"Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe"

07:02, 27/02/2016

Từ xưa đến nay, hình ảnh vị thầy thuốc trong lòng mỗi người bao giờ cũng được kính trọng, yêu quý và tin tưởng.

Từ xưa đến nay, hình ảnh vị thầy thuốc trong lòng mỗi người bao giờ cũng được kính trọng, yêu quý và tin tưởng.

“Lương y như từ mẫu”- cái nghề được xã hội tôn vinh trao cho hai chữ “mẹ hiền”! Cũng vì vậy, đối với thầy thuốc, xã hội không chỉ trọng về tài mà còn đòi hỏi cao về đức.

Trong các bức thư gửi hội nghị cán bộ y tế vào năm 1953, và tại hội nghị y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “góp vài ý kiến”, qua đó, thể hiện một cách toàn diện hệ thống tư tưởng của Người về y đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu, câu ấy nói rất đúng”. Từ đó, ngày này đã trở thành ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam.

Đặc biệt khác với những ngành nghề khác, trong ngành y, đạo đức của người thầy thuốc luôn được coi là một phần quan trọng của y học, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động nghề, thậm chí còn quyết định sinh mạng của con người.

Ở Việt Nam, y đức mang đậm dấu ấn của đạo đức truyền thống phương Đông. Đạo đức xã hội tốt đẹp lên, thì y đức cũng từ đó mà tốt đẹp lên. Ngược lại, đạo đức xã hội đi xuống, thì không thể có được y đức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn rất nhiều về đạo đức của người cán bộ cách mạng. Và kế đó, là đạo đức ngành y.

Trong thư gửi hội nghị quân y, tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật, mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu… Khi gặp những ca anh em thương binh thiếu trấn tĩnh, người thầy thuốc nên lấy lòng nhân đạo và tình thân ái mà cảm hóa họ…”.

Chiều sâu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đậm tính nhân văn cao cả, mà còn đặt vấn đề con người vào trong sự phát triển của dân tộc, của đất nước, của sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe... Dân cường thì quốc thịnh”. 

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh