Nhiều giải pháp cho tiêu chí thu nhập

05:10, 07/10/2015

Xác định thu nhập là tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nên thời gian qua, BCĐ xây dựng NTM đã thực hiện nhiều giải pháp. 

Xác định thu nhập là tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nên thời gian qua, BCĐ xây dựng NTM đã thực hiện nhiều giải pháp.

Trong đó chủ yếu là vận động người dân thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích đất sản xuất, đồng thời tập trung phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Nhiều hộ dân ở Bình Tân luôn có thu nhập khá cao từ sản xuất nông nghiệp.
Nhiều hộ dân ở Bình Tân luôn có thu nhập khá cao từ sản xuất nông nghiệp.

Phấn đấu của huyện

Xác định nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế nên trong 5 năm qua bên cạnh việc nhân rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên hơn 3.600ha, huyện Long Hồ còn vận động người dân cải tạo vườn, trồng màu trên ruộng để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo BCĐ Xây dựng NTM huyện Long Hồ, toàn huyện hiện có gần 6.700ha vườn cây ăn trái, hàng năm thu hoạch trên 56.000 tấn; mở rộng trên 3.000ha màu với sản lượng hàng năm đạt trên 49.000 tấn, tăng hơn 17.600 tấn so với năm 2010. Sự chuyển đổi này đã nâng cao giá trị sản xuất so với trồng lúa.

Trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động, nâng tổng số lao động có việc làm lên gần 100.000 người, tăng hơn 5.500 người so với năm 2010. Toàn huyện hiện có hơn 1.150 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và trên 7.600 cơ sở thương mại, dịch vụ thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia với thu nhập tương đối khá.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên ở xã Long Phước cho biết: “Trước đây, ở nhà tôi chỉ làm nội trợ, sau khi biết có HTX Thanh Thanh chuyên đan đát tôi vô đây làm, mỗi tháng cũng kiếm thêm thu nhập hơn 2 triệu đồng, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn”.

Người nghèo ở Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) có nhà ở khang trang, việc làm và thu nhập ổn định.
Người nghèo ở Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) có nhà ở khang trang, việc làm và thu nhập ổn định.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 27,5 triệu đồng/ năm, vượt 7,5 triệu đồng so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Và tiếp tục phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng vào năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Hoặc- Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng BCĐ Xây dựng NTM huyện cho biết: “Sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững. Đặc biệt để tăng thu nhập cho người dân nông thôn đạt chuẩn theo lộ trình, chúng tôi rất quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và tư vấn học ngành nghề gì phù hợp với địa phương để sau khi có nghề giúp tạo điều kiện cho người nghèo thoát nghèo, hộ cận nghèo vươn lên khá giàu. Chúng tôi phải đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng để phục vụ cho nhu cầu phát triển về tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động dịch vụ để tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn”.

Huyện đạt- tỉnh đạt

Các huyện- thị khác cũng có nhiều giải pháp nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Bên cạnh việc xây dựng cánh đồng lớn, còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung phát triển diện tích vườn cây ăn trái đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và đặc biệt là nhân rộng diện tích gieo trồng màu luân canh với lúa. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ nên thu nhập của người dân thời gian qua được cải thiện đáng kể.

Ngoài việc chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, các địa phương cũng luôn quan tâm chỉ đạo phát triển mạnh lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đây được xem là thế mạnh trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.

Cũng nhờ chỉ đạo phát triển kinh tế nông thôn theo hướng toàn diện, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nên thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên.

Đến cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh đạt 24,87 triệu đồng/ năm, bằng 1,83 lần so với năm 2010. Qua đó, góp phần giúp cho 38/89 xã vùng nông thôn thực hiện đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

Để nâng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh lên 44,5 triệu đồng vào năm 2020, ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, Phó trưởng Ban thường trực BCĐ Xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long cho biết một số giải pháp chủ yếu: “BCĐ đề nghị các địa phương tập trung phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó đối với nông nghiệp, tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi hiện có.Ngoài ra, phải nghiên cứu tìm tòi, bổ sung một số cây trồng, vật nuôi có hiệu quả để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, phải mở rộng các ngành nghề nông thôn, nhất là ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để giải quyết lao động nhàn rỗi giữa 2 mùa vụ. Tiếp tục mở rộng các dịch vụ ở nông thôn để làm thế nào cho kinh tế nông thôn phát triển đa dạng hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn”.

Bài, ảnh: HỒ LÂM- TRẦN ÚT

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh