Qua cổng chào, vào nông thôn mới

02:02, 08/02/2016

Cổng chào văn hóa nông thôn mới mang nhiều ý nghĩa và có tác động tích cực trong việc khơi dậy lòng tự hào quê hương, dân tộc. Đây còn là sự ghi nhận giá trị nhân văn, bản sắc, hồn quê đang được tôn tạo giữ gìn.

Cổng chào văn hóa nông thôn mới mang nhiều ý nghĩa và có tác động tích cực trong việc khơi dậy lòng tự hào quê hương, dân tộc. Đây còn là sự ghi nhận giá trị nhân văn, bản sắc, hồn quê đang được tôn tạo giữ gìn.

 Từ cổng chào văn hóa

Theo nhiều bậc cao niên, khái niệm “cổng làng xưa” ở Vĩnh Long hầu như không có. Nếu có chăng là các cổng đình, cổng rào khuôn viên của những dòng tộc giàu có ở nông thôn, nhưng cũng rất ít.

Mãi đến 1990- 2000, từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, chính quyền và nhân dân tại một số ấp, xã vinh dự được công nhận danh hiệu văn hóa mới cùng nhau xây dựng cổng chào văn hóa. Việc làm này nhằm tạo thêm nét mới mẻ, sự ghi nhận công lao qua quá trình nỗ lực xây dựng quê hương của nhân dân địa phương.

Hựu Thành là một trong những xã tổ chức xây dựng cổng chào văn hóa khá sớm và tương đối quy mô ở cửa ngõ vào xã trên 2 tuyến đường tỉnh gần nơi tiếp giáp với xã Thới Hòa và xã Hiếu Nghĩa (Vũng Liêm).

Ông Huỳnh Thanh Tiến- Chủ tịch UBND xã Hựu Thành cho biết: “Bằng tiền thưởng đạt giải nhất phong trào thi đua toàn huyện năm 2007 của Đảng bộ và nhân dân trong xã, qua xin ý kiến của lãnh đạo huyện và được sự đồng thuận của nhân dân địa phương, xã đã cho xây cổng chào nhằm tạo vẻ mỹ quan cho bộ mặt Hựu Thành trên chặng đường chinh phục nông thôn đổi mới”.

Đến cổng chào văn hóa nông thôn mới

Tam Bình là một trong những huyện quan tâm nhiều đến xây dựng cổng chào văn hóa từ các xóm, ấp, xã đến huyện. Kế đến là Mang Thít, nhất là khi phong trào xây dựng xã nông thôn mới phát triển mạnh, thì việc xây dựng “bộ mặt mới” thể hiện bằng các cổng chào được chú trọng.

Thấy cổng chào văn hóa nông thôn mới, người ở xa khi đến sẽ biết đã đến địa phương nào, phát triển đổi mới ra sao. Người dân tại địa phương cũng thêm tự hào với những thành quả mà mình đã phấn đấu và càng có trách nhiệm hơn để ra sức phát triển kinh tế- xã hội, vun bồi quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ông Nguyễn Thái Anh- Chủ tịch UBND xã Long Mỹ (Mang Thít) tự hào nói: “Sau khi được công nhận xã nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ tiếp tục thực hiện nâng chất các tiêu chí. Đồng thời, đồng tình trích một phần tiền thưởng xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên để xây dựng cổng chào vào xã. Đây là điểm nhấn nhằm tạo ấn tượng đẹp cho mọi người khi đến với xã Long Mỹ hôm nay”.

Bắt đầu từ đây, các xã nông thôn mới tiếp theo cũng kịp thời dựng lên cổng chào, trang trí đẹp mắt phục vụ ngay trong ngày tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới như Mỹ Lộc, Song Phú (Tam Bình); Đông Thạnh (TX Bình Minh); Thành Đông (Bình Tân); Tân Long (Mang Thít);… và nhiều xã chuẩn bị được công nhận xã nông thôn mới cũng tích cực xây dựng cổng chào văn hóa nông thôn mới cho địa phương.

Ông Lê Tiến Dũng- Bí thư Huyện ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng nông thôn mới huyện Tam Bình chia sẻ: “Cổng chào văn hóa nói chung và cổng chào của xã đạt chuẩn nông thôn mới nói riêng, đang rất có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của nhân dân. Cổng chào văn hóa nông thôn mới là một hình thức thiết chế văn hóa, làm trang trọng thêm bộ mặt văn hóa địa phương.

Qua đó, người dân ý thức được trách nhiệm của mình, ra sức góp công xây dựng xã nông thôn mới. Khi qua lại, người dân còn xem đó là biểu tượng trực quan, biết và hiểu được xã mình, quê hương mình có sự đổi mới để phát huy, tự hào. Các xã điểm nông thôn mới cũng như các xã văn hóa đã và đang chú trọng việc xây dựng cổng chào”.

Thực tế, không ít người cho rằng chi hàng trăm triệu đồng để xây cổng chào là lãng phí; nhưng nhiều người lại cho rằng xã nông thôn mới phải có cổng chào văn hóa nông thôn mới trang trọng, nhằm tạo hình ảnh trực quan, góp phần tác động đến ý thức người dân cùng chung tay xây dựng quê hương.

Mở đường nông thôn mới. Ảnh: Bá Lâm
Mở đường nông thôn mới. Ảnh: Bá Lâm

Dân ta vốn coi “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, cho nên đường vào một xã, một thị trấn,… cổng chào được xem như “thay lời muốn nói” để chào đón khách đến với địa phương. Một cổng chào mang vẻ dân tộc và trang trọng để rồi mỗi người cùng cộng đồng trách nhiệm tôn tạo giữ gìn là việc nên làm, là nét đẹp của làng quê đổi mới. 

Mỗi công trình cổng chào văn hóa nông thôn mới, đầu tư nhiều tiền hay ít tiền, có ý nghĩa hay lãng phí, đều phụ thuộc rất nhiều vào quá trình khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả. Nhiều người dân nông thôn hy vọng một mùa xuân mới và cả năm tới nữa các cổng chào văn hóa trên khắp mọi nẻo đường quê sẽ tạo thêm sức sống tiếp tục mới.

BÀI, ẢNH: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh