Để nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri

05:11, 05/11/2015

Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) là trách nhiệm của đại biểu dân cử thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để gặp gỡ cử tri nơi bầu ra mình. 

Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) là trách nhiệm của đại biểu dân cử thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để gặp gỡ cử tri nơi bầu ra mình. Từ đó, thu thập ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Trong thực tiễn, hoạt động TXCT vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, rất cần sự hiến kế để nâng cao chất lượng hoạt động TXCT.

Cử tri gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến đại biểu thông qua buổi TXCT.
Cử tri gửi gắm tâm tư, nguyện vọng đến đại biểu thông qua buổi TXCT.

Những cái được và... “vướng”

Theo luật định, trước và sau kỳ họp của HĐND, đại biểu HĐND các cấp phải TXCT để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri nơi mình ứng cử. TXCT tạo “cầu nối” giữa đại biểu với cử tri và cơ quan nhà nước.

Qua TXCT, đại biểu HĐND báo cáo kết quả hoạt động của mình, tình hình kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh ở địa phương và các vấn đề cử tri quan tâm. Về phía cử tri, sẽ trình bày tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị với Đảng, Nhà nước những vấn đề bức xúc ở địa phương, đơn vị.

Từ đầu nhiệm kỳ (năm 2011) đến nay, HĐND 3 cấp đã có 18 đợt TXCT. Trong đó, đại biểu HĐND tỉnh đã TXCT gần 1.700 cuộc với gần 134.000 lượt cử tri dự. Các đại biểu đã ghi nhận trên 13.000 lượt ý kiến, kiến nghị. Trong đó, nhiều nội dung rất xác đáng, giúp đại biểu phát hiện, giám sát, kiến nghị những vấn đề bức xúc đến cơ quan chức năng giải quyết.

Tuy nhiên, hiệu quả một số cuộc TXCT chưa đạt như mong muốn, các cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực còn hạn chế; hình thức tiếp xúc vẫn mang tính hội nghị, nên cử tri ngại thể hiện quan điểm của mình; nhiều nơi cử tri tham dự chưa đông, thành phần không đa dạng, chủ yếu là cán bộ, quân dân, ban ngành xã, ấp.

Bên cạnh, công tác phối kết hợp của Tổ đại biểu HĐND tỉnh với địa phương chưa chặt chẽ, nên việc bố trí có địa điểm chưa hợp lý, có thời điểm trùng với thời vụ sản xuất, thu hoạch, nên cử tri khó sắp xếp tham gia. Việc tiếp thu chỉ dừng lại ở mức ghi nhận là chủ yếu và chưa chắt lọc được những vấn đề bức xúc nổi cộm, nên chưa được quan tâm đúng mức, làm cho nội dung phản ánh cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần nhưng không giải quyết dứt điểm.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu, việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri về cơ bản là thỏa đáng, nhưng vẫn còn chậm giải quyết. Bên cạnh, trách nhiệm của đại biểu trong giám sát, theo dõi việc trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao hoặc yêu cầu giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri theo luật định vẫn còn hạn chế. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến ngày càng có ít cử tri tham dự.

Cần đổi mới để nâng chất

Những năm qua, việc TXCT của đại biểu HĐND TX Bình Minh và các xã- phường đã từng bước đổi mới, cải tiến về nội dung, hình thức, đảm bảo đúng quy định và đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Trước khi diễn ra cuộc họp liên tịch, Thường trực HĐND thị xã đã yêu cầu các đơn vị có liên quan đôn đốc, giải quyết các vấn đề cử tri đặt ra từ kỳ họp trước, tổng hợp báo cáo để cung cấp cho từng đại biểu trả lời cử tri.

Từ đó, cử tri thấy rằng các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiếp thu và trả lời nghiêm túc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của mình, nên đã phấn khởi vận động gia đình thực hiện tốt chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh ở địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm TXCT, ông Phan Văn Chính- Ủy viên Thường trực HĐND thị xã cho biết: Trước kỳ họp, đại biểu tiếp xúc ở điểm nào, sau kỳ họp TXCT ở điểm đó, để cử tri vừa nghe báo cáo kết quả kỳ họp, phổ biến, giải thích các nghị quyết của HĐND, vừa báo cáo kết quả giải trình, trả lời của các ngành, các cơ quan hữu quan đối với ý kiến, kiến nghị trước đó của cử tri. Thực tế cho thấy, đây là hình thức TXCT được đồng tình cao và cử tri cảm thấy được tôn trọng khi đại biểu dân cử thể hiện trách nhiệm với nhân dân.

Tuy nhiên, bà Huỳnh Kim Nguyên- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, cần phải có hiến kế để giải quyết vấn đề, trong trường hợp đại biểu có kỹ năng kém thì lần sau cử tri sẽ không tham gia TXCT nữa. Nếu xảy ra trường hợp cử tri phản ánh sai thì cần có hướng xử lý, giải quyết vấn đề cho phù hợp.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Vũng Liêm Nguyễn Thành Chiến đề nghị, tùy tình hình thực tế, có thể chia tổ đại biểu ra để cùng một thời điểm TXCT theo chuyên đề, nhóm ngành... Như vậy, hoạt động TXCT sẽ toàn diện hơn. Đây là vấn đề quan trọng vì đã tạo điều kiện cho đại biểu gặp gỡ đúng đối tượng cử tri để tiếp thu các yêu cầu, kiến nghị sát với tình hình thực tế. Từ đó, đưa ra những chủ trương đúng đắn và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong phát triển kinh tế- xã hội.

Có thể nói, hoạt động TXCT là thể hiện mối quan hệ hai chiều, đại biểu là chiếc “cầu nối” giữa cử tri với Đảng, Nhà nước. Vấn đề quan trọng là cần đổi mới nội dung, thành phần, cách tiến hành để nâng cao chất lượng TXCT và tạo được sự tin tưởng của cử tri vào vai trò đại diện của đại biểu.

Chủ tịch HĐND tỉnh- Trương Văn Sáu

TXCT trước kỳ họp HĐND, cần báo cáo ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề cốt lõi có liên quan đến cử tri, chủ yếu nên dành nhiều thời gian để lắng nghe những kiến nghị của cử tri. TXCT sau kỳ họp HĐND, cần tập trung tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia thực hiện nghị quyết HĐND. Sau khi TXCT, cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, xử lý vấn đề chu đáo, giải quyết đến nơi đến chốn để cử tri tín nhiệm. Vấn đề quan trọng là cần luôn luôn cải tiến, nâng cao chất lượng TXCT, phát huy quyền làm chủ và tạo niềm tin cho nhân dân.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh