
Hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán cục bộ… ngày càng gia tăng.
Hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán cục bộ… ngày càng gia tăng.
Đây là hệ quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà ngành nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng ĐBSCL cũng như Vĩnh Long phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đó là kết quả phân tích của các nhà chuyên môn tại hội thảo “Tác động của biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp tại Vĩnh Long”.
![]() |
Tình hình sạt lở tại tuyến sông càng trở nên nghiêm trọng. |
Ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng
Những năm gần đây tình hình BĐKH diễn ra ngày càng nhanh và mạnh hơn, khiến ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể tại Vĩnh Long, không chỉ mực nước dâng mà độ mặn sông rạch cũng tăng dần qua từng năm, đỉnh mặn luôn cao hơn 2‰; riêng mùa khô năm 2012- 2013 ở mức kỷ lục, có nơi lên tới 7,5‰.
Trà Ôn và Vũng Liêm là 2 địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn với diện tích tự nhiên rộng hơn 50.000ha, gây nhiều khó khăn trong sản xuất lúa. Thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, cây cối, hạ tầng kỹ thuật do thiên tai cũng ngày
càng tăng.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, ảnh hưởng xâm nhập mặn và mùa khô năm 2013 nhiều ao, hầm nuôi cá tra ven sông Cổ Chiên (địa bàn Vũng Liêm) bị sốc, bị chết do mặn. Đỉnh mặn năm 2015 xảy ra vào từ ngày 15- 23/1/2015, độ mặn phía sông Cổ Chiên lên cao vượt đỉnh mặn năm 2014.
Tại cống Cái Hóp: 6,4‰, tại cống Nàng Âm: 5‰, tại vàm Vũng Liêm là 4,2‰. Độ mặn lên cao, các xã ở Vũng Liêm ven sông Cổ Chiên phải đóng cống ngăn mặn, trà lúa Hè Thu sớm mới xuống giống bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới và nước mặn.
Hiện tượng sạt lở xảy ra ở nhiều nơi, ước tính mỗi năm mất khoảng 22- 25ha đất. Hiện toàn tỉnh có 74 khu vực có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài trên 310.000m, tốc độ sạt lở từ 1 m/năm trở lên, có nơi lớn nhất từ 15- 30 m/năm. Nghiêm trọng nhất là ở khu vực Phường 8, Phường 5, xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long), các khu vực thuộc 4 xã cù lao (Long Hồ).
Trong khi đó, nhiệt độ tại Vĩnh Long từ năm 1980 đến nay có xu hướng tăng dần nhưng chưa rõ nét. Đồng thời, bão và áp thấp nhiệt đới tác động với tần suất cao hơn, ngày càng có nhiều cơn bão trái mùa vào mùa khô hoặc cuối mùa mưa, ảnh hưởng đến Vĩnh Long.
Kỹ sư Bùi Phan Trí Hải- Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh cho biết: Trong những năm đầu nghiên cứu về BĐKH, các nhà khoa học dự báo nhiệt độ tăng, sự biến động của mưa, nước biển dâng cho kịch bản năm 2030, thì đến nay những dự báo này đang xảy ra nhanh chóng hơn, không phải đến 2030 mà có thể chỉ trong vài năm nữa thôi.
Ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh nhận định: Hiện nay, xu thế BĐKH ngày càng diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn sẽ là một trong những trở ngại lớn mà các cấp các ngành phải đối mặt.
Một trong những giải pháp giúp sản xuất nông nghiệp tỉnh ta ổn định và phát triển về nông nghiệp là việc xây dựng các công trình và phi công trình để phục vụ phát triển sản xuất.
Cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp ứng phó
Nhiều chương trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện chương trình, kế hoạch, đặc biệt là các chương trình phát triển, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, chương trình nghiên cứu, ứng dụng đã được đặt ra tại hội thảo.
Theo đó, một số dự án thủy lợi lớn trong tỉnh có kết hợp ứng phó BĐKH đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: dự án kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên; 6 tuyến đê bao thuộc chương trình cụm, tuyến dân cư vùng ngập lụt giai đoạn 2 của tỉnh ở Long Hồ, Vũng Liêm,...
Sở Nông nghiệp- PTNT đang chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng đê bao ven 2 bờ sông Mang Thít dài trên 70km đi qua địa bàn 4 huyện: Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án thủy lợi ngăn mặn, tiếp nước ngọt cho vùng Nam Mang Thít rộng trên 24.000ha (thuộc huyện
Vũng Liêm)...
![]() |
Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề với sản xuất nông nghiệp. |
Theo Thạc sĩ Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, để chống lũ, ngăn triều cường cho vùng Bắc sông Mang Thít và các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu, cần xây dựng hệ thống đê dọc sông, riêng khu vực TP Vĩnh Long có quy hoạch thủy lợi chống ngập đến năm 2020; nâng cấp mở rộng các kinh trục cấp nước, tiêu nước, thoát lũ; xây dựng các công trình kè chống sạt lở bảo vệ dân cư, các đô thị.
Ông Trương Quang Phú- Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh: Hệ thống công trình thủy lợi trong tỉnh đã cơ bản đảm bảo cho việc sản xuất và canh tác đất nông nghiệp. Tuy nhiên, còn những tồn tại cần phải được khắc phục là: hệ thống công trình thủy lợi tuy nhiều nhưng đa số là công trình đất, mức độ kiên cố hóa còn thấp nên mau xuống cấp; việc bảo dưỡng công trình chưa đạt yêu cầu. Đầu tư thủy lợi chưa đồng bộ từ tạo nguồn đến nội đồng; thủy lợi phục vụ chủ yếu cho sản xuất lúa, còn các cây trồng vật nuôi và mục tiêu khác của nền kinh tế còn rất hạn chế; khả năng tưới tiêu chưa đáp ứng theo yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... |
Theo Sở Khoa học- Công nghệ, các đề tài, dự án nghiên cứu có liên quan BĐKH, triển khai giai đoạn 2010- 2015 đã tập trung các lĩnh vực và đối tượng như, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất sạch hơn, tuyển chọn các giống lúa cực sớm năng suất chất lượng cao, thích nghi với các điều kiện canh tác khác nhau, nghiên cứu các giải pháp hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp...
Có thể thấy, BĐKH không còn là vấn đề chỉ là lý thuyết mà thực tế đang diễn ra. BĐKH đã và đang biểu hiện rõ nét qua các hiện tượng thời tiết và hậu quả của nó đã ảnh hưởng trực tiếp, đe dọa sự sống của con người. Hậu quả tác động của BĐKH đối với tỉnh là một vấn đề sống còn đối với các ngành kinh tế- xã hội, các doanh nghiệp. Ứng phó với BĐKH phụ thuộc rất nhiều vào các chương trình hành động nhằm làm giảm khả năng tổn hại do BĐKH gây ra.
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin