Kỳ Hà là tên của một xóm nhỏ có từ thời mở đất; một khu dân cư giàu truyền thống cách mạng, nằm giáp ranh giữa xã Phú Đức và Long Phước (Long Hồ). Nơi đây đã mang đậm ký ức về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940.
Kỳ Hà là tên của một xóm nhỏ có từ thời mở đất; một khu dân cư giàu truyền thống cách mạng, nằm giáp ranh giữa xã Phú Đức và Long Phước (Long Hồ). Nơi đây đã mang đậm ký ức về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940.
Kỳ Hà tên gọi từ thời mở cõi
Đầu thế kỷ XVIII khi triều Nguyễn thành lập Long Hồ dinh thì ở ngã tư Long Hồ, cư dân người Việt đã khai phá gần hết đất hoang, sống ổn định thành những xóm làng đông đúc.
Tuy nhiên vẫn còn khu Rừng Dơi- một khu rừng hoang cây tạp nằm giữa 2 thôn Phú Đức và Phước Hậu của quận Châu Thành. Lúc bấy giờ có khoảng 20 gia đình ở miền Trung vào khai phá một phần đất hoang ven Rừng Dơi và lập nên một xóm nhỏ.
Lúc đầu xóm nhỏ ấy chưa có tên. Khoảng 2 năm sau, có một nhóm người thứ hai ở miền Trung tìm đến ngã tư Long Hồ và hỏi thăm: “Có ai biết những người quê ở Kỳ Hà 2 năm trước vào đây sống ở đâu không?” và có người chỉ đường vào xóm nhỏ ấy; những người đồng hương Kỳ Hà gặp nhau ở vùng đất mới, tay bắt mặt mừng; những người đi sau cùng ở lại khai phá vùng đất hoang Rừng Dơi.
Từ đó người dân ở khu vực ngã tư Long Hồ mới biết những người nơi xóm nhỏ ấy là những người quê ở Kỳ Hà (một vùng quê ở tỉnh Quảng Nam) và xóm nhỏ ấy từ đó được mọi người gọi là xóm Kỳ Hà.
Lực lượng nòng cốt trong Khởi nghĩa Nam Kỳ ở ngã tư Long Hồ
Sau khi Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ngã tư Long Hồ được thành lập, chi bộ đã chọn Kỳ Hà- Rừng Dơi làm căn cứ hoạt động. Nhiều cuộc họp, nhiều cuộc mít tinh diễn thuyết được tổ chức ở Rừng Dơi, cạnh xóm Kỳ Hà.
Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở ngã tư Long Hồ, nhiều công việc chuẩn bị được tiến hành ở Kỳ Hà.
Sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa, chiều 20/11/1940, một cuộc họp lên kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa ở quận Châu Thành được tổ chức tại nhà đồng chí Phan Văn Kinh (đảng viên xóm Kỳ Hà). Đêm 22/11/1940, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Ngô Thị Huệ, lực lượng chính của cuộc khởi nghĩa xuất phát từ Kỳ Hà và sau đó cùng với lực lượng các nơi khác tập trung tại sân bóng đá Gò Ba Đông, gần thị trấn Long Hồ.
Đến 11 giờ đêm, quân khởi nghĩa đánh chiếm Nhà việc của địch ở thị trấn Long Hồ, tước vũ khí bọn tề xã, đốt giấy tờ, sổ sách của địch.
Ngày 23/11/1940, quân khởi nghĩa rút về Kỳ Hà- Rừng Dơi ẩn náu. Đêm 23/11, quân khởi nghĩa đánh chiếm Nhà việc Chánh Hội (Cái Nhum) đốt sổ sách tài liệu của địch, truy lùng tước vũ khí bọn tề xã,… Ngày sau, quân khởi nghĩa rút về Rừng Dơi, sau đó phân tán lực lượng.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở ngã tư Long Hồ có khoảng 50 người, trong đó phân nửa là người ở xóm Kỳ Hà.
Tang thương sau Khởi nghĩa Nam Kỳ
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, bọn địch tiến hành khủng bố vô cùng tàn bạo. Ở ngã tư Long Hồ, bọn thực dân Pháp cấu kết với bọn ngụy quân, ngụy quyền, địa chủ ác ôn ở địa phương… phong tỏa tất cả các tuyến đường thủy bộ, lùng sục ruộng vườn, khám xét nhà dân tìm bắt những người tham gia khởi nghĩa.
Chúng bắt đánh đập và bắn chết đồng chí Hồ Văn Hóa, đốt nhà đồng chí Phan Văn Sĩ, Phan Văn Kinh. Chúng bắt đánh đập dã man và bỏ tù hơn 30 người ở khu vực ngã tư Long Hồ, trong đó có 21 người ở xóm Kỳ Hà.
Những người bị bắt chúng đày đi qua nhiều nhà tù như: Bà Rá, Côn Đảo,… Trong số những người bị bắt bỏ tù có 3 người bị địch tra tấn hy sinh trong nhà tù ở đất liền. Có 9 người bị đày ra Côn Đảo. Sau đó hy sinh ở Côn Đảo 7 người, 1 người mất tích, chỉ còn 1 người sống sót về quê sau cách mạng tháng 8/1945.
THANH HỒNG- sưu tầm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin