Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011- 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020), nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đổi mới mạnh mẽ hình thức quản trị nhà nước.
[links()]
Trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011- 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016- 2020), nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đổi mới mạnh mẽ hình thức quản trị nhà nước.
Ngoài ra, cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối phó tình trạng xâm nhập mặn.
Chính phủ cũng cần cân đối nguồn lực đầu tư phù hợp với tiềm năng và những thách thức ở khu vực ĐBSCL, nhất là hạ tầng cơ sở. |
* Phải đổi mới mạnh mẽ hình thức quản trị
Có thể nói, trong 5 năm qua, kết quả điều hành kinh tế nước ta đạt khá toàn diện. Dù kinh tế thế giới bất thường, tăng trưởng có chậm lại nhưng Chính phủ điều hành và duy trì được mức tăng trưởng bình quân đạt 5,9%- tuy thấp hơn kế hoạch nhưng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, theo nhận định, khó khăn nhất của nhiệm kỳ vừa qua là mức tăng trưởng GDP bình quân đạt thấp, dẫn đến GDP bình quân đầu người chỉ đạt 2.109 USD. Với thu nhập như thế cộng với chỉ số tiêu dùng nội địa chiếm trên 72% thì nguồn lực còn lại để tiết kiệm nội địa, nguồn lực đầu tư để tích lũy rất hạn chế.
Tới đây, nền kinh tế dù có phục hồi nhưng chưa vững chắc, kết hợp với việc mở cửa rộng rãi, cộng với tự do hóa đầu tư, tự do hóa thương mại dẫn đến nhiều ngành nghề có lợi thế phát triển nhưng cũng sẽ có những ngành nghề có sức cạnh tranh yếu sẽ đổ vỡ.
Cả nước có gần 800.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ với thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp sẽ chịu nhiều sức ép. Nếu đổ vỡ, sẽ tác động mạnh mẽ đến ổn định của kinh tế vĩ mô, đến cân đối ngân sách nhà nước, đến lạm phát và cả sự ổn định của xã hội. Đây là vấn đề cần đặt ra khi việc hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu.
Nhiều đại biểu đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, cần có giải pháp để phát huy lợi thế, giữ lại được những cốt lõi của nền kinh tế thì mới duy trì được sự ổn định và phát triển.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ (đơn vị tỉnh Lai Châu), để tồn tại được trong sức ép cạnh tranh, phải đổi mới mạnh mẽ quản trị của nhà nước, thay đổi từ phương thức, quan điểm, chủ trương. Thay vì Nhà nước đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế, thì bây giờ nên trở thành Nhà nước kiến tạo và trở thành ”bà đỡ” đối với sự phát triển.
Có nghĩa là Nhà nước tạo lập khuôn khổ, duy trì trật tự pháp lý cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển. Và Nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực, các thành phần kinh tế không đầu tư như hạ tầng vốn lớn, chu chuyển chậm, hiệu quả thấp hoặc đầu tư vào lĩnh vực độc quyền đương nhiên như đường sắt, đường dây tải điện...
Theo đó, đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đề nghị cần thay đổi phương thức đầu tư. Trước đây, Nhà nước đầu tư thành lập một pháp nhân, một tập đoàn, tổng công ty kéo theo bộ máy, cơ chế quản lý kém linh hoạt.
Còn bây giờ, chúng ta có thị trường chứng khoán rồi, Nhà nước nên đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán đối với lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên. Nhà nước có thể quốc hữu hóa, mua lại các cổ phần để ”bơm” vốn vào đầu tư.
Khi phát triển có hiệu quả, đủ trình độ nhất định thì Nhà nước thoái vốn, không làm thay đổi quy mô vốn của doanh nghiệp đó, không làm mất ổn định đối với sản xuất kinh doanh và vẫn đảm bảo được nguồn vốn nhà nước.
Và bằng chế độ tham cử như vậy, Nhà nước có thể tái cơ cấu mạnh hơn đối với nền kinh tế. Ngoài ra, một vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp là phải nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, phải áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của doanh nghiệp đó.
Điều đặt ra là Nhà nước phải làm gì, có chính sách gì, doanh nghiệp phải làm gì, môi trường như thế nào. Giải quyết tốt những trường hợp đó thì kinh tế vĩ mô mới ổn định và phát triển tốt.
* Cần giải pháp đối phó xâm nhập mặn trong năm 2016
Mức độ và diễn biến xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp gây lo lắng và bức xúc trong nhân dân cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Vùng ĐBSCL chiếm 30% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước, đóng góp 53% sản lượng lúa, trong đó 90% lúa xuất khẩu.
Theo đánh giá, tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất lúa và liên quan đến việc cung cấp nước sạch cho người dân cũng như cung cấp nước cho sản xuất của vùng.
Nhiều đại biểu mong muốn Chính phủ có tác động mạnh mẽ hơn và rất cụ thể. Ngoài biện pháp ngăn ngừa cần có biện pháp thích nghi khi mà diễn biến xâm nhập mặn đang diễn ra, để người dân yên tâm trong sản xuất và đời sống.
Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp- vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. |
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đề nghị, để đối phó xâm nhập mặn thì Quốc hội phải có đầu tư rất tích cực, quyết liệt trong năm 2016 để chăm lo cho người dân vượt qua khó khăn.
Về lâu dài, cần phải có kịch bản điều hành tổng thể lưu vực sông Mê Kông, trong đó phải phối hợp với thượng nguồn, đặc biệt là các nước như Campuchia, Lào, Trung Quốc trong điều tiết nước.
Ngoài ra, kịch bản liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu cần phải tổ chức thực hiện có lộ trình cụ thể. Song song đó, Nhà nước phải đầu tư cho khoa học công nghệ để khai thác cũng như ứng dụng những thành tựu để có những mô hình mới, cây trồng vật nuôi mới nhằm ứng phó kịp thời diễn biến mặn trước mắt cũng như lâu dài để giúp người dân thích nghi với vùng đó.
Chính phủ cũng cần cân đối nguồn lực đầu tư với tiềm năng và những thách thức ở khu vực ĐBSCL nhất là hạ tầng cơ sở, nguồn lực để phát triển và sớm thành lập ban quản lý lưu vực sông Mê Kông để có cách phối hợp đồng bộ, có hiệu quả trong điều tiết nước nhằm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt một cách bền vững.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) cho rằng: Vấn đề xâm nhập mặn là hiện tượng chúng ta có dự báo trước và nó nằm trong kịch bản chống biến đổi khí hậu của Chính phủ. Tuy vậy, giải pháp để đối phó chưa đạt hiệu quả cao.
Theo tôi biết, Chính phủ cũng dự kiến phân bổ 32.000 tỷ đồng để đối phó với tình trạng này. Tuy nhiên, việc đó cần có một khoảng thời gian dài mới làm được.
Trước mắt, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT phải định hướng cho nông dân giải pháp thích ứng, phải trồng loại cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với những vùng bị nhiễm mặn. Song song, phải có tập trung đầu tư các cống, đập vừa ngăn mặn cũng như trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt người dân.
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin