Chuyện bên bếp lửa

08:12, 12/12/2015

Chiếc bếp- có lẽ thường là đồ vật ít được đầu tư nhất trong nhà. Có tiền thì mua ti vi LCD, dàn âm thanh Hi-fi… gì đó, vừa để sử dụng vừa trưng bày phòng khách. Chiếc bếp… tính sau, miễn nấu chín là được.

Chiếc bếp- có lẽ thường là đồ vật ít được đầu tư nhất trong nhà. Có tiền thì mua ti vi LCD, dàn âm thanh Hi-fi… gì đó, vừa để sử dụng vừa trưng bày phòng khách. Chiếc bếp… tính sau, miễn nấu chín là được.

Gian bếp- cũng là gian “sau bét” trong nhà. Ở quê, gian bếp còn không được nằm trong nhà chính. Chái bếp- một nơi luôn ám đầy mụi khói.

Cũng vì vậy, người “phụ trách” bếp cũng dần trở thành người nhỏ bé, “ít quan trọng” nhất trong gia đình và cả trong xã hội. Và, cũng có lẽ vì vậy, mà phụ nữ hiện đại- khi đòi quyền bình đẳng giới, luôn nghĩ đến chuyện phải “bước ra khỏi gian bếp” đồng thời đòi hỏi người đàn ông phải cùng “bước vào bếp”- cho bình đẳng.

Thật ra, bếp lửa luôn là nơi ấm áp nhất của gia đình. Mỗi người lớn lên dẫu có đi xa hay thành đạt bao nhiêu vẫn không thể quên bếp lửa hồng của mẹ.

Bếp ấm với những bữa cơm ngon chính là giềng mối gia đình. Là biết bao tình yêu thương và cả nỗi lo toan của cha, của mẹ. Bếp ấm và bữa cơm- đã trở thành nét văn hóa vật thể (những món ăn) và phi vật thể (văn hóa truyền thống, nếp nhà).

Bọn trẻ nhận ra những mùa đi qua trên bếp lửa của mẹ. Này là mùa cá linh non kho mía. Này là mùa bông so đũa nấu canh chua. Đêm khuya bếp còn đỏ lửa sên nồi mứt bí, mứt dừa là đã vào tháng Chạp.

Biết năm cũ đi qua bằng nồi bánh tét đầu hè. Cũng chính trong gian bếp này, mẹ dạy con gái món ngon hoặc thủ thỉ đường ăn nết ở mai này với nhà chồng. Con trai luẩn quẩn bên mẹ lặt vài cọng rau, nghe kể chuyện ngoại xưa.

Giờ đây, gian bếp còn gánh thêm rất nhiều nỗi niềm thời hiện đại. Anh bạn tôi thường hay nói vui với vợ “sáng nay ba đi xem trồng cây gì nuôi con gì, chiều mẹ phải tính xem ăn cây gì với con gì cho chu đáo nhé”.

Vậy là “người ít quan trọng” nhất nhà, chất đầy bụng lo toan. Bởi từ bao giờ mà bữa ăn không chỉ phải ngon mà còn phải “an toàn”. Chữ “an toàn” vào đến bếp bỗng trở thành một nỗi lo ám ảnh. Bởi nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, khi mà rất nhiều người “sản xuất và buôn bán các loại thực phẩm nguy hại cho sức khỏe đồng loại đến mức bất chấp đạo lý”.

Đó là chưa kể đến rất nhiều gia đình hiện nay luôn chạy sấp chạy ngửa với công việc, khiến cho bữa cơm nhà ngày càng thưa vắng, bếp lửa ngày càng nguội lạnh…

Lại nghĩ đến Phó Thủ tướng với câu hỏi “Vì sao gần 19 triệu gia đình văn hóa nhưng văn hóa vẫn xuống cấp?” 

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh