Theo TTXVN, ngày 30/10/2015, tỉnh Đăk Nông tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày khai thông đường hành lang chiến lược Bắc- Nam, đoạn từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ.
Theo TTXVN, ngày 30/10/2015, tỉnh Đăk Nông tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày khai thông đường hành lang chiến lược Bắc- Nam, đoạn từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam Bộ.
Ngày 19/5/1959, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Đoàn 559, mở đường vận tải quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Lúc đầu, con đường Trường Sơn chỉ lưu thông từ Bắc vĩ tuyến 17 đến Bắc Tây Nguyên. Còn đoạn từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ vẫn còn bị chia cắt, là vùng trắng chưa có cơ sở. Mỹ- Diệm coi đây là vùng bất khả xâm phạm của chúng. Một số đội vũ trang tuyên truyền của Nam Trung Bộ, Khu 7 Đông Nam bộ mở đường vào vùng này đều không thành công.
Chính vì vậy, việc mở đường khai thông hành lang chiến lược Bắc- Nam trên địa bàn Nam Tây Nguyên lúc này là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngày 25/5/1959, đoàn B90 gồm 25 đồng chí với nhiệm vụ về chiến trường miền Nam đến Nam Đăk Lăk (tức Đăk Nông ngày nay) để gây dựng cơ sở cách mạng, mở đường về Nam Bộ và xây dựng hành lang chiến lược nối liền Nam Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ với phương châm hành động là khẩn trương, thực hiện “4 biến” (biến không thành có- biến khó thành dễ- biến ít thành nhiều- biến yếu thành mạnh). Sau gần một năm vừa phát triển, gây dựng cơ sở quần chúng, vừa soi mở đường, đến tháng 11/1960, cả 2 đội của đoàn B90 (hướng Đông và hướng Tây) đều hoàn thành nhiệm vụ.
Trên cơ sở khai thông tuyến đường chiến lược Bắc- Nam, tháng 6/1961, Ban hành lang tỉnh Quảng Đức được thành lập với phạm vi hoạt động là trục đường khoảng 200km kéo dài từ phía Bắc tỉnh Quảng Đức vào đến tỉnh Phước Long. Ban có nhiệm vụ đảm bảo bí mật và an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao từ Trung ương vào Nam hoạt động; đưa đón cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào Nam chiến đấu; đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa, công văn, tài liệu, kể cả thiết bị của Đài Phát thanh giải phóng từ Bắc Tây Nguyên vào Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn tỉnh Đăk Nông được khai thông có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược, chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, nối liền Liên Khu V với miền Đông Nam Bộ, nối liền tiền phương miền Nam với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa; mở ra một vùng rộng lớn trở thành căn cứ địa kháng chiến đồng thời mở ra cho phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở đây một trang sử mới.
Đã 55 năm trôi qua, bài học về nghệ thuật quân sự trong chỉ đạo xây dựng, thiết lập tuyến đường huyết mạch Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ quốc phòng- an ninh, hội nhập quốc tế hiện nay.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin