"Quốc hội cần phải thay đổi cách điều hành, thảo luận, tránh việc đại biểu cứ đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn, tương đối trùng nhau, rất mất thời gian. Điều hành để làm sao biến từ Quốc hội tham luận thành Quốc hội tranh luận."- Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) mở đầu phiên thảo luận
“Quốc hội cần phải thay đổi cách điều hành, thảo luận, tránh việc đại biểu cứ đứng lên đọc một bài chuẩn bị sẵn, tương đối trùng nhau, rất mất thời gian. Điều hành để làm sao biến từ Quốc hội tham luận thành Quốc hội tranh luận.”- Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) mở đầu phiên thảo luận góp ý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội dung kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm và cho ý kiến thẳng thắn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đứng giữa) trao đổi bên ngoài hành lang Quốc hội. |
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, tại Điều 16 của dự thảo Nghị quyết lần này thiếu phần điều hành phiên họp của các vị chủ tọa, bởi điều hành phiên họp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đại biểu Quốc hội phát biểu, trình bày tham luận và đặc biệt là tranh luận để thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.
“Các vị chủ tọa kỳ họp lần này điều hành cũng tốt rồi nhưng các đại biểu vẫn còn băn khoăn về tính không thống nhất trong cách điều hành. Điều hành có kết luận hay không có kết luận, tại sao có kết luận, kết luận có giá trị như thế nào, tóm tắt như vậy thì đã phản ánh hết ý kiến đại biểu hay chưa?”- đồng thời đề nghị:
“Biểu quyết là một trong những đánh giá quan trọng nhất của đại biểu khi thể hiện chính kiến của mình. Tôi đề nghị công khai danh tính khi biểu quyết về việc đồng ý, không đồng ý hoặc dừng biểu quyết để người dân giám sát đại biểu mình bầu ra.”
Đồng ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) còn cho rằng:“Quốc hội cần dành thêm thời gian thảo luận để bố trí tranh luận”. Bởi, theo vị đại biểu này thì khi đại biểu tranh luận nhiều như vậy sẽ giúp cho các đại biểu khác có thêm các thông tin, vì không phải ai cũng am hiểu hết được vấn đề.
Như vậy, chất lượng kỳ họp sẽ tốt hơn. Khi thảo luận nội dung về kinh tế- xã hội, các dự án luật và một số nội dung quan trọng khác, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội cần dành 1/3 thời gian thảo luận được bố trí để tranh luận sau phần phát biểu tuần tự theo đăng ký, theo sự chuẩn bị riêng của từng đại biểu.
Đại biểu Trần Du Lịch trả lời báo chí. |
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhận định: “So với Quốc hội khóa IX, thì bây giờ chúng ta thụt lùi về phương diện tranh luận làm rõ vấn đề”.
Đại biểu cho rằng, nội quy kỳ này rất hoàn chỉnh, đã luật hóa những việc chúng ta đang điều hành nội quy của kỳ họp mà hiện nay chúng ta đang làm trước một khóa. Đồng thời, nội quy đã bổ sung một số quy định thủ tục biểu quyết mới. Tuy nhiên, nội quy kỳ này thêm cái mới, nhưng đổi mới cái cũ thì không rõ.
“Khi biểu quyết thông qua một luật, với quy trình hiện nay, không bấm nút không được, mà bấm nút thì ấm ức. Bởi vì chúng tôi không được trực tiếp đối thoại với ban soạn thảo, mà chỉ được nghe giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng ý hay không đồng ý cũng không được nói lại, chỉ bấm nút”.
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị: “Đây là vấn đề phải giải quyết để nâng cao chất lượng Quốc hội, không nhất thiết xếp hàng chờ thảo luận. Tôi nói thật là không biểu quyết thì thiếu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Nhưng biểu quyết một luật mình không đồng ý có 2, 3 điều nhưng vẫn phải thông qua, như vậy là không ổn”.
Nhiều đại biểu ý kiến phiên thảo luận không nên giới hạn thời gian, tranh luận làm rõ vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng, quy định phát biểu không quá 7 phút nhiều khi cứng nhắc quá. Đối với những phiên họp ít đại biểu đăng ký thì thời gian có thể kéo dài hơn 7 phút. Nhưng nếu trong phiên họp có rất nhiều đại biểu đăng ký thì cần có ý thức bảo đảm cho các đại biểu khác có thời gian phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị: “Ai cần thiết tranh luận cứ bấm nút tranh luận và không quy định số lần tranh luận. Tranh luận khi nào hết thời gian thì thôi”.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng cho rằng, nên chuyển sang Quốc hội tranh luận và nhấn mạnh về vai trò điều hành, tranh luận. Đồng thời, “phải thiết kế lại đăng ký phát biểu qua hệ thống điện tử, hiện nay đăng ký qua hệ thống điện tử thế này thì không thể tranh luận được”.- đại biểu Nguyễn Văn Phúc nói.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin