Phải có chế tài đủ sức răn đe đối với tham nhũng

05:10, 28/10/2015

Trong phiên thảo luận sáng 28/10, vấn đề phòng chống tham nhũng được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp.

Trong phiên thảo luận sáng 28/10, vấn đề phòng chống tham nhũng được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp.

* Đặng Thị Ngọc Thịnh- đại biểu tỉnh Vĩnh Long:

Theo tôi, công tác phòng chống tham nhũng phải giải quyết một cách triệt để và nghiêm minh, tuy nhiên để thực hiện điều đó thì không thể nhanh mà cần phải cần một quá trình. Tới đây để phòng chống tham nhũng được tốt thì phải thực hiện 3 không, đó là không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không dám tham nhũng.

Để thực hiện được điều đó, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ, trước nhất là cần cải cách thể chế liên quan đến tham nhũng để ngăn ngừa và sớm ban hành. Tôi ví dụ chúng ta cũng có những đề án để thực hiện vấn đề này nhưng chậm ban hành như quy định mua sắm tài sản công tập trung, việc kiểm soát thu nhập… đến nay vẫn chưa thực hiện.

Về việc không cần tham nhũng, làm sao để mọi cán bộ, công chức, viên chức nhất là những ngành dễ có thể xảy ra tham nhũng họ có thể yên tâm sống được bằng đồng lương của mình, để không nghĩ đến việc tiêu cực, tham nhũng. Còn vấn đề không dám tham nhũng cần có biện pháp chế tài đủ sức răn đe để những ai khi nghĩ đến những hành vi tham nhũng thì không dám làm. Song song đó, cần tuyên truyền đạo đức công vụ của mỗi cá nhân, tự giác ngăn ngừa và không thực hiện được hành vi tham nhũng.

* Nguyễn Bá Thuyền- đại biểu tỉnh Lâm Đồng:  

Theo tôi, muốn công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì trước tiên phải sửa luật. Bởi vì luật của chúng ta hiện nay về kê khai tài sản chưa hợp lý, con cái chưa thành niên của cán bộ thì không kê khai. Có một thực trạng là cán bộ của ta hiện nay tài sản do con cái đứng tên hết, mình không có tài sản gì nhiều, cho nên không theo dõi được và việc kê khai không có tác dụng.

Luật cần quy định tất cả con cái của cán bộ phải kê khai tài sản, kể cả người thân thiết trong gia đình. Ngoài ra, tôi đề nghị cần quy định những tài sản mà không chứng minh được, không nhất thiết là có tham nhũng hay không tham nhũng thì phải bị tịch thu.

Song song đó, để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, cần phải tổ chức lại các cơ quan điều tra chống tham nhũng. Tôi nghĩ nên thành lập ủy ban điều tra chống tham nhũng trực thuộc Trung ương chứ không trực thuộc tỉnh nào cả.

Và đối với các vụ án tham nhũng lớn của tỉnh phải do ủy ban này điều tra độc lập. Ban Nội chính của tỉnh hiện nay chỉ theo dõi, đôn đốc chứ không có quyền hành gì, tôi nghĩ nên trao cho họ quyền đặc biệt và điều tra độc lập như công an thì mới tăng tính hiệu quả.

* Dương Trung Quốc- đại biểu tỉnh Đồng Nai:  

Theo tôi, cần phải xem công tác phòng chống tham nhũng là việc làm thường xuyên vì nó giống như là một “dịch bệnh”. Không thể nói là cần nên làm hay không nên làm vì nó luôn đi theo dòng chảy của xã hội. Muốn thực hiện tốt công tác này, theo tôi phải thực hiện tốt “môi trường” dân chủ, nghĩa là phải tạo điều kiện để người dân khi phát hiện ra, họ báo thì chúng ta tiếp thu, xử lý kịp thời.

Thời gian qua, cũng có những vụ việc người dân phát hiện ra, họ sợ không nói, cũng có trường hợp họ chán không nói, vì nói cũng không có giá trị gì. Tôi đề nghị luật nên phát huy vai trò của dân, Bác Hồ nói, nhân dân là “tai mắt” nhưng “tai mắt” mà không lên được đến não thì cũng không giải quyết được vấn đề gì.

THANH TÂM (ghi)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh