Chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được coi trọng, nhằm đẩy mạnh sản xuất, đưa hiệu quả cây trồng, vật nuôi chất lượng có sức cạnh tranh cao, để đạt đích cuối cùng là tăng thu nhập, tiến tới khá giàu cho cư dân nông thôn.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020, nông nghiệp- nông dân- nông thôn tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Trong đó, chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được coi trọng, nhằm đẩy mạnh sản xuất, đưa hiệu quả cây trồng, vật nuôi chất lượng có sức cạnh tranh cao, để đạt đích cuối cùng là tăng thu nhập, tiến tới khá giàu cho cư dân nông thôn.
Cần có nhiều lao động nông nghiệp kỹ thuật cao mới có sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. |
Lao động có việc làm nhưng thu nhập không cao
Nghị quyết số 26- NQ/T.Ư “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đề ra mục tiêu đến năm 2020: “Tốc độ tăng trưởng nông- lâm nghiệp- thủy sản đạt 3,5- 4 %/năm; sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm và hiệu quả; duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.
Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (2008). Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%”.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã thống nhất các chỉ tiêu: “… giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp- thủy sản tăng 3,5 %/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2020 là 44,5 triệu đồng; tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 75%; tạo việc làm mới 19.000 lao động/năm...”
Đối chiếu một vài chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng nông- lâm nghiệp- thủy sản 3,5% (đạt); năm 2015 thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm đối với xã NTM (tăng 1,8 lần so với năm 2010, đến năm 2020 khả năng đạt 2,5 lần); lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn 40% (cao hơn nghị quyết 26- 10%).
Nhìn lại tiêu chí số 12 trong 19 tiêu chí xã NTM trước đây quy định “cơ cấu lao động”, xã đạt tiêu chí này là xã có số người trong độ tuổi lao động làm lĩnh vực nông nghiệp từ 35% trở xuống.
Khi Vĩnh Long bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cũng như các tỉnh ĐBSCL, xét thấy rằng theo quy định như vậy sẽ rất khó đạt, bởi nhiều người đặt vấn đề “ở ĐBSCL người lao động không làm lĩnh vực nông nghiệp thì làm gì?” Và các tỉnh đồng kiến nghị điều chỉnh tiêu chí số 12 “cơ cấu lao động” thành “lao động có việc làm thường xuyên”. Sau khi điều chỉnh, năm 2013, đồng loạt nhiều xã đạt tiêu chí 12 với tỷ lệ rất cao- từ 90% trở lên.
Tuy nhiên, hiện nay theo ghi nhận của BCĐ xây dựng NTM các xã, thu nhập trung bình của mỗi lao động phổ biến chỉ đạt trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng đối với hộ nông nghiệp và cả tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy, việc đảm bảo thu nhập bình quân đầu người ở xã NTM đạt mức 29 triệu đồng/người/năm (2015) cũng rất khó khăn, có khi phải thống kê cả các nguồn huy động cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội của xã. Theo tính toán của BCĐ các xã NTM, nếu sản xuất nhỏ lẻ với giá cả nông sản bấp bênh như hiện nay thì việc tăng thêm mỗi năm 3 triệu đồng/người là rất khó khả thi.
Cần cơ cấu lại lao động nông nghiệp
Cơ giới hóa sản xuất lúa mới chỉ giải phóng một phần sức lao động trong nông nghiệp. |
Theo kế hoạch 5 năm nữa, để thực hiện đạt 44,5 triệu đồng đối với cư dân nông thôn và 49 triệu đồng/người/năm đối với xã NTM, nhất thiết phải tái cơ cấu lại sản xuất đồng thời cũng phải tái cơ cấu lại lao động một cách hợp lý.
Qua vài thập niên gần đây, trong điều kiện đất chật người đông như các tỉnh ĐBSCL (dù có nhiều cái nhất: vựa lúa, trái cây, thủy sản) đã xác định làm nông nghiệp chỉ đủ ổn định cuộc sống và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhưng chưa thể vươn lên khá giàu.
ĐBSCL nhiều mặt vẫn còn tụt hậu so với các vùng miền khác. Như vậy, việc cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp phải đạt từ 35% trở xuống đối với xã NTM là mục tiêu có chủ đích của BCĐ Trung ương về xây dựng NTM khi nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Bởi khi xã phấn đấu đạt chỉ tiêu này thì buộc phải tính toán lại cơ cấu lao động. Trung bình cứ 3 lao động chính ở nông thôn hiện nay, chỉ phân công cho 1 lao động làm nông nghiệp, 1 lao động làm công nghiệp- thương mại dịch vụ, 1 lao động làm công chức hoặc lực lượng vũ trang (như chỉ đạo của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX.
Khi còn ít lao động nông nghiệp, ruộng đất sẽ tập trung hơn, và để nâng cao chất lượng sản xuất, nông dân trẻ hôm nay phải được đào tạo cơ bản về sản xuất nông nghiệp, biết đưa cơ giới vào sản xuất, biết ứng dụng thành thạo kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất và tích cực tham gia vào chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị của từng mặt hàng nông sản.
Theo BCĐ xây dựng NTM nhiều địa phương, cùng với tái cơ cấu nông nghiệp, việc tái cơ cấu lao động là cần kíp, bởi khi nhiều lao động đều có việc làm nhưng công việc giản đơn như hiện nay thì không thể nâng cao thu nhập. Vai trò của Nhà nước kích thích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản và dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp cần được đặt ra ngay từ bây giờ.
Ông Bùi Quang Vinh- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Quốc hội cũng nên xem xét, nghiên cứu có thể ra một nghị quyết để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển, có thể bắt đầu từ khâu giống, cho tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh đồng lớn… chứ việc sản xuất nông hộ như trong thời gian qua không phát huy hiệu quả. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin