Kỳ 2: Một số vấn đề cần quan tâm trong sản xuất khoai lang

07:10, 02/10/2015

Vì lợi nhuận ở một số thời điểm quá hấp dẫn nên dù đã được các ngành chức năng nhắc nhở và cảnh báo trong việc canh tác khoai lang, nhiều nông dân vẫn tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư thâm canh cao nhưng không đúng quy trình kỹ thuật.

Vì lợi nhuận ở một số thời điểm quá hấp dẫn nên dù đã được các ngành chức năng nhắc nhở và cảnh báo trong việc canh tác khoai lang, nhiều nông dân vẫn tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư thâm canh cao nhưng không đúng quy trình kỹ thuật.

Từ đó, đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong canh tác, làm giảm năng suất, chất lượng, giá thành sản xuất tăng cao và khi giá khoai bị sụt giảm thì nông dân bị lỗ nặng như hiện nay.

Nông dân cần trồng khoai lang đúng quy trình kỹ thuật để giảm chi phí.
Nông dân cần trồng khoai lang đúng quy trình kỹ thuật để giảm chi phí.

Diện tích trồng khoai lang tăng quá nhanh

Theo quy hoạch nông nghiệp thì đến năm 2015 diện tích khoai lang toàn tỉnh Vĩnh Long là 9.100ha và đến năm 2020 là 12.300ha.

Tuy nhiên, diện tích trồng khoai lang đã tăng đột biến từ năm 2011 tới nay (năm 2012 và năm 2014 diện tích trồng khoai lang đạt gần 12.000ha và trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 9.500ha) đã làm cho sản lượng thu hoạch tăng nhiều so với nhu cầu của thị trường, cộng với việc nông dân tập trung trồng giống khoai Tím Nhật và thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật làm cho chất lượng khoai không đạt yêu cầu xuất khẩu nên đã dẫn đến tình trạng tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Nếu trùng vào thời điểm sản lượng khoai lang trên thị trường thế giới tăng cao do nhiều nơi cũng đang vào vụ thu hoạch thì giá khoai lang sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Nông dân phải bán với giá thấp và bị lỗ nặng (thời điểm giữa năm 2012, 2014 và 2015).

Ngoài ra, việc nông dân tập trung trồng giống khoai lang Tím Nhật chiếm tỷ lệ cao cũng là vấn đề gây khó khăn cho khâu tiêu thụ, bởi vì giống khoai này chỉ thích hợp cho xuất khẩu nhưng thị trường trong nước thì khó tiêu thụ.

Việc nông dân đồng loạt mở rộng diện tích trồng khoai lang một cách ồ ạt, không đảm bảo đúng với quy hoạch của vùng thích nghi cộng với biện pháp áp dụng các kỹ thuật canh tác, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống sản xuất của nông dân chưa được hợp lý, một số nơi từ chỗ luân canh khoai lang với lúa đã chuyển sang trồng độc canh khoai lang liên tục trong nhiều vụ làm cho tình hình dịch bệnh gia tăng, nông dân phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh để bảo vệ, vừa làm tăng thêm chi phí vừa gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm.

Năng suất khoai bị sụt giảm

Năng suất khoai lang ở Bình Tân có thể đạt khoảng gần 30 tấn/ha, cao hơn so với năng suất bình quân của cả nước (22- 25 tấn/ha).

Tuy nhiên, do nông dân thu được lợi nhuận cao nên nhiều nơi đã chuyển hẳn từ việc canh tác khoai lang luân canh với lúa sang chuyên canh liên tục nhiều vụ khoai đã làm cho chi phí phân bón tăng cao và tạo điều kiện cho dịch hại phát triển gây hại.

Mặt khác, làm cho đất bị cạn kiệt dinh dưỡng do canh tác 1 loại cây trồng cạn trong nhiều năm, đất không được nhận phù sa như đất lúa và nhất là tạo điều kiện cho nhiều đối tượng dịch hại tích lũy mật số để gây hại (sâu đục củ, bệnh chết héo dây…).

Ngoài ra, việc sử dụng giống từ vụ trước liên tục trong nhiều năm cũng đã gây ra tình trạng thoái hóa giống và từ đó cũng có tác động làm giảm năng suất khoai lang. Theo báo cáo của UBND huyện Bình Tân, hiện năng suất bình quân của khoai lang vùng Bình Tân chỉ còn khoảng hơn 20 tấn/ha.

Do canh tác khoai lang liên tục, sâu bệnh phát triển nhiều nên nông dân buộc phải sử dụng nhiều thuốc BVTV, đặc biệt là tình trạng quá lạm dụng thuốc BVTV (phải phun tưới định kỳ bằng biện pháp tưới xà) đã tốn nhiều chi phí, ảnh hưởng môi trường và để lại dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm.

Nếu như trước đây, dịch hại chính của khoai lang là sùng (bọ hà), bệnh chạy dây và sâu keo ăn lá thì nay có thêm sâu đục củ và nhiều bệnh hại khác. Đặc biệt vài năm trở lại đây, do nông dân sử dụng nhiều thuốc BVTV đã làm cho dịch hại bộc phát nhiều hơn, trong đó đáng chú ý là sâu đục củ khoai lang- một đối tượng mới rất khó phòng trừ.

Chi phí lao động, vật tư quá cao, giá khoai thất thường

Trồng khoai lang cần rất nhiều nhân công lao động để làm đất, cuốc vồng, đặt hom giống, tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại, thu hoạch và vận chuyển...

Hiện đa số nông dân đều sử dụng lao động thủ công nên chi phí đầu tư rất cao, nhất là lúc vào vụ tập trung. Hiện giá vật tư và công lao động luôn có xu hướng gia tăng trong khi năng suất và chất lượng khoai lang đang có xu hướng ngày một sụt giảm nên từ đó làm cho lợi nhuận của nông dân cũng bị giảm theo.

Một số nhà chuyên môn đã nhận định: “Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật thì chi phí trong canh tác khoai lang không quá 70 triệu đồng/ha, cho dù giá có rẻ như hiện nay, nông dân cũng không đến mức thua lỗ”. Tuy nhiên, thực tế nông dân đầu tư chi phí phân thuốc và công lao động quá cao nên chi phí cho sản xuất 1ha khoai lang lên tới 130- 150 triệu đồng. Vì vậy khi giá khoai lang bị sụt giảm, nông dân bị lỗ nặng là điều hiển nhiên không tránh khỏi.

Giá khoai lang thay đổi tùy theo giống và thời điểm thu hoạch, trong đó giống khoai Tím Nhật luôn được mua với giá cao nhất, các giống khoai khác có giá thấp hơn nhưng bù lại cho được năng suất cao hơn nên nông dân vẫn có lời.

Theo thống kê giá khoai lang Tím Nhật bình quân trong 5 năm (2010-2014) là 600.000đ/tạ (60kg), tức là bình quân 10.000đ/kg. Trong đó, năm 2010, 2012 và giữa năm 2015 đến nay có giá sụt đến mức thấp nhất (dưới 2.000 đ/kg), năm 2011 và năm 2013 đạt mức cao nhất (trên 19.000 đ/kg).

Diễn biến giá khoai trong 1 năm cho thấy: ở thời điểm đầu và cuối năm thì giá khoai lang ở mức khá cao (trên 600.000 đ/tạ) nhưng ở khoảng giữa năm (từ tháng 5 đến tháng 10) thì giá khoai bị sụt giảm. Điều này có thể do ở thời điểm nhiều nơi sản xuất được khoai lang nên lượng cung lớn làm cho giá khoai bị sụt giảm.

Thị trường tiêu thụ khoai lang chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, không có hợp đồng chắc chắn, nông dân sản xuất theo kiểu tự phát, tập trung trồng nhiều giống khoai Tím Nhật nên gặp lúc thu hoạch tập trung, sản lượng nhiều bị ứ đọng không tiêu thụ hết hoặc phải bán với giá rẻ và thua lỗ nặng. Trên đà này, nhiều ý kiến dự báo: “Một thời gian nữa, Bình Tân sẽ không sản xuất được khoai lang, nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu”.

Đây là những vấn đề đặt ra cho sản xuất khoai lang ở huyện Bình Tân của Vĩnh Long và cho cả ĐBSCL. Cần có những giải pháp điều chỉnh, tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn và bền vững. Có như vậy, sản xuất khoai lang ở Vĩnh Long mới có thể phục hồi, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp như thời gian qua.

Nhiều người đã quyết tâm theo đuổi giống khoai lang Tím Nhật bất chấp chi phí đầu tư tăng vọt. Khi thị trường biến động, thì nhiều nông dân thua lỗ, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần. Vì chạy theo thị trường, phá vỡ quy hoạch sản xuất của địa phương mà nông dân đã tự gây khó cho vùng sản xuất khoai lang của mình. 

>> Kỳ cuối: “Giải pháp sản xuất khoai lang theo hướng an toàn và bền vững”

Bài, ảnh: Ths. Nguyễn Văn Liêm

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh