Hiện nay, các trung tâm văn hóa, thể thao (TTVHTT) xã, nhà văn hóa- khu thể thao (NVH-KTT) ấp chưa hoạt động hiệu quả, chưa thật sự phát huy được hết vai trò, chức năng trong việc thực hiện tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương.
Hiện nay, các trung tâm văn hóa, thể thao (TTVHTT) xã, nhà văn hóa- khu thể thao (NVH-KTT) ấp chưa hoạt động hiệu quả, chưa thật sự phát huy được hết vai trò, chức năng trong việc thực hiện tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ chế vẫn còn là vấn đề lớn đáng bàn trong việc “tháo gỡ” khó khăn cho các thiết chế văn hóa cơ sở.
Có nhà văn hóa- khu thể thao ấp nhưng vấn đề là làm thế nào để hoạt động hiệu quả. |
Ngó đâu cũng gặp khó
Để đạt được Tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), hoặc theo Quyết định số 499 của UBND tỉnh Vĩnh Long, thì diện tích TTVHTT xã từ 2.000m trở lên, đảm bảo hội trường 200 chỗ ngồi, có 5 phòng chức năng và các công trình phụ trợ, sân bóng đá 5.400m. NVH- KTT ấp từ 1.000m- 1.500m trở lên, hội trường 80 chỗ ngồi, các phòng chức năng và các công trình phụ…
Tuy nhiên, khi công trình hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng thì vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay là con người quản lý, kinh phí, trang thiết bị để tổ chức các hoạt động ở TTVHTT xã; NVH- KTT ấp cho thật sự hiệu quả.
Trong khi đó, cũng theo quy định của Bộ VH, TT và DL, đối với xã loại 1, có TTVHTT xã mới được thêm 1 lao động hợp đồng, phụ trách trung tâm. Trong khi đó, hiện nay, ở các địa phương đa số là xã loại 2 nên chỉ có 1 công chức văn hóa xã hội, phụ trách kiêm nhiệm quản lý trong việc tổ chức hoạt động TTVHTT xã.
Tuy nhiên, những hợp đồng hoặc cán bộ phụ trách kiêm trình độ chuyên môn không đáp ứng được việc tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của TTVHTT xã. Ông Lê Thanh Sơn- cán bộ văn hóa xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) cho biết: “Cán bộ công chức văn xã hiện nay kiêm nhiệm nhiều việc bên Đảng, chính quyền ở UBND xã như: văn hóa, lao động- thương binh- xã hội, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình, xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, được phân công kiêm nhiệm trong quản lý, tổ chức hoạt động TTVHTT xã, trong khi đó TTVHTT xã không cùng cơ quan, nằm độc lập với UBND xã, nên không có thời gian trong quản lý và tổ chức hoạt động thường xuyên cho trung tâm”.
Khó chồng thêm khó, ngoài vấn đề nhân lực là chuyện kinh phí đầu tư, kinh phí cho hoạt động cũng “rối như canh hẹ” khi chưa đồng bộ và mỗi nơi mỗi khác. Kinh phí đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, đầu tư thiết bị làm việc, các dụng cụ hoạt động vui chơi trẻ em, thể dục, thể thao để phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em và người dân còn hạn chế.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Long, cấp kinh phí hoạt động cả năm cho NVH xã là 20 triệu đồng, cũng chẳng... thấm vào đâu, có nơi UBND xã còn giữ lại số tiền này, rồi cấp dần lại cho từng hoạt động trong năm. Riêng NVH- KTT ấp hiện nay, kinh phí hoạt động tùy thuộc vào ngân sách địa phương và không có định mức cụ thể cho hoạt động.
Vẫn có một số địa phương linh động nguồn kinh phí từ các nguồn xã hội hóa, nguồn ngân sách bù đắp nên có những hoạt động khá tốt. Song đây chỉ là số ít ngoại lệ.
“Gỡ khó” cho cơ sở
Tại buổi tọa đàm nâng cao hiệu quả hoạt động của TTVHTT xã và NVH- KTT ấp, được Sở VH, TT và DL tổ chức vừa qua, có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và lãnh đạo phòng văn hóa- thông tin cấp huyện và trên 97 đại biểu là bí thư đảng ủy; phó chủ tịch UBND xã; cán bộ văn xã; bí thư chi bộ kiêm trưởng ban nhân dân ấp...
Nhiều ý kiến từ cấp cơ sở cho đến lãnh đạo cấp trên, nhằm tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ các sở, ban ngành tỉnh và cùng đề ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động TTVHTT xã và NVH-KTT ấp trong thời gian tới.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các địa phương học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay mang lại hiệu quả trong công tác tổ chức quản lý, hoạt động TTVHTT xã và NVH-KTT ấp.
Theo ông Nguyễn Thành Tánh- cán bộ văn xã, xã Phú Lộc (Tam Bình): “Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương giúp cho hoạt động tốt TTVHTT xã và NVH-KTT ấp là rất quan trọng và cần thiết.
Thực tế vừa qua nếu địa phương nào lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, được sự quan tâm, đam mê phong trào văn hóa, văn nghệ, môn thể thao nào thì hoạt động TTVHTT xã, ấp địa phương đó được đầu tư, quan tâm, phát triển, mang lại hiệu quả tốt”.
Ông Phan Văn Giàu- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL- đề nghị: “Các đồng chí phụ trách TTVHTT xã, NVH- KTT ấp tranh thủ hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tổ chức và hoạt động. Tập trung khai thác các nguồn từ trong nhân dân, làm tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động, thành lập các CLB như: hoa kiểng, cờ tướng, ca hát thiếu nhi, đờn ca tài tử, võ thuật, dưỡng sinh... để thu hút người dân tham gia vui chơi, giải trí. Quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa; xây dựng kế hoạch hoạt động cho cả năm để chủ động về kinh phí…”
Hiện nay, Sở VH, TT và DL đang hoàn chỉnh hồ sơ triển khai thực hiện Quyết định số 2563 của bộ, về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn” trình UBND tỉnh, thông qua HĐND tỉnh, tại kỳ họp cuối năm 2015 về kinh phí duy trì các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ nhiệm vụ chính trị của TTVHTT xã từ 20 triệu lên 30 triệu đồng/năm. Đồng thời, cấp kinh phí hoạt động cho NVH-KTT ấp là 10 triệu đồng/năm.
Hy vọng trong thời gian tới, khi được sự hỗ trợ, hợp sức của các ngành, các cấp, cũng như “khơi thông” cơ chế, sẽ sớm tháo gỡ những khó khăn, để các thiết chế văn hóa cơ sở phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động của mình.
Hiện toàn tỉnh có 47 TTVHTT xã, 25 NVH- KTT ấp. Nhìn chung, đã thành lập các CLB: bóng đá, bóng chuyền, đờn ca tài tử, cầu lông, cờ tướng, sinh vật cảnh,... Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% là hoạt động hiệu quả, còn lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như: cơ chế con người quản lý, kinh phí, trang thiết bị... |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- HIẾU LIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin