Đúng như dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, ngay từ những ngày cuối năm 2015, đầu năm 2016, mặn đã xuất hiện trên sông Cổ Chiên, địa bàn huyện Vũng Liêm, đến chiều 7/1, số liệu đo mặn của Phòng Nông nghiệp- PTNT tại các điểm đo ven sông Cổ Chiên đều vượt 3‰ (phần ngàn)…
Đúng như dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, ngay từ những ngày cuối năm 2015, đầu năm 2016, mặn đã xuất hiện trên sông Cổ Chiên, địa bàn huyện Vũng Liêm, đến chiều 7/1, số liệu đo mặn của Phòng Nông nghiệp- PTNT tại các điểm đo ven sông Cổ Chiên đều vượt 3‰ (phần ngàn)…
Độ mặn đã vượt đỉnh mặn năm và qua khỏi vàm Măng Thít
Dự báo hạn mặn sẽ khiến nhiều nơi ở ĐBSCL thiếu nước sản xuất nghiêm trọng. Ảnh: TRẦN PHƯỚC |
Ngay từ trung tuần tháng 12/2015 đã có một đợt mặn lên cao, trùng với thời kỳ triều cao rằm tháng 11 âl. Độ mặn cao nhất trong đợt đó xuất hiện ngày 22/12/2015, tại cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long- Trà Vinh) đạt 6‰, tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) lên mức 3‰, xuất hiện trễ hơn mùa khô năm ngoái (năm 2014- 2015) khoảng 1 tuần, ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng thời điểm năm ngoái một ít.
Từ ngày 6/1/2016 (bắt đầu kỳ triều cao 30/11 âl), độ mặn sông Cổ Chiên lại lên rất cao. Đến chiều 7/1 (trùng với ngày 28/12 âl), độ mặn tại các điểm đo mặn của Phòng Nông nghiệp- PTNT ở ven sông Cổ Chiên (lúc thủy triều lên) đều vượt qua độ mặn cao nhất (đỉnh mặn năm) của năm ngoái và ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn một ít độ mặn cao nhất tại đây từ trước tới nay (độ mặn kỷ lục vào mùa khô năm 2012- 2013).
Cụ thể: tại cống Cái Hóp (Càng Long) đạt 7,5‰ (bằng mức kỷ lục tại đây vào năm 2013); tại cống Nàng Âm đạt 5‰ (bằng đỉnh mặn năm ngoái, còn thấp hơn độ mặn kỷ lục tại đây là 1‰); tại vàm Vũng Liêm: 4,9‰ (cao hơn đỉnh mặn năm ngoái là 0,7‰, thấp hơn độ mặn kỷ lục tại đây là 0,3‰); tại vàm Măng Thít (xã Quới An) lên mức 3,5‰ (vượt đỉnh mặn năm ngoái và độ mặn kỷ lục tại đây là 1,5‰), số liệu này chưa từng ghi nhận tại đây từ trước đến nay.
Kỳ triều cao 30/11 âl còn lên cao trong khoảng 8-10 ngày nữa, lúc này gió chướng đang hoạt động mạnh, rất có thể độ mặn trên sông Cổ Chiên sẽ tiếp tục lên nữa.
Nắm vững quy luật để tránh nước mặn...
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, nhờ thông báo từ Xí nghiệp Thủy nông huyện Càng Long (Trà Vinh), Phòng Nông nghiệp- PTNT đã nhanh chóng triển khai đo mặn trên địa bàn huyện, kịp thời đóng cống Nàng Âm từ ngày 5/1 và đã thông báo rộng rãi đến các xã bị ảnh hưởng kịp thời đóng cống các cống cấp 2, cấp 3 ở vùng gần sông Cổ Chiên khi độ mặn trên 2‰, nên khu vực sau cống Nàng Âm và sau cống Cái Hóp ngăn được nước mặn xâm nhập vào.
Tuy nhiên, nước mặn 3- 5‰ đã vào vàm Vũng Liêm, vào vàm Măng Thít khi thủy triều lên theo các kinh, rạch chi lưu của nó thâm nhập vào nội đồng, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho cây trồng, cho sinh hoạt của nhân dân ở các xã ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Vũng Liêm, huyện Mang Thít nếu chưa kịp đóng các cống trên các tuyến đê bao để ngăn mặn.
Biện pháp khả thi nhất hiện nay là tăng cường đo, theo dõi diễn biến độ mặn, loan báo rộng rãi đến tận các nơi, tận người dân biết để chủ động phòng, chống ngăn mặn xâm nhập và vận hành hợp lý các cống ngăn mặn như cách làm hiệu quả của Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm, đồng thời biết rõ quy luật diễn biến mặn xâm nhập để có thể lấy nước ngọt một cách tốt nhất, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Những nghiên cứu gần đây của các cơ quan chuyên môn cũng cho thấy, ở vùng ven biển ĐBSCL, tuy độ mặn không còn diễn biến như trước đây là cao nhất vào cuối mùa khô, thường là vào tháng 4, đôi khi đầu tháng 5 mà thường xuất hiện sớm hơn, vào tháng 1 đến tháng 3, nhưng vẫn còn theo quy luật:
Nước mặn lên rất cao ở phía sông Cổ Chiên ,Hà Thành Thặng (Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long) Ảnh: HÀ THÀNH THẶNG (TP Vĩnh Long) |
“Những ngày triều cường thì độ mặn cao hơn những ngày triều kém. Độ mặn lớn nhất vào lúc đỉnh triều cao nhất và đỉnh triều thấp nhất. Gió chướng càng hoạt động mạnh thì độ mặn càng cao và lấn sâu vào đất liền hơn…”.
Số liệu thống kê quan trắc độ mặn ở 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn của Chi cục Thủy lợi trong những năm qua cho thấy: Độ mặn trên sông Hậu, sông Cổ Chiên thường lên cao và đạt đỉnh trong các tháng đầu mùa khô (tháng 1 đến tháng 2), sau đó duy trì ở mức thấp hơn 1,5‰, các tháng cuối mùa khô (tháng 4, tháng 5) lại có vài đợt mặn lên cao trở lại.
Khi độ mặn sông Cổ Chiên, sông Hậu lên mức 5‰ thì sông, rạch ở vùng nội đồng xa 2 sông lớn này như tại xã Hựu Thành (Trà Ôn) trên kinh Trà Ngoa nhỏ hơn hoặc xấp xỉ 1‰, có thể lấy nước ở sông, rạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Dựa vào quy luật truyền mặn nêu trên, các tổ chức, cá nhân có thể ngăn, tránh từ sông lớn xâm nhập vào, đồng thời có thể khai thác nguồn nước ngọt tại chỗ.
Tuy nhiên, tốt nhất là hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nên tự trang bị máy đo mặn để đo mặn trước khi sử dụng nguồn nước theo tiêu chuẩn cấp nước được khuyến cáo áp dụng cho cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt như: nước sông, rạch cấp cho người, gia súc có độ mặn không lớn hơn 0,4‰, tưới cho lúa ở giai đoạn mạ không quá 1‰, không quá 4‰ cho lúa ở giai đoạn sinh trưởng. Tiêu chuẩn này đối với rau màu càng thấp hơn.
Thủy sản nước ngọt có thể chịu độ mặn cao hơn 4‰. Lưu ý, đối với lúa, vào những ngày mặn lên cao (nhưng dưới 4‰) nếu cần lấy nước tưới thì lấy nước vào ruộng và xả nước ra liên tục nhưng không được giữ nước trong ruộng quá lâu vì sẽ làm tăng độ mặn cho đất.
Đối với rau màu, cây ăn trái, đặc biệt là cây ăn trái mới ra hoa và ra đọt non, cách tốt nhất là lấy nước ngọt trữ trong ao hồ mương vũng để tưới, tạm thời tưới cho cây trồng trong những ngày độ mặn xấp xỉ 2‰. Đối với cấp nước cho người và gia súc, cách tốt nhất là dùng nước mưa, nước trữ trong ao hồ ở mùa trước, kiểm tra độ mặn trên sông, rạch khi dưới 0,4‰ mới đem lên đun nấu ăn.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, độ mặn cao nhất mùa khô năm nay ở vùng ven biển ĐBSCL có khả năng xuất hiện trong tháng 3.
Những nơi gặp khó khăn về nguồn nước do ảnh hưởng mặn xâm nhập như huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và cả huyện Mang Thít cần xem xét lại lịch thời vụ sản xuất, rà soát lại phương tiện bơm tát và kế hoạch vận hành cống để chủ động ứng phó với tình huống hạn, mặn gay gắt xảy ra khi mùa khô đến kỳ cao điểm.
Hà Thành Thặng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin