"Hồi nào giờ đâu có nước mặn thế này"là nhận xét của nhiều người trước tình trạng xâm nhập mặn bất thường trong dịp tết vừa qua. Nhiều người cho biết, năm nay, nước mặn xâm nhập nhanh hơn, biên độ mặn hơn và đột ngột khiến trở tay không kịp, đành "chịu trận".
“Hồi nào giờ đâu có nước mặn thế này”là nhận xét của nhiều người trước tình trạng xâm nhập mặn bất thường trong dịp tết vừa qua. Nhiều người cho biết, năm nay, nước mặn xâm nhập nhanh hơn, biên độ mặn hơn và đột ngột khiến trở tay không kịp, đành “chịu trận”.
Nước mặn tác động đến sự sinh trưởng và năng suất cây trồng. Ảnh minh họa: LÊ HIẾU (TP Vĩnh Long) |
Nước mặn vào tới… bàn ăn
Là một tỉnh không giáp biển, trước nay Vĩnh Long ít chịu ảnh hưởng của nước mặn và ít bị tác động của lũ thì những năm gần đây lại có nhiều cơn bão lớn đi qua, ngập lũ (mùa mưa), khô hạn, xâm nhập mặn nhiều hơn, sâu hơn, độ mặn tăng cao hơn. Đặc biệt là ngay từ đầu năm nay, nước mặn đã vào đúng dịp tết.
Theo Sở Tài nguyên- Môi trường, Vĩnh Long có 2 huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhiều là Vũng Liêm và Trà Ôn với diện tích tự nhiên rộng hơn 50.000ha. Địa bàn chịu ảnh hưởng biên mặn từ 2- 5‰ rộng gần 22.000- 23.600ha. Các khu vực xã Tích Thiện, Hựu Thành (Trà Ôn) mặn đã xuất hiện với xu hướng tăng dần.
Vài năm trở lại đây, tình trạng xâm nhập mặn tại Vũng Liêm xảy ra sớm hơn và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Độ mặn lên cao, nhiều xã ở Vũng Liêm nằm ven sông Cổ Chiên phải đóng cống ngăn mặn, nhiều diện tích lúa xuống giống bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới và nước mặn. Các nhà máy nước ở Thanh Bình, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Tây lấy nước cấp sinh hoạt cho người dân rất khó khăn do nguồn nước bị nhiễm mặn.
“Nước nghe vị mẳn mẳn” là ý kiến của nhiều người dân tại Chánh An (Mang Thít) từ ngày 8/2/2016. Nhiều người cho biết, đây là lần đầu tiên sử dụng nước có vị này. Tình trạng này còn xảy ra ở một số xã như Chánh Hội, Tân An Hội, Tân Long Hội, An Phước, Nhơn Phú,...
Đời sống sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng khi nước bị xâm nhập mặn. Ảnh: THẢO LY |
Anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Chánh An) bày tỏ: “Khu vực này vốn là vùng nước ngọt nên tôi chưa từng nghĩ tới chuyện bị nước mặn xâm nhập. Nghe nhiều về tình trạng nước nhiễm mặn nhưng hôm nay tui dùng nước máy nấu nước uống mới thấy vị mặn mặn. Nước máy, nước sông gì cũng vậy. Lúa mới xuống giống không lâu, tui rất lo bị ảnh hưởng, nhưng cũng không biết làm sao, vì bất ngờ quá, trở tay không kịp”.
Tương tự, chị Trịnh Thị Lam (xã Chánh Hội- Mang Thít) nói: “Nhà tui xài nước máy, mấy ngày nay “nếm” nước nghe vị mặn nhẹ. Tui phải mua thêm bình nước tinh khiết để xài vì nhà có con nhỏ. Sống ở đây gần 20 năm rồi, đây là lần đầu tiên tui chứng kiến cảnh nước mặn tấn công”.
Tương tự, tại một số xã thuộc huyện Trà Ôn, xâm nhập mặn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt người dân. Nhiều người phải mua nước bình uống, sử dụng nước mưa thay cho sử dụng nước từ nước máy như trước. Cô Nguyễn Thị Lan (xã Trà Côn- Trà Ôn) cho biết: “Lúc trước, tui nấu nước máy để uống nhưng giờ phải mua nước bình sử dụng. Tôi cũng không dám tưới cây, vì sợ cây chết”.
Nước mặn “vây” ruộng đồng
Ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho biết: Đây là lần đầu tiên Mang Thít bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Tình trạng này ảnh hưởng đến 6 xã trong huyện. Trong đó, Chánh An, An Phước độ mặn đo được cao nhất, đến 6‰. Phòng đã chỉ đạo thông báo rộng rãi đến người dân để ứng phó không tưới cây và cho đóng cửa quạt.
Xâm nhập mặn khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó. |
Tuy nhiên, ở xã Chánh An có 5 công trồng sầu riêng đang cho trái nhỏ bị ảnh hưởng nước mặn nên rụng trái, một số diện tích hoa màu do tưới phải nước nhiễm mặn nên quéo đọt, lúa bị sựng. Theo dự đoán, trong con nước tới, tình trạng này sẽ còn tái diễn.
Do đó, phòng đã đề ra phương án phòng chống mặn cụ thể. Song, do không có dụng cụ đo mặn và chưa có hướng dẫn cụ thể mức độ mặn nào sử dụng được, tưới cây được... nên huyện còn gặp khó. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn ở huyện xảy ra ở mức độ nhẹ. Huyện đã kịp thời đưa ra những giải pháp khắc phục để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, trong 2 ngày 7 và 8/2/2016, độ mặn lên rất cao, ranh giới mặn 4‰ trên sông Cổ Chiên và sông Hậu đã lên đến Quới An (Vũng Liêm) và Tích Thiện (Trà Ôn). Số liệu đo được ngày 8/2 tại vàm Vũng Liêm là 9,2‰, cống Nàng Âm 8,8‰, vàm Quới An 4,2‰ và vàm Tích Thiện 4,2‰. Hiện độ mặn đã giảm, dự báo đến ngày 20/2 độ mặn cao nhất sẽ thấp hơn trước đó. Cụ thể, tại vàm Vũng Liêm từ 5- 6‰, cống Nàng Âm 5- 6‰, vàm Quới An 1- 2‰ và vàm Tích Thiện 1,5- 2,5‰. |
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, trong 3 ngày tết vừa qua, tình hình xâm nhập mặn xuất hiện với độ mặn cao nhất, gây ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt và cây trồng, đặc biệt là cây lúa và cây ăn trái.
Trong thời điểm mặn xâm nhập, cống Nàng Âm đã đóng và các cống bộng nhỏ ở các xã Trung Thành Tây, Quới An, Trung Thành Đông, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Hiệp, Trung Hiếu và thị trấn Vũng Liêm đã đóng cống không cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Đợt xâm nhập mặn trong tháng đã làm ảnh hưởng một số vùng sản xuất lúa ở các xã Trung Thành Tây, Quới An, Trung Thành Đông và thị trấn Vũng Liêm do vụ Hè Thu sớm đang giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ cần nước vào để bón phân, đóng cống nên thiếu nước ảnh hưởng phát triển cây lúa và tạo thuận lợi cho cỏ dại phát triển, dẫn đến giảm năng suất.
Theo ông Bùi Phan Trí Hải- Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, độ mặn nước biển khoảng 36- 40‰, khi nước biển dâng độ mặn này sẽ đi sâu vào đất liền vào nội đồng. Từ năm 1980 đến nay, độ mặn tại vàm Vũng Liêm (sông Cổ Chiên) có xu hướng tăng nhanh dần.
Tuy dãy số liệu không liên tục nhưng có thể nhận thấy độ mặn tại Vũng Liêm khá cao trong những năm đầu thập niên 1980, sau đó hơi giảm mạnh và tăng mạnh trong những năm gần đây. Đồng thời, sự xuất hiện đỉnh mặn trong 5 năm gần đây sớm hơn.
Cũng theo Sở Tài nguyên- Môi trường, đến năm 2020, ranh giới mặn 4‰ ảnh hưởng trực tiếp đến Trà Ôn, Vũng Liêm, ranh mặn 1‰ gây ảnh hưởng hơn 1/23 diện tích của tỉnh theo kịch bản B2.
Năm 2050, ranh mặn 1‰ gần như gây ảnh hưởng trên toàn địa bàn tỉnh và hơn phân nửa diện tích tỉnh đã phải chịu ảnh hưởng của ranh mặn 4‰. Mặn không xâm nhập vào địa bàn tỉnh từ các sông nhỏ mà chủ yếu xâm nhập từ các sông chính là sông Cổ Chiên, sông Hậu. Do đó, mối tương tác cộng dồn đã làm tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh ngày càng xấu đi.
“Cần có chiến lược dài hạn” Thạc sĩ Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: Để thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có chiến lược dài hạn, kỹ thuật thông minh, đảm bảo thủy lợi. Hàng năm, cần thực hiện nhiều công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất như nạo vét kinh rạch, xây dựng đê bao, cống ngăn mặn. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thực hiện cánh đồng lớn, từng bước đưa vào thử nghiệm một số cây trồng chịu mặn để canh tác vùng có khả năng nhiễm mặn, môi trường nước thay đổi sẽ tạo vùng nước lợ (vùng giáp nước) thì sản xuất lúa kết hợp nuôi thủy sản có điều kiện phát triển. |
THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin