Trải qua 25 năm kể từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện, bằng nhiều biện pháp phòng chống và điều trị tích cực, Việt Nam đang dần kiểm soát được sự lây lan của căn bệnh này và hướng tới mục tiêu "90- 90- 90" để kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Trải qua 25 năm kể từ khi trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện, bằng nhiều biện pháp phòng chống và điều trị tích cực, Việt Nam đang dần kiểm soát được sự lây lan của căn bệnh này và hướng tới mục tiêu “90- 90- 90” để kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Ảnh: TRẦN NHÀNH (Tam Bình) |
Bước tiến trong điều trị HIV
Theo Bộ Y tế, tính đến nay, cả nước có trên 227 ngàn người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện và trên 86 ngàn người nhiễm HIV đã tử vong. Năm 2015, số trường hợp dương tính với HIV phát hiện khoảng 10.000 ca, số tử vong khoảng 2.000. Song theo ước tính, thực tế cả nước hiện có khoảng 254.000 người đang sống với HIV, có khoảng 12.000- 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV.
Trong đó có khoảng 47% là người nghiện chích ma túy, 29% là vợ bạn tình của người nhiễm HIV (chủ yếu là người nghiện chích ma túy), nhóm phụ nữ bán dâm khoảng 2%, người quan hệ tình dục đồng giới khoảng 5%, còn lại là nam giới lây từ vợ bị nhiễm HIV, mẹ truyền sang con.
Công tác phòng chống HIV/AIDS đang dần chuyển đổi việc dựa vào viện trợ sang phân cấp và lồng ghép vào hệ thống y tế và chủ yếu sử dụng ngân sách trong nước, đặc biệt là ngân sách nhà nước và BHYT. Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai đồng bộ, gồm dự phòng, can thiệp giảm hại, tư vấn xét nghiệm, chăm sóc và điều trị ARV, giám sát dịch,…
Các hoạt động được ưu tiên tập trung vào các địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Ước tính có khoảng 47% người dân hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ dự phòng của nhóm nghiện chích ma túy là 41%, phụ nữ bán dâm là 49%.
Báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), với 312 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế cấp phát thuốc ARV, đến nay đã điều trị cho trên 102.000 bệnh nhân, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010. 203 cơ sở điều trị Methadone tại 54 tỉnh- thành, đã điều trị cho hơn 38.000 người. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục mở rộng, giảm tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị nhiễm HIV từ 11% năm 2010 xuống còn 3% vào năm 2014.
Hướng đến mục tiêu thế kỷ
Sớm tiếp cận với các dịch vụ tư vấn để có hướng điều trị kịp thời sẽ hạn chế tử vong vì AIDS (ảnh minh họa). Ảnh: NGUYỄN THỊNH |
Với mục tiêu “90- 90- 90”, tức là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.
Theo Bộ Y tế, nếu đạt được 3 mục tiêu trên thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng, điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu “90- 90- 90” mà Liên Hiệp Quốc đề ra. Với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình thì Việt Nam đã đạt được khoảng 78%.
Tuy nhiên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV thì hiện chỉ đạt được khoảng 45%. Với mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định, chúng ta chưa có nguồn lực tổ chức xét nghiệm tải lượng vi rút một cách thường quy trong thời gian qua nên chưa có số liệu chính xác.
Điều này đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới.
Tại hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS vào ngày 24/11, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS- Vũ Đức Đam, cho rằng: Mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS mà Liên Hiệp Quốc đề ra không dễ dàng và cũng không đơn giản.
Chúng ta không chủ quan nhưng phải hoàn toàn tin tưởng và hy vọng và hãy hành động để những hy vọng đó thành hiện thực với trách nhiệm và cả tấm lòng. Chúng ta hãy hành động không chỉ với mục tiêu 90- 90- 90 mà phải là 100- 100- 100. Hãy đừng đợi đến năm 2020 mà hãy hành động ngay hôm nay”.
NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin