Trong suốt tuần qua, khi Thông tư số 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực (ngày 6/1/2016), nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng về việc trang bị bình chữa cháy trên ôtô.
Trong suốt tuần qua, khi Thông tư số 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực (ngày 6/1/2016), nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng về việc trang bị bình chữa cháy trên ôtô.
Bình chữa cháy để nơi thuận tiện trong xe, không cản trở tài xế, phù hợp thẩm mỹ. |
Trong đó các cơ quan báo chí có nhiều chiều lý giải, để rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với những người trong cuộc.
Luật số 40/2013/QH13- Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau: Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được đóng mới, hoán cải chỉ được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đã được duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chính phủ quy định loại phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, Bộ Công an ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Thông tư này hướng dẫn về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: Ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ- moóc hoặc sơ- mi rơ- moóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; nguyên tắc, kiểm định, kinh phí bảo đảm trang bị và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan.
Bình chữa cháy loại nhỏ chỉ vài chục ngàn 1 chai phù hợp với loại xe từ 4- 9 chỗ. |
Thông tư quy định rõ ôtô chở khách, phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe. Thông tư quy định rõ:
Ôtô từ 4- 9 chỗ ngồi: Bình bột chữa cháy loại dưới 4kg hoặc bình bọt chữa cháy loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg.
Ôtô từ 10 chỗ ngồi trở lên: Bình bột chữa cháy loại từ 4- 6kg hoặc bình bọt chữa cháy loại từ 5- 9 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy loại từ 5- 9 lít hoặc bình khí CO2 chữa cháy loại từ 4- 6kg. Đồng thời còn trang bị thêm dụng cụ phá dỡ chuyên dùng và đèn chuyên dụng, găng tay chữa cháy, khẩu trang lọc độc.
Anh Phương- tài xế một cơ quan nhà nước cho biết: Việc trang bị phương tiện chữa cháy đã quy định từ lâu, mỗi tài xế đều phải biết. Bộ Công an quy định rõ việc trang bị phương tiện chữa cháy cho từng loại phương tiện cũng là chuyện bình thường. Hiện xe cơ quan loại 4 chỗ trang bị bình chữa cháy loại nhỏ cỡ 500ml, tức là loại dưới 5 lít. Điều này rất hợp lý và cũng phù hợp với loại xe 4 chỗ.
Anh Khôi- chủ phương tiện cho thuê xe và xe chạy hợp đồng cho biết: “Bình chữa cháy trên xe đã có quy định từ lâu, xe không có bình chữa cháy cơ quan đăng kiểm không cấp giấy chứng nhận. Toàn bộ xe của tôi đã trang bị bình chữa cháy từ khi mua xe mới. Đa số xe của tôi là xe nhỏ nên sử dụng bình cỡ nhỏ, gọn nhẹ, giá bình chữa cháy loại này cũng chỉ vài chục ngàn đồng thôi. Cả chục ngày qua có tin mua bình chữa cháy khó, có chỗ hết hàng nâng giá... đó là tin đồn thổi.
Từ khi mua xe làm dịch vụ, tất cả những dịch vụ vận tải khách đều phải trang bị bình chữa cháy là đều bình thường, không khó khăn gì hết. Tôi đọc báo thấy mấy anh nói gì lu bu quá. Trong khi mấy ngày qua xe tôi vẫn chạy bình thường có bị phạt gì đâu, vì xe trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy theo quy định và được kiểm định đàng hoàng”.
Trung tá Huỳnh Văn Phúc- Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho biết: Thông tư 57 hướng dẫn, cụ thể hóa Luật Phòng cháy và chữa cháy. Việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy và phương tiện cứu hộ trên xe chở khách, xe chở hàng hóa độc hại có nguy cơ cháy nổ cao đã có từ lâu.
Khi xe đến đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm cũng kiểm tra kỹ phương tiện chữa cháy trên từng loại xe mới cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Mặt khác, ở các trung tâm dạy lái ôtô đều có chuyên đề hướng dẫn cách phòng cháy chữa cháy trên xe và trang bị phương tiện chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên xe, vì vậy tất cả tài xế đều đã biết.
Không có lý do gì chủ phương tiện cũng như tài xế nói là chưa biết vấn đề này. Cũng như vừa qua báo chí nói nhiều chiều gây dư luận hiểu nhầm, hiểu sai
vấn đề.
Thông tư 57/2015/TT-BCA cũng quy định: Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hoặc hướng dẫn khắc phục vi phạm quy định về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định của pháp luật. Vấn đề này cảnh sát giao thông cũng có ý kiến.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết: Việc trang bị bình chữa cháy trên xe đã được quy định từ lâu. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của cảnh sát giao thông, khi kiểm tra ATGT trên xe khách cũng có quan tâm vấn đề này.
Tuy nhiên, hầu hết xe khách đều có trang bị đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; chỉ có số ít bình để quá lâu, lực lượng kiểm soát nhắc nhở tài xế cũng như chủ phương tiện quan tâm mua bình mới hoặc sạc lại bình chữa cháy.
Thật vậy, khi đọc kỹ Thông tư số 57/2015/TT-BCA, chúng ta sẽ thấy đây là chuyện bình thường, giống như chuyện cũ nhắc lại và làm rõ thêm quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Một số người không liên quan mặc tình bình luận, trong khi các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn bình thản, vì họ đã biết, đã và đang thực hiện, đang chấp hành tốt các quy định trên.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin