Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hùng- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh về vấn đề này.
Ngày 24/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (KSND) năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015, thay thế Luật Tổ chức viện KSND năm 2002.
Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hùng- Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh về vấn đề này.
* Xin ông cho biết một số quy định mới nổi bật của Luật Tổ chức viện KSND năm 2014?
- Luật Tổ chức viện KSND năm 2014 có một số quy định mới nổi bật gồm:
Mở rộng thẩm quyền của cơ quan điều tra viện KSND về loại tội và cả chủ thể thực hiện tội phạm, được quy định tại Điều 20, tức cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương không chỉ điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp mà còn điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện KSND, cơ quan thi hành án và người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp; thứ hai là tăng thẩm quyền cho viện KSND cấp huyện.
* Việc bổ sung những quy định mới trên có ý nghĩa như thế nào trong thực tiễn hoạt động của ngành kiểm sát, thưa ông?
- Luật Tổ chức viện KSND năm 2014 bổ sung một số quy định mới nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền công dân, quyền con người và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời đảm bảo pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đây cũng là cơ sở hoạt động của ngành kiểm sát.
Việc tăng thẩm quyền cho viện KSND cấp huyện nhằm giảm lượng án tồn đọng ở cấp tỉnh và cấp cao, đây là bước cải cách phù hợp với tình hình hiện nay, khi trình độ năng lực cán bộ, kiểm sát viên ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất ngày càng được đáp ứng, phục vụ tốt cho yêu cầu công tác.
Do đó, viện KSND cấp huyện đủ khả năng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
* Đối với chức năng kiểm sát của ngành tư pháp, đâu là những quy định nổi bật được quy định tại Luật Tổ chức viện KSND năm 2014, thưa ông?
- Điểm nổi bật trong hoạt động tư pháp được quy định tại Luật Tổ chức viện KSND năm 2014 là viện KSND thực hiện ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Bên cạnh đó, viện KSND còn kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực giải quyết án hành chính, các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc thi hành án, việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp.
* Viện KSND có vai trò quan trọng trong việc thực hành quyền công tố, Luật Tổ chức viện KSND năm 2014 đã quy định vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Việc thực hành quyền công tố được Luật Tổ chức viện KSND năm 2014 quy định tại Điều 3 về hoạt động của viện KSND trong tố tụng hình sự, để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Viện KSND thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
* Đối với việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tin báo tố giác tội phạm của người dân được viện KSND thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết khiếu nại, tố cáo tin báo tố giác tội phạm của người dân được thực hiện thông qua việc tiếp nhận và phân loại, thụ lý, thẩm tra, xác minh khiếu nại, tố cáo. Sau đó kết luận nội dung khiếu nại, tố cáo và ra quyết định giải quyết đồng thời thông báo kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo biết.
Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì viện KSND vẫn phải tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tiến hành xác minh, điều tra kết luận giải quyết và thông báo cho viện KSND biết để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của Luật Tố tụng hình sự.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM PHONG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin