Tạo diện mạo mới cho đô thị

05:02, 17/02/2016

Trong năm 2016, theo Sở Xây dựng, sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch. Trọng tâm là sẽ hỗ trợ thị trấn Vũng Liêm và thị trấn Trà Ôn hoàn thành các tiêu chí tiến lên đô thị loại IV. Đồng thời, "tạo diện mạo mới cho các đô thị" là hướng đi để phát triển đô thị bền vững.

Trong năm 2016, theo Sở Xây dựng, sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch. Trọng tâm là sẽ hỗ trợ thị trấn Vũng Liêm và thị trấn Trà Ôn hoàn thành các tiêu chí tiến lên đô thị loại IV. Đồng thời, “tạo diện mạo mới cho các đô thị” là hướng đi để phát triển đô thị bền vững.

TP Vĩnh Long về đêm rực rỡ với hệ thống đèn led trang trí.
TP Vĩnh Long về đêm rực rỡ với hệ thống đèn led trang trí.

Đô thị khang trang

Ông Hồ Công Nguyên- Phó Chủ tịch UBND Vũng Liêm cho hay, những năm qua hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đã từng bước nâng cấp. Huyện đã đầu tư xây dựng chợ, phố chợ Vũng Liêm, giúp dân có nơi mua bán ổn định. Bên cạnh, đến nay thị trấn Vũng Liêm cũng hoàn thành hạ tầng cụm- tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2. “Huyện đã tập trung đầu tư, nâng cấp, láng nhựa nhiều tuyến đường nội ô theo quy hoạch. Nhờ hệ thống đường sá, hạ tầng đầu tư đồng bộ nên bộ mặt đô thị đã thay đổi theo hướng hiện đại rất rõ.”- ông Hồ Công Nguyên nói.

Trong khi đó, TX Bình Minh mà trung tâm là chợ Cái Vồn thời điểm năm 1975, trong ký ức nhiều người “chưa tới 4 con đường, đi chưa mỏi chân đã giáp chợ rồi!”

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, theo ông Nguyễn Thành Phương- Phó Phòng Quản lý đô thị TX Bình Minh thì: “Cơ sở hạ tầng đô thị, cảnh quan môi trường và kiến trúc đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”.

Thị trấn Cái Vồn cùng với các thị tứ, cụm dân cư vệ tinh xung quanh đã tạo nên đô thị Bình Minh phát triển, năng động về mọi mặt, xứng đáng được đầu tư xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội thứ hai của tỉnh Vĩnh Long.

Nhiều công trình, đường sá nội ô TP Vĩnh Long được nâng cấp, mở rộng.
Nhiều công trình, đường sá nội ô TP Vĩnh Long được nâng cấp, mở rộng.

TP Vĩnh Long những năm gần đây cũng có bước chuyển mình trong đầu tư, chỉnh trang, xây dựng thành phố sáng- xanh- sạch- đẹp và đã thực hiện đạt trên 65% tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Dạo vòng 4 xã vùng ven, hiện nhiều tuyến đường giao thông được thông suốt.

Nội ô thành phố, nhiều công trình được đầu tư xây mới như: đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4), đoạn đường Võ Văn Kiệt, cầu Vồng, bờ kè Phường 5, tuyến kè Cổ Chiên từ cầu Cái Cá (Phường 2) đến chân cầu Mỹ Thuận cũng đang trong giai đoạn hoàn thành. Cùng với đó, hệ thống đèn chiếu sáng cũng từng bước được phủ kín các tuyến đường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, thương mại- dịch vụ.

Các cụm dân cư vượt lũ ở Phường 8, Phường 9, xã Trường An và Tân Hội đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết chỗ ở cho trên 2.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu có nhà ở ổn định.

Lo ngại thiếu vốn

Theo Sở Xây dựng, Vĩnh Long hiện có 8 đô thị, gồm 1 đô thị loại III (TP Vĩnh Long), 1 đô thị loại IV (TX Bình Minh) và 6 đô thị loại V. Hiện nay 8 đơn vị hành chính của tỉnh đã có quy hoạch chung được phê duyệt. Cũng theo Sở Xây dựng, hiện các địa phương đang tập trung hoàn thành việc lập, trình phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thị trấn Tân Quới (Bình Tân) đạt 100%, thị trấn Long Hồ đạt 100% để làm cơ sở cấp phép xây dựng mới hoặc chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan đô thị.

TP Vĩnh Long bên dòng sông Tiền thơ mộng.
TP Vĩnh Long bên dòng sông Tiền thơ mộng.

Sở Xây dựng đang yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai công tác lập đề án đánh giá, phân loại đô thị và nâng cấp đô thị. Đến nay có 3 địa phương lập đề án nâng cấp lên đô thị loại IV gồm: đô thị Cái Ngang (Tam Bình), đô thị Hựu Thành (Trà Ôn) và đô thị Phú Quới (Long Hồ).

Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong phát triển đô thị hiện nay là do thiếu vốn dẫn tới việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một vài địa phương còn chậm.

Ông Hồ Công Nguyên cho biết, dù được đầu tư thời gian qua nhưng tốc độ phát triển đô thị của địa phương còn chậm. Cụ thể, một số tuyến đường theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng, Nhà máy nước thị trấn Vũng Liêm hiện công suất chỉ 1.400 m3/ngày đêm nên cần đầu tư nâng cấp; tỷ lệ nước sinh hoạt được xử lý chỉ đạt hơn 17% (tiêu chuẩn đô thị loại IV là 35% trở lên)…

Liên quan đến việc phát triển nhà ở, ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ tỏ ra lo lắng tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Phú. “Qua thống kê, khu vực này hiện còn khoảng 600 phòng trọ tự phát, điều kiện sinh hoạt, đời sống gặp rất nhiều khó khăn”- ông cho biết thêm.

Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Long cho rằng, các địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đô thị, nhất là quy hoạch chi tiết, để làm cơ sở lập kế hoạch đầu tư và quản lý thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch và kế hoạch. Riêng TP Vĩnh Long, ông cho biết, trước mắt sẽ đẩy nhanh việc lập chương trình phát triển đô thị loại II, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050.

Bên cạnh, kêu gọi đầu tư phát triển đô thị theo hình thức xã hội hóa; có chính sách ưu đãi về thuế trong sử dụng đất để các nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, khu dịch vụ- thương mại- du lịch- văn hóa, mà trọng tâm sẽ xây dựng đô thị theo hướng “sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn và thân thiện”.

Giai đoạn 2010- 2015, TP Vĩnh Long đã thu hút đầu tư gần 6.200 tỷ đồng xây dựng 202 công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và 38 công trình cơ sở vật chất phục vụ phát triển văn hóa- xã hội. Hiện, 94% hộ dân có nhà ở kiên cố, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 76% diện tích nhà ở, diện tích bình quân sử dụng nhà ở gần 15 m2/người.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh