Đồng cảnh ngộ "tay lấm chân bùn", nông dân huyện Mang Thít luôn mặn ngọt sẻ chia. Những năm gần đây, tinh thần ấy, tình người ấy được những người tay lấm chân bùn này của huyện Mang Thít thể hiện rõ hơn trong việc đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống
Đồng cảnh ngộ “tay lấm chân bùn", nông dân huyện Mang Thít luôn mặn ngọt sẻ chia. Những năm gần đây, tinh thần ấy, tình người ấy được những người tay lấm chân bùn này của huyện Mang Thít thể hiện rõ hơn trong việc đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống; đặc biệt là giúp những hộ nông dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nông dân xã Long Mỹ (Mang Thít). Ảnh: H.MINH |
Để giải quyết việc làm, những năm qua hội viên Hội Nông dân Mang Thít đã đóng góp quỹ tiết kiệm được 1,922 tỷ đồng và riêng quỹ xoay vòng năm 2015 cũng được gần 600 triệu đồng. Các nguồn quỹ trên đều được sử dụng làm nguồn vốn hỗ trợ hội viên và nông dân phát triển sản xuất. Bên cạnh, Hội Nông dân Mang Thít còn cùng Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 46,6 tỷ đồng để tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông nghiệp.
Từ các nguồn vốn nêu trên, Hội Nông dân huyện này đã cho gần 4.000 lượt hội viên và nông dân vay làm vốn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao; trong số đó có 3.582 lượt hội viên và nông dân được vay từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi.
Đáng chú ý nữa là nhằm đảm bảo cho đồng vốn đầu tư đạt hiệu quả, năm 2015, Hội Nông dân Mang Thít còn phối hợp ngành chức năng mở trên 310 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và hội thảo đầu bờ về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho gần 10.000 lượt hội viên và nông dân; mở 34 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho 1.146 lao động nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân Mang Thít cũng đã cùng ngành chức năng và chính quyền địa phương đầu tư xây dựng 24 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, để từ các mô hình này giúp hội viên, nông dân được nghe tận tai, nhìn tận mắt và qua đó học hỏi cách làm ăn như mô hình: nuôi heo rừng ở Hòa Tịnh, sản xuất lúa cánh đồng mẫu lớn ở Tân Long, trồng nhãn Idor ở Chánh An, nuôi rắn mối ở Tân Long Hội, sản xuất cây giống, trồng thanh long ruột đỏ ở An Phước, trồng khoai lang tím Nhật ở Mỹ Phước, nuôi bò sinh sản, nuôi chim trĩ, ếch và làm nấm bào ngư ở xã Nhơn Phú,…
Một hình ảnh nữa mang đầy tình làng nghĩa xóm là qua vận động của Hội Nông dân, 9 hội viên có của ăn của để ở xã Tân Long đã giúp 9 hội viên và nông dân thuộc diện hộ nghèo 9 con bò giống với tổng giá trị là 135 triệu đồng. Còn ở xã Hòa Tịnh, 68 hội viên tự nguyện đóng góp được 4,2 triệu đồng giúp 5 hội viên làm vốn buôn bán nhỏ. Hay như ở An Phước, đóng góp của 1 chi hội và của 1 hội viên được 10 triệu đồng hỗ trợ 2 hộ hội viên nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập vượt khó vươn lên.
Ở 2 ấp Giòng Dài (Chánh Hội) và ấp Ba (xã Nhơn Phú), 11 hội viên khá đóng góp 10 triệu đồng và hỗ trợ 25 ngày công giúp 3 hộ hội viên, nông dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thiếu lao động phát triển kinh tế gia đình.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, Hội Nông dân Mang Thít đã có thêm hàng chục hộ hội viên và nông dân thoát nghèo bền vững trong năm qua. Trong đó, có không ít hộ còn tích lũy được vốn để mở rộng sản xuất.
Kết quả trên đây rõ ràng đã cho thấy Hội Nông dân huyện nhà đã đóng góp đáng kể vào phong trào xây dựng nông thôn mới về các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và giải quyết việc làm.
TRỌNG DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin