Nợ công có tăng cao, nông nghiệp có thua trên sân nhà?

09:11, 17/11/2015

Sáng 17/11, ngày thứ 2 phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liên tục nhắc nhở các bộ trưởng không trả lời vòng vo, nên đi vào trọng tâm câu hỏi.

Sáng 17/11, ngày thứ 2 phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng liên tục nhắc nhở các bộ trưởng không trả lời vòng vo, nên đi vào trọng tâm câu hỏi.

Đại biểu chất vấn các bộ trưởng.
Đại biểu chất vấn các bộ trưởng.

Trả lời còn vòng vo, nhiều bộ trưởng bị nhắc nhở

Trước câu hỏi về cân đối ngân sách, nợ công tăng cao, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước chậm và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế có đạt kết quả? Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nợ công đang được kiểm soát theo lộ trình và chỉ dành để đầu tư cho phát triển. Chúng ta đang sử dụng vốn vay cho đầu tư hạ tầng thiết yếu, tăng vay dài hạn, vay trong nước và quản lý tốt rủi ro nợ công”. Bộ trưởng cũng cho biết, nợ công tăng lên là do “thu thì giảm mà chi thì tăng”.

Bộ Tài chính đã xây dựng xong kế hoạch tài chính ngân sách cho giai đoạn trung hạn 2016- 2020. Trong đó, nợ công đã xây dựng kế hoạch vay và trả nợ dựa trên các chỉ tiêu kinh tế- xã hội giai đoạn này như GDP tăng 6- 7%, lạm phát 5%, bội chi ngân sách nhà nước dưới 4%...

“Giai đoạn này tiếp tục phát hành 260.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và vay vốn ODA khoảng 250.000 tỷ đồng. Tất cả sẽ giải ngân trong 5 năm, nếu làm tốt nợ công đến năm 2020 sẽ về mức 58,5% GDP”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Cũng theo ông, tình trạng chi thường xuyên hiện quá cao, ảnh hưởng đến chi phát triển, trả nợ và tác động ngược khiến nợ công tăng lên. Thu ngân sách lại bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm, thu nội địa giảm nhanh hơn lộ trình khi Việt Nam thực hiện các chính sách giảm thuế,... Điều này làm cho tỷ lệ thu ngân sách nhà nước chỉ còn 9,8%, giảm sâu so với 20,8% của giai đoạn 2008- 2010…

Cho rằng quá vòng vo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cắt lời: “Bộ trưởng nói gọn gọn lại”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Bộ trưởng đi vào câu hỏi thôi. Đại biểu hỏi là 67.000 tỷ nợ đọng thuế, Bộ trưởng nói 34.000 tỷ đồng có thể thu được, vậy biện pháp thế nào? Có thu được không?”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Có thu được!”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải ngắt lời Bộ trưởng khi trả lời về cải cách TTHC thuế: “Chỗ này nói gọn thôi. Chính phủ nói vào ASEAN phải cải cách TTHC, vậy bao giờ chúng ta vào được nhóm các nước ASEAN 5, ASEAN 4? Làm thế nào là việc của đồng chí, Quốc hội chỉ ghi nhận lời hứa thôi”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “ASEAN 4, ASEAN 5 thì đến năm 2016 chắc chắn sẽ đạt được”.

Tiếp phần trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề phong hàm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay, tính đến thời điểm này các quy định của Đảng và Nhà nước chưa có văn bản nào quy định về hàm với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị với một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức. Từ tháng 6/2014, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ nghiên cứu về vấn đề này…

Nói đến đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời và yêu cầu Bộ trưởng trả lời đúng vấn đề là nếu Trung ương làm thế có đúng không? Nếu đúng, địa phương làm được không? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Cả Trung ương và địa phương đều không được làm”.

 Nông nghiệp có bị thua trên sân nhà?

Trong cả 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn (16 và 17/11), vấn đề sử dụng chất cấm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm được nhiều đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Cao Đức Phát cho biết, nguyên nhân chính không phải do thiếu quyết tâm. Bộ Nông nghiệp- PTNT đã xác định là phải cố gắng, làm tất cả những gì làm được theo quyền hạn và trách nhiệm để chấn chỉnh.

“Các giải pháp chúng tôi đang triển khai thực hiện nhiều năm có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, có một số mặt cải thiện nhưng chưa bền vững. Gần đây, tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã được phát hiện. Bộ trưởng cho biết, 9 tháng đầu năm, qua giám sát có 1% thủy sản, 10% rau và 7,6% thịt có dư lượng vượt mức cho phép. “Vấn đề là nhân dân không phân biệt được chỗ nào an toàn, không an toàn nên có cảm giác hầu hết là không an toàn. Thực tế không phải như vậy. Con số tôi nêu là cao nên cần phải nỗ lực giảm, đồng thời làm sao để nhân dân có thể phân biệt được đâu là an toàn, là không an toàn”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Chưa thỏa đáng với câu trả lời về giải pháp phát triển nông nghiệp của Bộ trưởng Cao Đức Phát ngày 16/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đơn vị TP Hồ Chí Minh) tiếp tục chất vấn là liệu nông nghiệp Việt Nam có bị thua trên sân nhà khi hội nhập?

Cùng quan tâm, khi cho rằng nông dân vẫn cảm thấy bị đơn độc trong cách làm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đơn vị tỉnh Kiên Giang) hỏi có giải pháp nào tốt hơn so với giải pháp trước về liên kết “4 nhà”? Xây dựng thương hiệu quá chậm, nhất là lúa gạo dù Việt Nam sắp gia nhập TPP?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT cho rằng, khi gia nhập tự do thương mại, thị trường là yếu tố sống còn đối với nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy được cơ hội đó, phải có sản phẩm có khả năng cạnh tranh mạnh. Giải pháp được đưa ra là tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ nông dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật, hộ nông dân nhỏ để có những sản phẩm chất lượng tốt hơn; tạo điều kiện để các hộ sản xuất lớn, công ty đạt trình độ sản xuất cao.

Về liên kết “4 nhà”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ rõ nguyên nhân là do chưa thu hút được doanh nghiệp. Trong khi mô hình liên kết như tổ hợp hợp tác xã tại các địa phương phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ hơn nữa, đặc biệt là sự nỗ lực của chính quyền các địa phương. Về xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đang hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện, làm ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, ổn định, giá trị thương mại cao. Bên cạnh, sẽ hỗ trợ để quảng bá xúc tiến thương mại, bảo hộ thương hiệu.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh