Ngày 24/10/2015, hơn 400 thiếu sinh quân (TSQ) Quân khu 9 các thế hệ đã hợp mặt nhân kỷ niệm 67 năm thành lập (1948- 2015). Thầy trò ngày nào giờ tóc đã điểm sương, nhưng ký ức những ngày dạy- học dưới mưa bom, đạn dội vẫn như mới hôm qua...
Ngày 24/10/2015, hơn 400 thiếu sinh quân (TSQ) Quân khu 9 các thế hệ đã hợp mặt nhân kỷ niệm 67 năm thành lập (1948- 2015). Thầy trò ngày nào giờ tóc đã điểm sương, nhưng ký ức những ngày dạy- học dưới mưa bom, đạn dội vẫn như mới hôm qua...
Nhiều thiếu sinh quân nay đã thành đạt, giữ nhiều trọng trách trong Đảng và chính quyền. |
Tuổi thơ can trường
67 năm trước, xuất phát từ việc thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ và ổn định hậu phương cho bộ đội kháng chiến chống Pháp, đồng thời chuẩn bị lực lượng kế cận để “Trường kỳ kháng chiến”, ngày 23/10/1948, Trường TSQ Quân khu 9 khai giảng khóa đầu tiên tại Kinh xáng Chắc Băng, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang).
Theo ông Bùi Minh Chí (TSQ thế hệ thứ nhất), từ học tập quân sự, văn hóa, chào cờ, hành quân, canh gác, ăn nghỉ, vui chơi đều răm rắp theo tiếng kẻng lệnh, trống lệnh, còi lệnh. Việc học văn hóa có các lớp từ vỡ lòng đến nâng cao, đặc biệt là môn tốc ký.
Việc học tập chính trị được nhà trường tổ chức thành một tiểu đội danh dự nhằm khuyến khích sự phấn đấu hướng về Đảng mà tu dưỡng đạo đức cách mạng.
Ngày 15/1/1950, buổi lễ kết thúc khóa thứ nhất diễn ra trong không khí quyến luyến, mọi người được về thăm gia đình vào dịp tết, một số ở lại trường dự thi lấy bằng tiểu học do Phòng Chính trị (Quân khu 9) tổ chức và ra trường nhận nhiệm vụ mới vài tháng sau đó.
Khóa 2 của trường khai giảng vào tháng 5/1950, nhưng do chiến tranh ác liệt nên đến cuối năm phải giải tán. Đây được xem là thế hệ thứ nhất của Trường TSQ Quân khu 9, với trên 1.000 học sinh, sau này đã tham gia chiến đấu khắp các chiến trường của đất nước.
Sau năm 1954, phần lớn tập kết ra Bắc, số khác ở lại miền Nam làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, tham gia lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền cách mạng. Giai đoạn 1960- 1962, một số TSQ thế hệ thứ nhất được Đảng phân công vượt Trường Sơn quay lại miền Nam chiến đấu, số khác được cử đi học nước ngoài nhằm tiếp thu khoa học kỹ thuật về làm nhiệm vụ quốc phòng xây dựng đất nước.
Cuối năm 1970 đầu năm 1971, địch điên cuồng bắn phá, mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn nhằm tiêu diệt lực lượng và căn cứ của ta. Quân và dân Tây Nam Bộ đã anh dũng chiến đấu, đánh tan chiến dịch “Phụng Hoàng”, chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” cũng phá sản, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán
Nhưng kẻ thù đã lật lọng, lấn đất giành dân, nhiều vùng giải phóng bị đánh phá. Để chuẩn bị nguồn lực bổ sung trước mắt và kháng chiến lâu dài, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập các trường TSQ trực thuộc Quân khu. Đây được xem là thế hệ TSQ thứ hai.
Theo ông Hoàng Thanh Sơn- Trưởng Ban liên lạc TSQ Quân khu 9, sau này tại Tây Nam Bộ còn thành lập thêm Trường TSQ Cục Chính trị, Trường TSQ Cục Hậu cần, Trường TSQ 962, cùng với lực lượng TSQ thế hệ thứ 3 (sau 1975) đã đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia, phát triển kinh tế- xã hội nước nhà.
67 năm- iết bao nhiêu tình
Từ ngày thành lập đến nay, TSQ Quân khu 9 đã trải qua 3 thế hệ, trong đó thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai là những người chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhất. Có thời điểm chiến tranh ác liệt, nhiều người đã chứng kiến cảnh thầy, bạn mình gục xuống bên mâm cơm, lớp học tan hoang.
Nhiều Thiếu sinh quân sau mấy chục năm mới có dịp gặp lại. |
Nhưng với quyết tâm học tập vì mục tiêu giải phóng dân tộc, họ lại đốn cây cất lớp học mới, lại ngân nga bài học vỡ lòng. Anh chị lớn thì chăm sóc, bảo ban các em nhỏ hơn. Họ từng ngày lớn lên trong đì đùng tiếng súng, tự giác rèn luyện, tu dưỡng bản thân.
Thầy Lưu Vinh Huê (Tư Ánh)- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường TSQ 962 (giai đoạn 1948- 1962), bồi hồi: Chiến tranh đã lấy đi của các em sự hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng khi phải ngồi học dưới mưa bom, đạn nổ, phải tự sản xuất lương thực để ăn, tự đốn cây rừng về dựng trường học, nhà ở.
“Từng gương mặt ngây thơ vụt hiện về trong trí nhớ người thầy giáo già như tôi. Mới đó mà đã mấy chục năm. Cái thuở mà thầy trò chúng ta cùng chia bao khó khăn, gian khổ, hy sinh trong chiến khu đã nói lên sự ác liệt của chiến tranh. Lớp các em hồi đó, giờ cũng đã bạc mái đầu. Các em đã trưởng thành, gánh nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”- thầy Lưu Vinh Huê xúc động.
Các thế hệ TSQ được sống trong môi trường tập thể nên bạn bè quý mến nhau như anh em ruột. Tinh thần đồng đội đã gắn kết họ lại và cho đến hôm nay, dù đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng vẫn gắn bó, yêu thương nhau. Ông Bùi Minh Chí tự hào cho biết: Chúng tôi có những người thầy, người cô tài đức, thay mặt cha mẹ dạy dỗ, chăm sóc học sinh như chính con em mình.
Đến nay, chúng tôi luôn giữ liên lạc với nhau, cùng gánh vác khó khăn, chia sẻ vui buồn, lo toan công việc của ban liên lạc; đặc biệt quan tâm đến gia đình các bạn là liệt sĩ, thương binh và đi tìm mộ của những người bạn đã hy sinh. “Ước mong lớn nhất của tôi là có được sức khỏe để cùng các bạn thăm lại chiến trường xưa nhiều lần nữa, tri ân những người đã cưu mang thầy trò chúng tôi”- ông nói.
Ông Vũ Mão- nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban liên lạc TSQ Việt Nam: Các thế hệ TSQ Quân khu 9 đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử rất vẻ vang. Ban liên lạc TSQ Quân khu 9 rất hiệu quả, nề nếp. Họ vẫn gắn bó, yêu thương nhau như hồi còn chung mái trường TSQ. Thầy Lưu Vinh Huê: Mái trường TSQ tuy vô cùng gian khổ, nhưng thật hào hùng. Chúng tôi được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của thầy cô, bạn bè và nhân dân. Các thế hệ TSQ Quân khu 9 là những người dũng cảm nhất mà tôi từng biết. Dù cho chiến tranh ác liệt đến mức nào, các em vẫn quyết tâm rèn luyện, vì tương lai tươi sáng của bản thân và dân tộc. |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin