Khi an toàn... mới vượt

08:01, 20/01/2016

Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định 23 hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ. Trong đó, tại khoản 11, Điều 8 quy định cụ thể "Cấm người điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu".

Điều 8, Luật Giao thông đường bộ quy định 23 hành vi bị nghiêm cấm trong giao thông đường bộ. Trong đó, tại khoản 11, Điều 8 quy định cụ thể “Cấm người điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu”.

Bởi vì trong thực tế, những hành vi bị cấm này đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tính an toàn khi tham gia giao thông đường bộ. Chỉ tính riêng lỗi vi phạm: “Chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu” hiện nay đã được đánh giá là một trong những nguy cơ hàng đầu dễ dẫn đến TNGT đường bộ.

Vượt khi cảm thấy chắc chắn an toàn. Ảnh: HÙNG HẬU
Vượt khi cảm thấy chắc chắn an toàn. Ảnh: HÙNG HẬU

Mới đây, trên Đường tỉnh 904 (đoạn thuộc ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) vừa xảy ra một vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng giữa 2 môtô, mà nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là do người điều khiển phương tiện “tránh, vượt sai quy định”.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 202 của Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì:

“Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về ATGT đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5- 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm”.

Trường hợp chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có lỗi trong vụ tai nạn cũng phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể là tại Điều 6 của Nghị định 171/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có nêu rõ mức xử phạt cụ thể cho từng trường hợp vi phạm đối với người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy như sau:

Phạt tiền từ 60.000- 80.000đ đối với hành vi “Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt”.

Phạt tiền từ 200.000- 400.000đ đối với hành vi “Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép”.

Phạt tiền từ 500.000- 1.000.000đ đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi vượt xe trong những trường hợp cấm vượt, trừ các hành vi vượt bên phải trong các trường hợp không được phép.

Với phương tiện là ôtô, theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 5, Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì người điều khiển ôtô có thể vượt phải trong trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái.

Như vậy, nếu người điều khiển ôtô vượt về bên phải khi không nằm trong 1 trong 4 trường hợp kể trên thì có nghĩa là đã vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và bị xử phạt theo quy định của Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Cụ thể tại điểm c, khoản 5, Điều 5 quy định phạt tiền từ 2.000.000- 3.000.000đ đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm: “Vượt trong các trường hợp cấm vượt; không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép, trừ trường hợp tại đoạn đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường mà xe chạy trên làn đường bên phải chạy nhanh hơn xe đang chạy trên làn đường bên trái”.

Đồng thời với vi phạm này, theo điểm c, khoản 11, Điều 5, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 2 tháng.

Thực tế cho thấy hiện nay trong quá trình tham gia giao thông, đa số tài xế điều khiển ôtô nắm và thực hiện rất nghiêm túc các quy tắc đảm bảo an toàn của Luật Giao thông đường bộ.

Riêng đối với một số người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy, và các loại xe tương tự môtô, xe máy thì chấp hành chưa nghiêm các quy định này. Nguyên nhân có thể là do một số người chưa nắm rõ các quy tắc, cũng có khi họ biết nhưng do chủ quan, thiếu ý thức nên đôi lúc không thực hiện đúng, dẫn đến vi phạm và kéo theo nguy cơ gây ra TNGT.

Điều 14 Luật Giao thông đường bộ quy định rõ:

1. Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

2. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

3. Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

4. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt
bên phải:

a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;

b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;

c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

5. Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp
sau đây:

a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2
điều này;

b) Trên cầu hẹp có một làn xe;

c) Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

d) Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

đ) Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

e) Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Nếu như chúng ta- những người tham gia giao thông nắm rõ và nghiêm túc thực hiện đúng các quy định này thì chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu rất nhiều các vụ TNGT đường bộ có nguyên nhân xuất phát từ việc “tránh, vượt sai quy định”.

MINH TẤN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh