Tưởng nhớ 3 vị thầy thuốc nổi tiếng của Việt Nam

04:02, 27/02/2016

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Trần Duy Hưng, giáo sư Tôn Thất Tùng là những vị thầy thuốc đã đóng góp những công lao to lớn của mình cho nền y học đất nước.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Trần Duy Hưng, giáo sư Tôn Thất Tùng là những vị thầy thuốc đã đóng góp những công lao to lớn của mình cho nền y học đất nước.

 

Ngày 27/2/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành y tế với những lời dạy quý báu. Và ngày này được xem là ngày tôn vinh các Y, Bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế. Sau đây là một số ngôi sao sáng trong bầu trời Y học Việt Nam.

 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Một người hiền vĩ đại

 

Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh nǎm 1909 tại Phan Thiết, học Đại học Y Hà Nội từ nǎm 1928, tốt nghiệp bác sĩ ở Paris nǎm 1934. Ông được cử làm trợ lý tại trường Đại học Y Khoa Paris, chuyên ngành lao và các bệnh phổi, đồng thời là trợ lý ở bệnh viện Laennec trong 2 năm.

Cuối năm 1936, ông trở về nước và tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn từ thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936 - 1939), vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1945 và trở thành thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền tháng 8/1945.

Ngày 27/8/1945, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủy viên ủy ban Nhân dân Nam Bộ, rồi lần lượt Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, Trưởng phái đoàn chính phủ tại Nam Bộ (1948-1950), Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Trưởng ban Y tế của Đảng, Thứ trưởng Y tế (1954 - 1958), từ 1958 là Bộ trưởng Y tế. Ông hy sinh trên chiến trường Miền Nam ngày 7/11/1968.

Không kể đến những bài nghiên cứu đǎng trong các tạp chí chuyên môn nước ngoài từ những nǎm 1937-1938, chỉ tính trong vòng 10 nǎm từ 1957 khi ông làm Viện trưởng Viện Chống Lao, ông đã công bố hơn 60 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đǎng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước hoặc được trình bày tại các hội nghị quốc tế.

Nhiều công trình đã được đánh giá cao, được trao đổi rộng rãi và giới thiệu lại trên các tạp chí khoa học nước ngoài như: Phòng lao cho người đã có dị ứng bằng BCG chết; Giá trị các môi trường VCL1 và VCL2 trong nuôi cấy vi trùng lao; Điều trị bệnh nhân lao ngoài bệnh viện, vaccin BCG chết trong công tác chống lao trẻ em ở Việt Nam; Bệnh nhiễm trùng do Mycobacteria ở Việt Nam; Nghiên cứu về tình hình sơ nhiễm ở trẻ em do trực trùng không điển hình; Vấn đề phục hồi chức nǎng phổi trong việc điều trị lao phổi mạn tính,…

 

Ông được trao tặng Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành y tế - Nǎm 1958, tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất. Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1997 vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học.

 

Giáo sư Tôn Thất Tùng - Người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam

 

Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 – 1982), quê ở Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Tôn Thất Tùng không theo nghiệp học làm quan mà quyết định ra Hà Nội học ở trường Bưởi.

Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược và là người duy nhất được nhận vào làm việc tại khoa ngoại của trường Y-Dược, tức là bệnh viện Việt - Đức hiện nay.

Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ ở Hà Nội. Cùng với anh em Việt Minh, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã tham gia cướp chính quyền của Pháp ở Hà Nội. Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được vinh dự giao trách nhiệm chữa bệnh cho Bác Hồ ở Bắc Bộ phủ.

Cùng thời gian đó, Tôn Thất Tùng đã viết cuốn sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu về giun với vấn đề "Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật". Đây là cuốn sách khoa học được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - cuốn sách thuộc ngành Y học. 

 

Từ sau ngày hòa bình lập lại, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện hữu nghị Việt - Đức, chủ nhiệm bộ môn Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Ông vinh dự và xứng đáng là một trong 12 người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng huy chương nhà phẫu thuật xuất sắc thế giới.

Ông còn để lại 123 công trình khoa học có giá trị. Một số danh hiệu và giải thưởng mà ông đã đạt được: Anh hùng Lao động(1962); Viện sĩ viện Hàn lâm Y học Liên Xô; Hội viên Hội quốc gia những nhà phẫu thuật Cộng hòa Dân chủ Đức; Thành viên Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris; Hội viên Hội Những nhà phẫu thuật Lyon (Pháp); Thành viên Hội Quốc gia Những nhà phẫu thuật Algeri; Huy chương phẫu thuật quốc tế Lannelongue (1977); Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).

Từ năm 2000, Nhà nước Việt Nam đặt ra một giải thưởng về Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng. 

 

Bác sĩ Trần Duy Hưng – Người thầy thuốc đức độ

 

Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 tại xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Ông là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên và lâu nhất Hà Nội (30/8/1945 đến tháng 12/1946; 1954 đến 1977 - khi ông viết đơn xin nghỉ), Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 30 tuổi, ông đã trở thành bác sĩ rồi cùng em gái mở một bệnh viện tư tại phố Bông Nhuộm để chữa bệnh cứu người. Nổi tiếng về chuyên môn nhưng điều ông được đồng nghiệp và người dân Hà Nội thời đó yêu quý nhiều hơn bởi tấm lòng đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang và cứu giúp dân nghèo.

Tại cơ sở chữa bệnh của mình, bác sỹ Trần Duy Hưng đã cứu giúp và chở che những cán bộ Việt Minh giữa vòng vây bố ráp của kẻ thù.

Lòng yêu nước của vị bác sĩ danh tiếng đó ngày càng sâu sắc rồi biến thành hành động khi ông tự nguyện làm cơ sở bí mật của Đảng trong những ngày trước Cách mạng tháng Tám.

Sau Lễ quốc khánh 2/9/1945, Bác Hồ đã tìm đến tư gia của bác sỹ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng thành phố Hà Nội khi ông mới 33 tuổi.

Nguồn: http://vtc.vn/tuong-nho-3-vi-thay-thuoc-noi-tieng-cua-viet-nam.321.596718.htm

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh