Đó là nhận xét của nhiều người dân, không chỉ ở các xã nông thôn mới (NTM) mà còn ở nhiều bà con vùng nông thôn sâu hoặc ở xa về.
Đó là nhận xét của nhiều người dân, không chỉ ở các xã nông thôn mới (NTM) mà còn ở nhiều bà con vùng nông thôn sâu hoặc ở xa về.
Có được niềm vui này, một phần không nhỏ là nhờ vào sự đầu tư của Nhà nước cùng đóng góp của người dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn liên tục phát triển đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Người dân nông thôn Bình Tân đón tết. |
Tết này vui hơn
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân nông thôn năm nay rất phấn khởi đón Tết Bính Thân. Đó là nhờ những năm qua đã có sự quan tâm đầu tư phát triển vùng nông thôn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Khéo- người dân ở xã NTM Thanh Bình (Vũng Liêm)- cho biết: “Xã đã hoàn toàn đổi mới, đường liên ấp thì tráng nhựa, đường liên xóm lót đan, còn đê bao thì khép kín, chủ động được nước để làm vườn, cây ăn trái phát triển nhanh. Có nhà máy nước phục vụ nước sạch đến mọi nhà. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xây dựng khang trang,… tui và bà con hết sức phấn khởi”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương- một người dân ở đây- cũng nhận xét: “Khi xã Thanh Bình vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tui đã cải tạo 6 công đất để trồng bưởi. Nay đã có trái mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình tui khấm khá hơn”.
Cũng trong tâm thế mới, ông Trần Văn Bé Năm ở xã Hòa Bình (Trà Ôn) nói: “Bưng Sẩm của mình nay có đường nhựa; trường học, trạm y tế, rồi điện, nước đến tận nhà nông thôn như vầy là người dân chúng tôi vui mừng dữ lắm. Nhiều người biết chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, làm ăn phát triển, kinh tế nhà nào cũng khá, thành ra đón tết năm nay sung túc, vui vẻ hơn”.
Anh Huỳnh Văn Chanh, nông dân ở xã Tân Long (Mang Thít) thì chia sẻ: “Tôi tham gia cánh đồng mẫu lớn mấy năm qua, mần ăn cũng phát triển, năm nay ăn tết rất là vui vẻ, nhiều người tham gia như tôi cũng vậy”. Anh nông dân Nguyễn Hoàng Tâm, ở xã Tân Bình (Bình Tân) cho biết: “Giá bắp cải năm nay giao tại rẫy 3.000 đ/kg, năm ngoái chỉ có 2.000đ thôi. Giá hành lá cũng cao hơn năm rồi rất nhiều, giao cho lái 620- 630 ngàn một tạ (60kg- PV). Được giá, bà con trồng rẫy năm nay ai cũng mừng, tết này sung túc hơn”.
Có nước sạch ăn tết
Nhiều trạm cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng cho người dân nông thôn. |
Ở xã Tân Phú (Tam Bình), dù chưa phải là xã NTM, nhưng tết năm nay nhiều hộ dân rất phấn khởi vì đã có nước máy từ trạm cấp nước tập trung xã Tân Phú đến tận nhà. “Trước đây bà con xài nước kinh rạch không hà, bị ô nhiễm từ chăn nuôi, thuốc sâu rầy, phân bón,… nay nhờ Nhà nước xây nhà máy nước và vận động dân kéo nước sạch về đây xài nên bà con ai cũng mừng, rất phấn khởi, ăn tết vui vẻ”- anh Dương Ngọc Hoàng, người dân ở xã Tân Phú nói.
Chị Đặng Ngọc Nhàn ở gần đó cũng phấn khởi: “Lúc trước mình phải bơm nước sông lên xài vừa cực, vừa không đảm bảo vệ sinh. Mình nghĩ vùng nông thôn này biết bao giờ có nước máy xài, vậy mà bây giờ có được nước sạch, ai cũng mừng”. “Tết năm nay, chị em tui ăn tết vui vẻ lắm, muốn mần cái gì vô mở nước là có nước liền”- bà Đặng Thị Xuân chia sẻ.
Hơn 1.400 hộ dân xã Tân Phú nay đã có nước máy sử dụng. Đó là nhờ địa phương được tỉnh đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng hệ thống cấp nước tập trung. Nhưng không riêng gì xã Tân Phú, mà trong năm qua còn có thêm hàng chục ngàn hộ dân ở các xã vùng nông thôn sâu, vùng cù lao trong dịp tết này đã có nước máy sử dụng như Phú Quới (Long Hồ); Hòa Tịnh (Mang Thít); Thanh Bình (Vũng Liêm)… Nhờ vào sự quan tâm, đầu tư của tỉnh mà niềm vui đón tết của người dân nông thôn năm nay nhân lên gấp bội.
Kết thúc bài viết, xin mượn lời nhận xét của ông Trần Văn Sáu Em, người dân ở xã Long Mỹ (Mang Thít): “Qua 5 năm xây dựng NTM, không riêng gì xã Long Mỹ, mà tui thấy nông thôn tỉnh Vĩnh Long mình tết này thay đổi nhiều lắm. Ngoài cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống người dân ở nông thôn bây giờ cũng không thua gì thành thị”.
Nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư trên 77 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp, mở rộng 23 trạm cấp nước tập trung. Nhờ vậy, toàn tỉnh có thêm hơn 15.000 hộ dân ở nông thôn, trong đó có rất nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng cù lao có nước máy sinh hoạt. Nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước máy của tỉnh lên hơn 60%. Tết này, nhiều hộ dân nông thôn đón xuân thêm vui vì có nguồn nước sạch sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà bao đời nay mơ ước. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin