Tại hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn ĐBSCL tại TP Cần Thơ mới đây, những giải pháp cấp thiết ngăn mặn trước mắt và lâu dài đã được đề xuất.
Tại hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn ĐBSCL tại TP Cần Thơ mới đây, những giải pháp cấp thiết ngăn mặn trước mắt và lâu dài đã được đề xuất. Dự báo hạn, mặn sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới và những năm tiếp theo. Vì thế, ngoài các giải pháp công trình đê bao, cống đập, thì ĐBSCL vẫn cần có định hướng “sống chung hạn, mặn” như đã từng “sống chung với lũ”.
.Mặn xâm nhập khiến nhiều đốm lúa héo khô ở Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Hậu Giang). |
Ngăn mặn và trữ ngọt
Ngoài nhận định hạn mặn năm nay là đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát cũng lưu ý, “điều quan trọng hơn là từ thực tế hạn, mặn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nữa đến sản xuất và đời sống của người dân các địa phương ĐBSCL”. Vì thế, chủ động ứng phó vẫn là giải pháp được nhiều địa phương triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết đã kịp thời chỉ đạo đóng hệ thống cống ven biển Tây; đắp 82 đập ngăn mặn kinh phí gần 20 tỷ đồng, tiến hành nạo vét kinh mương. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai một lúc nhiều hạng mục công trình chống hạn mặn kết hợp với thay đổi lịch thời vụ xuống giống sao cho phù hợp và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân và ven biển, hải đảo; đồng thời cũng đã xuất ngân sách hỗ trợ người dân mua lu, bồn trữ nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn, trong ứng phó với thiên tai thì phòng là chính nên đầu tư chống hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL cần nỗ lực từ cơ sở, từ người dân. |
Kiên Giang đã chủ động kinh phí đắp 82 đập nhỏ với kinh phí gần 20 tỷ đồng, tuy nhiên nước mặn vẫn tràn vào làm chết hơn 30.000ha lúa, hiện cần nhiều vốn hơn để đắp 27 đập lớn. “Chính phủ nên có chương trình dài hơi hơn cho kế hoạch ngăn chặn xâm nhập mặn; nhanh chóng bố trí vốn cho đê biển An Biên, An Minh, một số cống khu vực Rạch Giá cũng cần được đầu tư thêm vốn để xây dựng thêm các cửa ngăn mặn vào vùng tứ giác Long Xuyên”- ông Mai Anh Nhịn kiến nghị.
Cần vốn xây dựng các công trình ngăn mặn cũng là yêu cầu cấp thiết của các tỉnh ĐBSCL. Như Hậu Giang cần vốn làm đập ngăn mặn từ phía Đông, hoàn thiện đê bảo vệ phía Tây và khoan khẩn cấp 5 giếng nữa để cấp nước cho dân. Tiền Giang có huyện cù lao Tân Phú Đông, với 3 ao nước ngọt không còn khả năng cung ứng, cần khẩn cấp đưa nước ngọt từ đất liền ra, tốn gần 100 tỷ đồng.
Bên cạnh các giải pháp phi công trình tuyên truyền, khuyến cáo người dân kịp thời, thì công trình là giải pháp “cứng” ngăn mặn hiệu quả, bởi theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh “nếu không có đê bao Hậu Giang sẽ có phân nửa diện tích lúa bị ảnh hưởng”.
Nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh đã có những biểu hiện rõ rệt. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh, tỉnh đã chỉ đạo khoan ngay 6 cây nước ngầm để cung cấp nước ngọt cho người dân huyện Long Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn và sẽ đóng giếng ngầm khi nguồn nước ngọt trên các sông trở lại. Nhưng đó là giải pháp tình thế, còn về lâu dài Long Mỹ cần có trạm cấp nước sinh hoạt khai thác nước ngầm.
Ở một góc nhìn khác, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết do nắng nóng, gió mạnh nước bốc hơi nhanh, khiến mực nước trung bình tại rừng U Minh Hạ năm nay thấp hơn đến 0,6m so với năm trước và nguy cơ cháy rừng là rất cao.
Vì thế, Cà Mau đề nghị xây hồ nước ngọt trữ nước cho rừng tràm chống xâm nhập mặn. Đồng thời, cần sớm đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân các tỉnh Nam sông Hậu với giải pháp dẫn nước ngọt từ sông Hậu về, chứ không khai thác nước ngầm vì sẽ làm lún đất, làm gia tăng tốc độ xâm nhập mặn. “Đây là việc rất cần thiết, Chính phủ phải tính nhanh và làm nhanh”- ông Hải nói.
Không xuống giống lúa Xuân Hè
ĐBSCL đã từng “sống chung với lũ” tận dụng, khai thác triệt để lợi thế mùa nước nổi phát triển kinh tế hiệu quả. Và hiện nay, trước dự báo mùa khô 2015- 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là rất nghiêm trọng và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Chính vì thế, “sống chung với hạn, mặn” đang là yêu cầu được đặt ra. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ĐBSCL là vùng nhạy cảm chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nhiều nguyên nhân khác.
Chính vì vậy, các địa phương, bộ ngành cần có biện pháp nghiên cứu thích ứng phù hợp, lâu dài. Nghiên cứu bài bản, căn cơ các công trình, phi công trình, các giải pháp chuyển nước, chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp với tình hình.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên 2.300 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho ĐBSCL phòng chống hạn, mặn. Tuy nhiên trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương “cần phải hành động ngay” là gia cố cống bộng, nạo vét kinh mương những nơi có thể làm được. Trước mắt phải đảm bảo dân có đủ nước ngọt để sống và phục vụ tưới tiêu, sản xuất. Trước mắt, Bộ Tài chính và các địa phương hỗ trợ ngay những hộ dân bị thiệt hại từ 70% trở lên, với mức theo quy định là 2.000.000 đ/ha. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp ngắn hạn, trung hạn kịp thời nhưng có lộ trình dài hạn, dài hơi, bình tỉnh xử lý các tình huống thiên tai gây ra. Sử dụng ngân sách hiệu quả kịp thời, đặc biệt huy động hệ thống chính trị vào cuộc, dân phải vào cuộc, dân phải được tuyên truyền một cách rộng rãi, cụ thể để có cách ứng phó. |
Ông Lê Hồng Việt- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho rằng: “Long Mỹ đã “sống với mặn” lâu rồi và đã quen với việc đối phó vì năm nào cũng có mặn. Với nguồn kinh phí có hạn và hệ thống kinh rạch chằng chịt khó thể ngăn mặn toàn bộ được, nên mỗi khi gần tới mặn sẽ thường xuyên đo độ mặn, để kịp thời thông báo cho người dân không lấy nước lên ruộng đồng, tưới tiêu. Theo tôi, phải dịch chuyển mùa vụ sớm hơn để né mặn, ví dụ vụ Đông Xuân cần gieo sạ trước tháng 11 để khi nước mặn tới thì lúa đã cứng hạt, ảnh hưởng ít hơn”.
Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL đã phối hợp thực nghiệm các giống lúa chịu mặn để phục vụ sản xuất cho nông dân ở các vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao, giúp nông dân từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu để giảm tính rủi ro trong sản xuất nông nghiệp đối với địa bàn tiếp giáp với biển như Sóc Trăng.
Ths. Nguyễn Thành Phước- Giám đốc Trung tâm Giống tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ở Sóc Trăng những năm gần đây, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nông dân rất rõ”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý không xuống giống lúa Xuân Hè vì lượng nước phục vụ cho sản xuất lúa khan hiếm và tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho lúa Hè Thu chính vụ. Cây lúa cần được tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ sản xuất và thời gian xuống giống của các vụ Hè Thu 2016 và mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn. Thời vụ lúa Hè Thu 2016 cần tập trung vào tháng 4 đến tháng 5. Điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa ở ĐBSCL.
Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có. Cơ cấu giống, bên cạnh ưu tiên cho sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt ở 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng, các địa phương cần chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh, phải tìm kiếm giải pháp ứng phó kịp thời hạn, mặn và tự dự báo, dự phòng tình hình đừng để mặn xâm nhập vào rồi thì xử lý không kịp. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp- PTNT và Bộ Khoa học- Công nghệ cần tập trung nghiên cứu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn mặn; tiếp tục rà soát chủ động ứng phó chuyển đổi diện tích cây trồng bị nhiễm mặn sang cây khác hoặc chăn nuôi phù hợp hơn…
Hạn mặn là một trong 19 loại thiên tai phải xử lý Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, theo Luật Phòng chống thiên tai, hạn mặn là một trong 19 loại thiên tai phải xử lý, cần phải tập trung ứng phó với thiên tai chứ không phải là ứng phó như đối với một sự kiện bình thường. Quan trọng hơn là cấp bách ứng phó trước mắt nhưng cần tính toán cho tầm nhìn trong tương lai. Có thể hôm nay chưa giải đáp hết nhưng sẽ có những nhìn nhận, thống nhất các đường hướng để đối phó với tình huống tương tự, có thể xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn. Gợi mở một số giải pháp ngắn hạn, trước mắt, Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để vận hành, điều tiết công trình nhằm ngăn mặn, trữ ngọt hiệu quả vào hệ thống. Tổ chức đầu tư, đắp các đập tạm thời vụ để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. Chuẩn bị máy bơm, vật tư xăng dầu dự phòng, sẵn sàng bơm lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kinh mương, đồng ruộng khi có điều kiện thuận lợi. |
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin