Qua triển khai Pháp lệnh số 34/2007/PL- UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã- phường- thị trấn", quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy.
Qua triển khai Pháp lệnh số 34/2007/PL- UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã- phường- thị trấn”, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Tuy nhiên, chính quyền và mặt trận các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quy chế.
Phát huy quyền làm chủ
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao đổi với ông Của (thứ 2, bên trái) về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. |
Hơn 1 năm nay, trên 100 hộ dân sống cặp tuyến đường từ mé sông Ngãi Tứ đến vàm Giáo Mẹo (ấp An Phong, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) đã không còn sống trong cảnh lầy lội, bùn sình khi mùa lũ về.
Ông Phạm Văn Liệt- Trưởng ấp kể: UBND xã triển khai phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua tuyên truyền, vận động, trên 100 hộ góp 47 triệu đồng, xã hỗ trợ 106 triệu đồng để nâng cấp tuyến đường (dài 3.700m). Điều đáng quý là địa phương chỉ kêu gọi nhưng nhiều hộ vẫn sẵn lòng góp tiền và xắn tay áo vào làm phụ. Ông Nguyễn Văn Của là một trong những hộ có mặt mỗi ngày để phụ rải đá. Lúc đầu, ông góp 500.000đ, nhưng khi thấy kinh phí không đủ, ông chủ động góp thêm và cùng trưởng ấp đi vận động tiếp.
Ông Trần Văn Sum có mức đóng góp nhiều nhất (2 triệu đồng). Mỗi ngày, ghe chở đá tới là ông “đeo” theo suốt để đổ đá. Ông nói: “Thấy mình làm, bà con sẽ ra làm. Mỗi người góp chút công sức thì công trình sẽ mau hoàn thành”. Và, cứ sau khi trời mưa là ông vác xẻng đi thoát nước.
Theo Chủ tịch UBND xã- Võ Quyết Thắng, đầu năm đến nay, xã đã vận động nhân dân hiến đất, góp tiền của, ngày công để làm giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kéo đường ống dẫn nước, dựng trụ cột xóa điện câu đuôi... Hiện, xã đang chuẩn bị xây các công trình thủy lợi nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất.
“Khi làm vấn đề gì cũng cần có sự thống nhất. Hầu hết các công trình đều đưa ra họp dân, được dân đồng tình nên thực hiện trọn vẹn”- Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Thanh
Phong nói.
Tại TP Vĩnh Long, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được xem là một trong những tiêu chuẩn để xếp loại chi- đảng bộ, chất lượng đảng viên. Công tác cải cách hành chính, hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo đều có gắn kết với thực hiện quy chế dân chủ.
Nhìn chung, hầu hết các công trình xây dựng đều có lấy ý kiến đóng góp trong nội bộ cơ quan và ngoài nhân dân. Khi thực hiện có giám sát, kiểm tra và công khai tài chính trước dân. “Nhờ tạo được niềm tin, từ đó, người dân sẵn sàng đóng góp để xây các công trình phúc lợi”- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Văn Hoàng nhận định.
Những việc cần phải làm
Ông Sum (bìa trái) là người nhiệt tình đóng góp tiền của và công sức để làm đường. |
Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, là nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã thực hiện tốt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
“Khi triển khai, chỉ cần 1 hộ không đồng ý thì khó mà thực hiện. Bên cạnh, người dân vẫn còn tâm lý là vấn đề nào có “dính” tới họ thì họ mới đi”- ông Phong nói. Còn Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (Trà Ôn) Nguyễn Văn Triệu thì cho rằng, một số người còn ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến, cũng có người đã khiếu kiện vượt cấp, lạm dụng đường dây nóng điện thoại, có những việc rất nhỏ nhưng gây khó cho chính quyền. Theo Trưởng Phòng Nội vụ huyện Trà Ôn Nguyễn Thị Tuyền: “Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều bức xúc của dân chưa được giải quyết kịp thời, đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của họ”.
Nguyên nhân là vẫn còn một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa hiểu rõ về Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ, dẫn tới việc chấp hành và thực hiện chưa tốt. “Chính vì chưa nhận thức được giá trị của việc thực hiện dân chủ, nên nhiều người vẫn còn coi nhẹ, không quan tâm, ít đóng góp ý kiến, ngại va chạm, dẫn đến việc thực hiện dân chủ một cách hình thức”- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông (Vũng Liêm) Nguyễn Văn Sang nói.
Bên cạnh, trình độ nhận thức, ý thức trách nhiệm, kỹ năng hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa phát huy đúng mức, chưa chủ động. Khi thực hiện vẫn còn lúng túng, dẫn đến hiệu quả, chất lượng chưa đáp ứng. Để thực hiện dân chủ cơ sở có hiệu quả, ông Nguyễn Văn Sang đề xuất:
Cần có hướng dẫn cụ thể về vai trò, chức năng và quyền hạn của BCĐ thực hiện dân chủ. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn về công tác này. Bên cạnh, cần quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong thực hiện dân chủ và các hành vi cản trở, đe dọa, trả thù, trù dập... Đồng thời, cần sớm nâng pháp lệnh lên thành luật.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh- Lê Hồng Đào cho rằng: Pháp lệnh 34 được triển khai đã lâu (từ năm 2007), cần phải tuyên truyền, phổ biến lại. MTTQ tỉnh cũng đã ban hành các văn bản uốn nắn. Vấn đề là cấp ủy và ủy ban các cấp cần có sự chủ động trong điều hành, lãnh chỉ đạo.
Bên cạnh, cần rà soát lại nội dung công khai đúng theo pháp lệnh và phải quản lý hiệu quả các nguồn quỹ. Thực hiện quy chế dân chủ là lâu dài, thường xuyên, liên tục nên cần phải làm, phải gắn kết trách nhiệm của các cấp, các đơn vị.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đỗ Hoàng Huynh: Để thực hiện tốt dân chủ cơ sở, cần phát huy vai trò BCĐ thực hiện Pháp lệnh 34, quan tâm thực hiện tốt cải cách hành chính, giảm khiếu kiện, nâng cao hiệu quả huy động sức dân và làm tốt 5 nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin