Những khâu đột phá để phát triển

05:10, 21/10/2015

Tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, đặc biệt quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; huy động, khai thác và phát huy nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội,

Tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, đặc biệt quan tâm giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; huy động, khai thác và phát huy nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; tổ chức sắp xếp lại sản xuất, tạo sự đột phá trong việc tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, liên kết nhằm giải quyết tốt đầu ra nông sản hàng hóa...

 

Liên kết phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp; đào tạo nghề giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông,... liên quan mật thiết, tương hỗ cho nhau để phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trong ảnh: Cầu, đường liên ấp thuộc xã Thiện Mỹ.
Liên kết phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp; đào tạo nghề giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông,... liên quan mật thiết, tương hỗ cho nhau để phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Trong ảnh: Cầu, đường liên ấp thuộc xã Thiện Mỹ.

Đó là 3 khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội 5 năm tới mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Trà Ôn (2015- 2020) đề ra trong kỳ đại hội Đảng bộ huyện vừa qua. Bài viết xin điểm vài nét trong tiến trình bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị đã nêu.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững

15 năm, từ năm 2001- 2015, Ban vận động quỹ Vì người nghèo các cấp huyện Trà Ôn đã vận động tiền mặt, hiện vật quy ra tiền hơn 58 tỷ đồng, phục vụ chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Cũng trong 15 năm qua, kết quả vận động, đầu tư hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà theo các chương trình chính sách với hơn 6.200 căn nhà, tổng giá trị trên 66 tỷ đồng.

Các hoạt động này đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện đến nay xuống còn 5,56%.

Bà Nguyễn Thị Đẹp- Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ- cho biết hiện nay toàn xã còn 78 hộ nghèo (chiếm 2,8% hộ dân toàn xã).

Trong 9 tháng qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ, kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách,... mà các hộ nghèo có điều kiện tập trung sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

“Qua khảo sát, dự kiến hết năm nay sẽ có 14 hộ thoát nghèo, đạt chỉ tiêu xã đề ra”- bà Nguyễn Thị Đẹp nói và cũng nhìn nhận rằng do số hộ nghèo thấp, nên công tác giảm nghèo tại xã thời gian qua triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả khá cao.

Cũng như ở Thiện Mỹ, xã Tân Mỹ đã rất tập trung nỗ lực giảm nghèo, và kết quả hàng năm số hộ nghèo xã giảm dần đều, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm cao, cao nhất trong huyện và tỉnh, với trên dưới 23%.

Theo ông Lê Quốc Trung- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Mỹ, trong 3 năm qua (2012- 2014), hộ dân nghèo toàn xã giảm mỗi năm bình quân 4%. Năm nay, Nghị quyết Đảng ủy đề ra cũng giảm tương tự. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho hay:

Hướng tới, xã sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề hàng năm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội để giảm nghèo, phấn đấu đến 2020 còn 11% hộ nghèo toàn xã, đẩy mạnh giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer.

Tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh kinh tế hợp tác

Triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Trà Ôn thời gian qua đã có những tín hiệu tích cực. Báo cáo 9 tháng qua của năm 2015, ngành nông nghiệp huyện đã và đang phối hợp triển khai 25 dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí 3,15 tỷ đồng.

Đến nay, ngành nông nghiệp huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cơ giới hóa 99,25% diện tích làm đất và 92% diện tích thu hoạch; góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, tạo giá trị sản xuất, lợi nhuận cao hơn cho người dân.

Theo ngành nông nghiệp Trà Ôn, hiện nay toàn huyện có 146 tổ hợp tác sản xuất (140 tổ sản xuất nông nghiệp, 6 tổ sản xuất phi nông nghiệp) với 2.550 thành viên. Các tổ hợp tác sản xuất hoạt động khá hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Tương tự, 27 trang trại sản xuất nông nghiệp, 13 hợp tác xã, trong đó 20 trang trại đạt tiêu chí mới và 5 hợp tác xã hoạt động theo luật mới, đã góp phần đa dạng, duy trì các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại, tập trung.

Bí thư Huyện ủy huyện Trà Ôn Nguyễn Thanh Triều nhìn nhận: để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, rất cần thiết phải liên kết “4 nhà”.

Ông đề xuất 4 nội dung cụ thể:

“Tập trung củng cố, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, đảm bảo hoạt động hiệu quả, thiết thực. Đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho nông dân và doanh nghiệp.

Tăng cường phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng. Nhân rộng và phát triển các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua hợp đồng, mà doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng để cung ứng đầu vào sản xuất và đảm bảo đầu ra nông sản hàng hóa”.

Với nhiều địa bàn trong tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm cao nên việc hợp tác, liên kết sản xuất trong nông nghiệp là rất cần thiết để tạo đầu ra, hiệu quả bền vững cho hàng hóa nông sản.

Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, thì việc hiện đại hóa nông nghiệp theo hướng công nghiệp cũng là một bài toán đặt ra cho tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng lực, giá trị sản xuất cho người dân.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh