Tết Nguyên đán Bính Thân gần kề, về làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) những ngày này, thấy tết càng gần hơn. Hơn 150 hộ trồng mai với khoảng 30.000 chậu mai vàng đang sẵn sàng chờ hé nụ.
Tết Nguyên đán Bính Thân gần kề, về làng mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) những ngày này, thấy tết càng gần hơn. Hơn 150 hộ trồng mai với khoảng 30.000 chậu mai vàng đang sẵn sàng chờ hé nụ.
Con đường vào làng mai sẽ được hoàn thành trước tết. |
“Lão mai”
Không thể nhằm lẫn làng mai Phước Định với bất kỳ một ngôi làng nào. Bởi lẽ, con đường đi vào làng đã được bao bọc bởi 2 hàng rào bằng… những cây mai. Những ngôi nhà khang trang nép sau những chậu mai lớn nhỏ đủ cỡ đang vươn mình đón nắng.
Làng mai vàng Phước Định là thủ phủ của nghề trồng mai vàng, nổi tiếng ở Vĩnh Long và khu vực ĐBSCL. Tháng 7/2009, mai vàng Phước Định đã được công nhận làng nghề truyền thống. Ông Lê Văn Tý (tên thường dùng là Sáu Móm)- Trưởng Ban đại diện làng nghề cho biết: Làng mai vàng hiện có hơn 150 hộ trồng mai với 20.000 cây mai tiểu (từ 10- 50 năm tuổi), 10.800 cây mai trung (từ 50- 100 năm tuổi) và hơn 550 cây mai đại (trên 100 năm tuổi). Còn mai mini thì không đếm xuể.
Những gốc mai “cao niên” trên trăm năm tuổi, giá trị mỗi gốc lên đến hàng trăm triệu, thậm chí có cây giá trị lên đến hàng tỷ đồng. Ông Lê Văn Tý giải thích: “Tiêu chuẩn để được xem là mai đại bao gồm năm tuổi, dáng cây và bộ đế. Cây phải có bộ đế to đẹp, dáng đẹp thì giá vài trăm triệu một cây là bình thường. Nhà nào có vài cây mai đại được xem là khá giả”. Mỗi cây mai đại là một gia tài, là một đứa con tinh thần, cây mai có bệnh hay dấu hiệu gì bất ổn là người trồng mất ăn, mất ngủ. Ông Tý tắc lưỡi: “Năm rồi tui xịt thuốc trị nấm cho cây mai đại ở nhà, không ngờ nó… chết queo”.
Mai đại rất ít người mua nhưng giá trị kinh tế rất cao, chủ yếu là các đại gia, các doanh nhân ở thành phố mới có tiền chơi những “lão mai” như thế. Theo ông Tý, năm nay tình hình người tìm mua mai đại nhiều hơn mọi năm do kinh tế bắt đầu phục hồi, nhiều người có điều kiện quay lại với thú chơi mai.
Ông Tý chỉ chúng tôi gốc mai xa xa trong vườn nhà ông Hồ Văn Sững: “Đó gốc mai hơn một tỷ đã được trả giá nhưng ông Sững không bán. Mấy cây mai này cũng từ 500- 600 triệu đồng trở lên. Ông Sững trồng mai vì đam mê, yêu mai nên có người trả giá cao cũng không nỡ bán”.
Ăn ngủ cùng mai
Bà con 2 ấp Phước Định 1 và Phước Định 2 chủ yếu sống nhờ cây mai vàng, cũng nhờ cây mai mà đời sống bà con ổn định và dần sung túc hơn. Ông Tiêu Hùng Minh (ông Ba Tiền)- Phó Ban đại diện làng nghề cười hiền khô: “Gì không biết chứ nếu nghèo nghèo mà bán được một cây mai trung trung thôi là dư sức ăn tết rồi”.
Người dân ở đây hay nói nửa đùa nửa thật là “ăn ngủ cùng mai”. Ông Sáu Móm nói vui: “Giàu thì không giàu lắm, nhưng mấy anh thanh niên ở đây trước khi cưới vợ thì thủ sẵn vài cây mai, bán được là cưới vợ khỏe re”.
Giá cả các chậu mai rất đa dạng, loại cây mai gốc lớn (thân cây từ 7 tấc trở lên) mai đại từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/cây, mai trung từ 100- 120 triệu đồng/cây; các cây mai tiểu, giá vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây; loại mai mini, mai siêu mini,… giá vài trăm ngàn đồng/chậu.
Ông Tý cho biết: “Tết Ất Mùi vừa rồi, làng mai bán được khoảng 3 tỷ, lời khoảng 1,8 tỷ”. Theo ông Tý, giá mai tết năm nay sẽ không tăng so với năm rồi do số lượng mai được trồng nhiều hơn. Thời tiết năm nay cũng thuận lợi hơn cho người trồng mai nhưng “phải đợi đến lối 12 tháng Chạp thì mới biết được có chắc ăn hay không”.
Nhìn bàn tay nhẹ nhàng uốn nắn những nhánh mai của ông Ba Tiền mới hiểu tình yêu của ông với loài cây này. Ông nói: “Làm nghề này mà nóng tính, hung hăng là không được đâu. Mai dạy tôi tính nhẫn nại, ôn hòa và người dân ở đây cũng vậy”.
Chỉ tay vào con đường nhựa rộng 3m đang làm, ông Ba Tiền cười tươi: “Con đường vào làng mai mới được Nhà nước mở rộng. Vài bữa nữa hoàn thành, xe tải sẽ vào tận vườn chở mai. Tin rằng giao thông thuận lợi bà con cũng khấm khá hơn”.
Với những người dân làng mai Phước Định, hễ còn tết truyền thống thì người trồng mai còn sống được với nghề, vì cây mai ngày tết là một nét văn hóa đặc sắc, lâu đời mà người Việt Nam luôn gìn giữ.
Nói về thế hệ kế thừa, bà con ở đây cười xòa: Nối tiếp truyền thống hơn 60 năm qua, nhiều thanh niên trong làng hiện cũng rất tâm huyết với nghề trồng mai, biết tìm tòi, học hỏi tạo dáng mai thêm đẹp, lạ.
Ngoài bán mai, bà con làng mai Phước Định còn nhận ký gửi mai (qua tết đem về chăm sóc xử lý ra bông đến tết năm sau lại giao lại cho khách hàng), giá chăm sóc mỗi cây từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Bài, ảnh: HUYỀN NHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin