Qua 4 năm (2011- 2014) thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về "giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững", tỉnh ta đã ghi nhận được những kết quả nổi bật.
Qua 4 năm (2011- 2014) thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững”, tỉnh ta đã ghi nhận được những kết quả nổi bật. Đời sống kinh tế của người dân ngày càng nâng lên từng bước, góp phần ổn định chính trị- xã hội... Thành quả này là do sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận của nhân dân.
Các tổ đan thảm lục bình hoạt động hiệu quả giúp người dân có thêm thu nhập lúc nông nhàn. |
Lồng ghép nhiều chính sách để giảm nghèo
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để công tác này được triển khai thực hiện tốt, tỉnh đã chú trọng lồng ghép có hiệu quả các hoạt động của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các chính sách hỗ trợ học nghề và tạo việc làm.
Trong đó, hiệu quả nhất là các lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp đã tạo việc làm tại chỗ, giải quyết lao động nông nhàn cho các hộ nông thôn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (phải) phấn khởi trong căn nhà mới và quyết tâm vươn lên để cùng tham gia xây dựng địa phương. |
Để giải quyết việc làm cho người dân, huyện Tam Bình đã chú trọng phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Hiện có 11 làng nghề chủ yếu đan thảm lục bình và làm bánh tráng giấy, giải quyết việc làm cho gần 2.700 lao động với thu nhập bình quân từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng.
Chị Dương Nhật An (xã Bình Ninh) gia đình khó khăn, không ruộng đất. Chồng chị làm thợ hồ, còn chị tranh thủ thời gian rảnh đan lục bình, nhờ vậy mà kinh tế gia đình đã khá hơn.
Huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình, TX Bình Minh đã tập trung đào tạo nghề cho lao động; tăng cường chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp... Theo Trưởng Ban Dân vận Thị ủy- Lê Văn Xứ, thời gian qua, thị xã đã đào tạo nghề cho trên 6.110 lao động nông thôn, giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho trên 12.790 lao động, kéo giảm hộ nghèo đến nay còn 998 hộ.
Song song đó, công tác chăm lo nhà ở, hỗ trợ vốn cho các đối tượng chính sách, các hộ khó khăn cũng được xem là một trong những nhiệm vụ then chốt. Tỉnh đã có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực xã hội cùng chung tay. Thực hiện tốt chính sách chăm lo cho các gia đình chính sách, khó khăn, xã Song Phú (Tam Bình) phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn 2,2 tỷ đồng; vận động xây dựng 48 căn nhà nhân ái, đào tạo nghề cho 1.870 lao động...
“Qua đó đã giúp người nghèo xây dựng nhà ở, học nghề, có việc làm và phát triển các loại hình trồng trọt chăn nuôi ổn định đời sống”- Phó Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Văn Hải nói. Được hỗ trợ căn nhà theo diện 167, chị Nguyễn Thị Hạnh (ấp Phú Trường Yên) không khỏi vui mừng: “Có nhà ở kiên cố rồi, tui cố gắng buôn bán, làm ruộng để nuôi hai con đi học”. Hiện gia đình chị đã thoát nghèo, đứa con lớn cũng đi làm có thu nhập ổn định.
Và ý thức tự lực vươn lên
Về xã Đông Thành (TX Bình Minh) hôm nay, đường sá thuận tiện với nhiều ngôi nhà khang trang nối nhau. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước người dân ngày càng chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Nhiều tổ hợp tác, mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả từ nơi vốn nhiều khó khăn này.
Nhờ được vay vốn, nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. |
Bí thư Đảng ủy xã Đông Thành- Trần Phước Hưởng cho biết: Bên cạnh sự hỗ trợ thì người dân đã biết tính toán, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp... Thời gian qua, xã đã giảm được 325 hộ nghèo, trong đó có 281 hộ dân tộc Khmer.
Từ hộ nghèo không có ruộng đất nhưng giờ chị Nguyễn Kim Phụng (Đông Thành) đã thoát nghèo. Chị cho biết: “Từ số vốn vay được, tôi đầu tư chăn nuôi. Thời gian rảnh, tôi đan hàng thủ công mỹ nghệ, nhờ vậy mà thu nhập cũng khá hơn”.
Nhiều hộ nghèo không chỉ được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây nhà ở mà còn tạo điều kiện cho vay vốn phát triển sản xuất, được dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật... Từ đó, đời sống được cải thiện. Chị Võ Thị Tuyết Sương (ấp Đông Hưng 3, xã Đông Thành) cho biết: “Trước kia, gia đình khó khăn nên được hỗ trợ căn nhà diện 167. Nhờ được hỗ trợ thêm vốn mà gia đình tui vượt qua được khó khăn. Hiện tại với 2 công ruộng, cộng thêm việc chăn nuôi gà vịt và đan hàng thủ công mỹ nghệ, thu nhập gia đình tạm ổn.
Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên. Xã Tân Mỹ (Trà Ôn) có đông đồng bào dân tộc Khmer nhưng nhờ thực hiện tốt các chính sách và tổ chức sắp xếp lại vùng sản xuất chuyên canh màu đã tạo hiệu quả rất tốt.
Theo Bí thư Đảng ủy xã- Huỳnh Phương Đông, nhiệm kỳ qua, đã giảm được 430 hộ nghèo, trong đó có khoảng 60% đồng bào dân tộc Khmer: “Giờ bà con đã có ý thức vươn lên khá giàu. Bà con còn tận dụng đất trống canh tác các loại cây trồng, vật nuôi khác để tạo thêm nguồn thu”.
Chị Thạch Thị Nguyệt (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ) cho biết, nhà không có đất canh tác. 3 năm nay, chị cũng được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi bò, mua bán nhỏ nên cuộc sống khá hơn trước rất nhiều. “Được hỗ trợ vốn tui sẽ cố gắng đưa kinh tế gia đình ngày càng khá hơn”- chị nói.
Từ năm 2011- 2014, tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 136.700 lao động, giải quyết việc làm cho gần 110.000 lao động, xuất khẩu lao động đạt hơn 1.800 người. Hỗ trợ trên 7.680 căn nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ cho trên 241.300 lượt hộ vay vốn. Tỷ lệ thoát nghèo bình quân hàng năm 1,67%. Đến cuối năm 2014, tỉnh còn trên 9.760 hộ nghèo, chiếm 3,54% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin