánh đến người lính cuối cùng, bắn tới viên đạn cuối cùng. Có những lần giặc ném lựu đạn vào, chưa kịp nổ thì quân ta đã nhanh tay cầm lựu đạn ném trả lại…

6 sư đoàn địch đánh vào Lạng Sơn, Pháo đài Đồng Đăng- nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất đã phòng thủ kiên cường cho đến ngày 22. Ngày cuối cùng tại Pháo đài, địch liên tục bắc loa hù dọa, dụ dỗ, kêu gọi đầu hàng nhưng quân ta kiên quyết chống trả tới hơi thở cuối cùng.

Quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, dùng vũ khí hóa học bắn vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả những thương bệnh binh và nhân dân quanh vùng đến đây lánh nạn.

Những giọt máu của quân dân tuyến đầu biên giới đã nhỏ xuống tạo thành vành đai đỏ ngăn bước quân thù, khiến cho lực lượng tuyến sau có thời gian tổ chức lực lượng, củng cố trận địa công sự cầm chân địch để hậu phương có thời gian điều chuyển binh lực nhằm tiêu diệt sạch quân thù.

Chiến thuật tác chiến linh hoạt, sáng tạo

Trong ngày đầu của cuộc chiến, chiến thuật dùng biển lửa, biển người và hỏa lực mạnh (tiền pháo hậu xung) của giặc đã gây không ít khó khăn cho ta. Họ tiến quân như chẻ tre, vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và cướp phá một số thị trấn.

Chỉ sau 2 ngày khởi chiến, quân Trung Quốc đã vào được 11 làng mạc và thị trấn, nhưng chúng cũng không thể sử dụng được tài nguyên trong những vùng tạm chiếm, để bù đắp cho lực lượng hậu cần yếu kém, do chúng ta thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” hiệu quả. Cũng chỉ trong 2 ngày đầu tiến công vào Việt Nam, ít nhất 4.000 lính Trung Quốc đã thiệt mạng.

Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở Tây Bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị, Thông Nông ở Đông Bắc. Quân Trung Quốc cũng đã vượt sông Hồng và đánh mạnh về phía Lào Cai. 

Nhưng họ nhanh chóng bị hụt hẫng, phải chững lại bởi hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới rất mạnh, với các hầm hào, hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ.

Ngoài ra, địa hình rừng núi hiểm trở và khí hậu Việt Nam, sức kháng cự mãnh liệt của ta khiến quân bành trướng Bắc Kinh phải chịu những tổn thất ban đầu rất lớn.

Giai đoạn tiếp theo, để đối phó với sự vượt trội về quân số và hỏa lực của địch, quân dân Việt Nam áp dụng chiến thuật phòng ngự mềm dẻo, đánh tiêu hao, từng bước làm hao mòn sinh lực giặc, phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh du kích và hiệu quả chiến tranh nhân dân.

Quân đội Việt Nam phân tán thành những toán nhỏ và các đơn vị cỡ trung đội, ẩn trên núi non, rừng rậm và hang động, tận dụng địa thế hiểm trở, ưu thế về địa lợi, nhân hòa, phong thổ khắc nghiệt với quân thù và tiếp tục phát động các cuộc phản công.

Sự kháng cự không hề nao núng của quân dân Việt Nam buộc Trung Quốc phải thay đổi chiến thuật hoạt động bằng cách chia quân thành những đơn vị cỡ tiểu đoàn để đối phó. Có nơi quân địch đã đi qua nhưng buộc phải quay trở lại chiến đấu vì bị đánh sau lưng quá mạnh.

Quân ta tận dụng yếu tố bất ngờ, thường xuyên tổ chức phục kích, tập kích, đánh úp, đánh tập hậu. Có khu vực vừa đánh vừa lui chiến thuật, nhử địch vào sâu để tiêu diệt. Những khu vực lực lượng ít thì quân ta cố gắng cầm cự, giúp phía sau có thời gian củng cố lực lượng.

Tất cả những hoạt động này đã khiến sau 3 tuần phát động cuộc chiến tranh xâm lược với lực lượng và vũ khí áp đảo mà quân xâm lược mới tiến được vào sâu trong đất ta vài chục kilomet, trái ngược với tuyên bố huênh hoang của một số tướng lĩnh Trung Quốc là chỉ 1 tuần có thể chiếm 5 tỉnh thành của Việt Nam và đánh xuống đến Hà Nội.

Tinh thần chiến đấu không sợ hy sinh và chiến thuật hợp lý đã giúp chúng ta có thời gian xây dựng lực lượng, cơ động chủ lực từ Campuchia về và từ miền Nam ra, chuẩn bị hợp công quét sạch quân xâm lược, buộc Trung Quốc phải tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979, sau khi thiệt hại tới 62.000 quân.

Bài xã luận trên báo Nhân Dân ra ngày 5/3/1979 nêu rõ “Lời kêu gọi của Trung ương là lời hịch quyết chiến quyết thắng của Tổ quốc. Tất cả con em đất nước Việt Nam đang bước vào cuộc chiến đấu mới: Cả nước đánh giặc, toàn dân là chiến sĩ…”.

50 triệu người Việt Nam khi ấy đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến. Toàn dân tộc Việt Nam đã quyết tâm đứng lên quét sạch quân thù khỏi bờ cõi đất nước. Thời điểm tổng động viên, Hà Nội và cả nước đã sẵn sàng để bước vào một cuộc trường kỳ kháng chiến.

PV (tổng hợp)

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh