Việc đề cử người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp phải đúng quy trình

05:02, 25/02/2016

Hiện nay, MTTQ các cấp đã hoàn tất việc hiệp thương lần thứ nhất và đã thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. 

Hiện nay, MTTQ các cấp đã hoàn tất việc hiệp thương lần thứ nhất và đã thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

* Đến nay, UBMTTQ các cấp đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Xin ông cho biết kết quả hiệp thương cụ thể như thế nào?

- Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và số lượng người của các cơ quan tổ chức được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV của tỉnh. Cụ thể, số ĐBQH được bầu là 6 người, trong đó đại biểu Trung ương giới thiệu 2 người, đại biểu công tác và cư trú tại tỉnh 4 người. Theo cơ cấu định hướng là 3 đại biểu gồm 1 là lãnh đạo chủ chốt, 1 đại biểu chuyên trách, 1 đại biểu Hội Liên hiệp phụ nữ; theo cơ cấu hướng dẫn là 1 đại biểu.

Dự kiến số lượng ứng cử viên (ƯCV) ĐBQH khóa XIV là 13 người (trong đó ƯCV Trung ương 2 người). Ngoài 3 ƯCV định hướng như trên, 8 ƯCV còn lại theo cơ cấu hướng dẫn gồm 1 ƯCV khoa học công nghệ (giám đốc); 2 ƯCV giáo dục (1 ngoài Đảng, trẻ; 1 giám đốc); 1 ƯCV văn hóa nghệ thuật; 2 ƯCV y tế (dân tộc); 1 ƯCV ngành lao động- thương binh xã hội (nữ); 1 ƯCV Tỉnh Đoàn (nữ, trẻ). Về cơ cấu kết hợp, trong 11 ƯCV tại tỉnh theo cơ cấu sẽ kết hợp một số thành phần khác gồm: 2 ƯCV dân tộc, 4 ƯCV nữ, 1 ƯCV ngoài Đảng và 1 ƯCV dưới 40 tuổi.

Đối với bầu cử HĐND tỉnh, theo quy định số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu trong nhiệm kỳ 2016- 2021 là 50 đại biểu. Tại hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất, số lượng người được giới thiệu ứng cử là 100. Trong đó, nữ 37 người (37%), dân tộc 3 (3%), ngoài Đảng 12 (12%), dưới 35 tuổi 19 (19%), tôn giáo 6 (6%), tái cử 16 (16%). Cụ thể, khối Đảng 9 ƯCV; MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội (8); khối cơ quan nhà nước cấp tỉnh (23); khối nội chính (4); khối tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp (11); khối tổ chức kinh tế (3); các tôn giáo (6); khối các đơn vị sự nghiệp (4); khối huyện- thị- thành phố (32).

* Ông đánh giá thế nào về cơ cấu, thành phần ứng cử ĐBQH khóa XIV cũng như đại biểu HĐND các cấp được thống nhất thông qua tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất?

- Tính đến nay, từ tỉnh đến huyện, xã đều tổ chức hiệp thương lần thứ nhất. Kết quả tổ chức thực hiện việc hiệp thương đúng quy định pháp luật, thời gian cũng như quy trình và đạt yêu cầu đề ra. Về cơ cấu số dư có nơi gấp 2 lần, địa phương thấp nhất cũng 1,7 lần và đảm bảo cho lần hiệp thương lần 2, lần 3.

* Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XIV nhiệm kỳ 2016- 2021, nhiều ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị cần tăng thêm số lượng ƯCV là nữ, dân tộc, tôn giáo, người ngoài Đảng,… Theo quan điểm của ông thì như thế nào?

- Qua hiệp thương lần thứ nhất, MTTQ các cấp đều thống nhất cao với cơ cấu của Thường trực HĐND đã trình. Đối với các ƯCV dân tộc, ngoài Đảng, tôn giáo… thì Trung ương đã có quy định và qua hiệp thương cả 3 cấp đều quan tâm đến đối tượng này và qua báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã đều đạt yêu cầu đề ra.

* Vậy, đối với trường hợp tự ứng cử thì phải thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn 3 lần hiệp thương, trường hợp nếu có người tự ứng cử thì vẫn được quyền ứng cử theo quy định của luật nếu thấy đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Theo đó, nếu là đảng viên thì thực hiện theo quy định của luật và quy định của Đảng. Nếu là người ngoài Đảng thì thực hiện theo quy định của luật. Các trường hợp tự ứng cử phải hoàn tất hồ sơ gửi về MTTQ các cấp để tiến hành hiệp thương theo quy định.

* Hiện nay MTTQ các cấp đang tiến hành các bước để tiến hành hiệp thương lần thứ 2, ông có lưu ý gì đối với cơ cấu, thành phần và số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp?

- Hướng tới, MTTQ sẽ báo cáo cho Thường trực HĐND nếu có thay đổi cơ cấu, số lượng. Từ ngày 24- 27/2, MTTQ sẽ thông báo đến các cơ quan có người ra ứng cử để cơ quan, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử. Theo đó, việc giới thiệu người ra ứng cử phải đảm bảo đúng theo quy trình hướng dẫn gồm 3 bước, bước thứ nhất là họp lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị giới thiệu người ứng cử; bước thứ hai là đưa ra lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác; bước thứ ba là tiếp tục họp lãnh đạo mở rộng có công đoàn để thống nhất chọn người ra ứng cử. Sau 3 bước này, cơ quan, đơn vị có người ra ứng cử báo kết quả kèm theo hồ sơ, biên bản gửi về MTTQ để chuẩn bị cho lần hiệp thương lần thứ 2.

Trong giai đoạn này, cần phải chú ý là các cơ quan, đơn vị có người ra ứng cử phải thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn cụ thể theo Nghị quyết 1134 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội- Chính phủ- UBMTTQ Việt Nam.

* Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

THANH TÂM (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh