Sử dụng kèn xe và văn hóa giao thông

06:11, 18/11/2015

Sáng chủ nhật, một chiếc ôtô 7 chỗ đi vào đường 1 Tháng 5 (chợ Vĩnh Long). Chỉ khoảng vài phút sau, xe máy bị ùn ứ kẹt cứng cả con đường này. Lập tức rộ lên tiếng kèn xe, phía trước, phía sau, bên trái, bên phải... như thúc giục người phía trước tiến tới, dù biết rằng là... còn lâu...

Sáng chủ nhật, một chiếc ôtô 7 chỗ đi vào đường 1 Tháng 5 (chợ Vĩnh Long). Chỉ khoảng vài phút sau, xe máy bị ùn ứ kẹt cứng cả con đường này. Lập tức rộ lên tiếng kèn xe, phía trước, phía sau, bên trái, bên phải... như thúc giục người phía trước tiến tới, dù biết rằng là... còn lâu...

Khi tuyên truyền, hướng dẫn lái xe an toàn cũng cần nên giáo dục văn hóa giao thông, hướng dẫn sử dụng kèn xe đúng lúc, đúng nơi.
Khi tuyên truyền, hướng dẫn lái xe an toàn cũng cần nên giáo dục văn hóa giao thông, hướng dẫn sử dụng kèn xe đúng lúc, đúng nơi.

Kèn xe là một công cụ hỗ trợ người tham gia giao thông dùng để cảnh báo các phương tiện đi từ trong những đường nhỏ, từ trong nhà ra lộ cần quan sát nhường đường, người đi bộ không đúng nơi quy định... Hay những trường hợp khác khẩn cấp, bất đắc dĩ mới sử dụng kèn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, người tham gia giao thông tùy tiện sử dụng kèn xe ở khắp mọi nơi và mọi thời điểm: Bấm kèn khi các phương tiện đang có nhu cầu rẽ hoặc khi đường đang ùn tắc, thậm chí ngay cả khi phương tiện trèo lên vỉa hè.

Khi đèn tín hiệu giao thông còn khoảng 2- 3 giây mới chuyển sang màu xanh, những người tham gia giao thông phía sau bao gồm xe buýt, taxi, xe gắn máy... đã bắt đầu bấm kèn vội vã, inh ỏi... Đang chạy trên đường, bỗng dưng không có việc gì cũng bấm, bấm, không hiểu họ bấm để làm gì nữa...

Không chỉ ban ngày mà ngay cả ban đêm, khi các gia đình đang chìm trong giấc ngủ cũng bị những tiếng kèn đánh động. Những thanh niên mới lớn vẫn vô tư rồ ga, hụ kèn rồi chạy lạng lách, đánh võng như một trò tiêu khiển...

Một số người dân tham gia giao thông chia sẻ: Nhiều người chạy xe trên đường có thói quen bóp còi như vô ý thức. Có thể thấy điều này rõ nhất ở những đoạn đường ùn tắc giao thông. Xe cộ càng đông đúc, càng chật chội, người ta càng “thích” bóp kèn để thúc giục người phía trước mặc dù bóp kèn cũng không thể đi nhanh hơn được. “Gặp phải ùn tắc xe đã mệt, nghe tiếng còi inh ỏi còn mệt và bực bội hơn”.

Một số trường hợp khác cũng thường gặp, như: Tại các ngã tư, khi còn vài giây mới đến đèn xanh có nhiều người đã nhấn kèn inh ỏi giục người phía trước, hay trường hợp phương tiện phía sau còn cách phương tiện phía trước một khoảng khá xa nhưng cũng nhấn kèn liên tục gây náo động suốt một đoạn đường, hoặc vào những đêm khuya, nhiều thanh niên nhấn ga, lạng lách và hú còi gây náo động.

Mặt khác, việc sử dụng và lắp đặt kèn xe luôn có những quy định cụ thể, nhưng lâu nay có không ít người lắp đặt và sử dụng kèn xe một cách tùy tiện và thiếu ý thức, khiến những người xung quanh khó chịu, thậm chí còn gây ra tai nạn từ chính tiếng kèn xe.

Gặp những trường hợp như thế này có thể bấm kèn xin nhường đường, nhưng cũng đôi khi không cần thiết phải bấm kèn.
Gặp những trường hợp như thế này có thể bấm kèn xin nhường đường, nhưng cũng đôi khi không cần thiết phải bấm kèn.

Nhiều người dân tham gia giao thông đều đồng tình cho rằng: Đối với nhiều người khi lưu thông trên đường thì tiếng kèn của xe tải hay container từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh. Để người đi đường nhanh chóng tránh sang một bên, nhiều chủ xe đã lắp thêm kèn hoặc thay đổi kèn xe nhằm lợi dụng tiếng kèn to để các phương tiện nhường đường. Có nhiều tài xế vừa phóng xe nhanh, vừa bóp kèn.

Hoảng hốt khi thấy một chiếc xe to đùng lao trên đường lại thêm tiếng kèn chói tai đang thúc giục phía sau đôi khi lại là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn. Hiện nay, tình trạng xe phóng nhanh và liên tục nhấn kèn còn thấy nhiều ở một số xe chở khách.

Vì tranh nhau trong việc rước khách, các tài xế cứ mặc sức “biểu diễn” phóng xe trên đường và tiếng kèn xe theo đó cũng được “phát huy tác dụng” một cách tối đa. Có người nói: “Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi điều khiển xe không có kèn. Không cần phải quy định xử phạt nội dung này, vì rất hiếm xe không kèn, thậm chí gắn kèn có âm lượng lớn và sử dụng triệt để mọi lúc,mọi nơi”.

Lý giải về nguyên nhân của việc thường xuyên sử dụng kèn xe, đa phần người lái xe cho rằng do lưu lượng phương tiện đông đúc, sử dụng kèn xe sẽ khiến các phương tiện khác nhường đường.

Trong khi đó, một số bác tài ôtô lại cho rằng, các phương tiện xe máy thường không đi đúng làn đường và hay có tình trạng luồn lách giữa các đầu xe, tài xế ôtô phải dùng kèn để cảnh báo họ.

Sử dụng kèn xe có văn hóa, nói cách khác là văn hóa giao thông, hay rộng hơn là văn hóa ứng xử, là những thứ ăn vào tiềm thức, gốc rễ của con người trong cộng đồng xã hội. Khi điều khiển phương tiện, chúng ta nên sử dụng kèn xe đúng nơi, đúng chỗ, thể hiện có văn hóa giao thông. Đừng ứng xử theo kiểu bản năng, để gây cho người xung quanh sự khó chịu không đáng có.

Lâu nay, các cơ quan, ban ngành tuyên truyền ATGT đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, nhiều nội dung phong phú, đa dạng, nhưng lại “quên” tuyên truyền giáo dục văn hóa giao thông, cụ thể hơn là sử dụng kèn xe sao cho phù hợp, cho có văn hóa như là văn hóa ứng xử thường ngày của mọi người.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng khi tuyên truyền về ATGT cũng như đơn vị đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe cần xem lại và thêm lời nhắc nhở về cách sử dụng kèn xe đúng mực, văn hóa và ATGT.

Theo Nghị định 171/2013/NĐ- CP, người điều khiển ôtô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ôtô khi lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng. Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe sẽ bị phạt tiền từ 100.000- 200.000đ. Bên cạnh việc sử dụng còi với âm lượng lớn, các hành vi như bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư cũng phạm luật và sẽ bị xử phạt theo từng trường hợp cụ thể. 

 

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh