Hòa Bình hôm nay

02:10, 17/10/2015

Không ngờ Hòa Bình bây giờ lại có hệ thống giao thông tốt như vậy. Cánh đồng Hòa Bình ngày xưa bom cày đạn xới, ngày nay lúa xanh mượt như nhung trải rộng đến cuối chân trời.

Không ngờ Hòa Bình bây giờ lại có hệ thống giao thông tốt như vậy. Cánh đồng Hòa Bình ngày xưa bom cày đạn xới, ngày nay lúa xanh mượt như nhung trải rộng đến cuối chân trời. Ngày xưa, khi đi từ đầu vàm đến cuối sông, xa xa mới gặp 1- 2 căn nhà ngói xưa, Còn nay, nhà tường, nhà xây cất bằng vật liệu kiên cố chiếm đến 70- 80%.

Lớp học vi tính Trường THPT Hòa Bình- Trà Ôn.Ảnh: THANH BÌNH
Lớp học vi tính Trường THPT Hòa Bình- Trà Ôn.Ảnh: THANH BÌNH

Trong những ngày cuối tháng 3/2015, khi tiếp xúc với anh Nguyễn Việt Quang- người ở ấp Tường Thạnh, Hòa Bình- nói chuyện về giao thông và làm ăn bây giờ, anh cho rằng: “Ngày xưa, đi từ Hòa Bình ra Tam Bình hoặc Trà Ôn mất nhiều thời gian. Bây giờ đường sá liên thông, nông thôn nơi đâu cũng có đường nhựa, đường bê tông… Từ Trà Ôn đến Hòa Bình chỉ mất 40 phút, từ Tam Bình đi đến Hòa Bình chỉ mất gần 20 phút. Nói như thế để thấy rằng, trước những đổi thay này, người dân có sống trong chiến tranh, sống trong gian khổ cách trở đò giang mới thấy rằng nó kỳ diệu như một giấc mơ”.

Thật vậy, sau 40 năm, tôi qua bến đò Đức Mẹ ở Tam Bình, chạy xe máy về đến xã Hòa Bình chỉ mất gần 20 phút. Không ngờ Hòa Bình bây giờ lại có hệ thống giao thông tốt như vậy. Cánh đồng Hòa Bình ngày xưa bom cày đạn xới, ngày nay lúa xanh mượt như nhung trải rộng đến cuối chân trời.

Ngày xưa, khi đi ngã Lý Nho hoặc vô ngã sông Sa Rài, từ đầu vàm đến cuối sông, xa xa mới gặp 1- 2 căn nhà ngói xưa, gọi là nhà giàu xưa… Còn hôm nay, nhà tường, nhà xây cất bằng vật liệu kiên cố chiếm đến 70- 80%.

Ông Nguyễn Việt Quang- một nhân chứng đã sống qua thời chiến tranh và hòa bình hôm nay- cho biết: “Ngày nay, Hòa Bình có hệ thống trường từ mẫu giáo đến cấp 3. Con em nhân dân bây giờ được hưởng cuộc sống thanh bình, được học hành và tương lai tươi sáng hơn gấp nhiều lần thời chiến”. Ông Nguyễn Việt Quang còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác số 1.

Ông cho rằng: “Ngày nay, hệ thống thủy lợi kết hợp giao thông đã khép kín toàn xã. Việc này làm cho nông dân sản xuất lúa theo hình thức liên kết sản xuất có nhiều thuận lợi, là cơ sở để hình thành cánh đồng mẫu lớn trong tương lai. Vấn đề khó hiện nay là giá nông sản còn bấp bênh, nông dân đa số là trồng lúa nên khi lúa khó bán, giá thấp, đời sống nhân dân gặp khó. Nhà nước phải làm tốt vấn đề đầu ra cho hạt lúa thì nông dân Hòa Bình mới phấn khởi”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Lý Bá Thúc cho biết: “Xã hiện nay có nhiều mô hình kinh tế hợp tác, làm ăn có hiệu quả. Cụ thể xã có 11 tổ hợp tác, trong đó bao gồm tổ hợp tác sản xuất lúa, chăn nuôi, hợp tác đan lục bình,... Tuy quy mô các tổ hợp tác này còn nhỏ nhưng cũng góp phần định hướng làm ăn và giải quyết việc làm cho người
lao động…”.

Nói về những đổi thay và chuyện làm được thì dễ, nhưng có một cái khó và trăn trở mà ông Huỳnh Văn Cười- một cựu binh năm xưa gắn bó với đất Hòa Bình- còn băn khoăn và cho rằng Đảng và Nhà nước còn nợ dân Hòa Bình- nhất là lớp người đã kinh qua chiến tranh và gắn bó với cách mạng.

Ông nói: “Bia chiến thắng Mương Khai, Hiệp Hòa đã có rồi nhưng còn đơn sơ lắm, đây là chiến thắng lẫy lừng của Vĩnh Long trong những năm 1967- 1968; Bia kỷ niệm nơi thành lập Đảng ở Nhơn Bình- Hòa Bình (Chi bộ Ba Chùa) hiện vẫn chưa được xây dựng để tưởng nhớ nơi khởi nguồn cho phong trào cách mạnh ở Vĩnh Long từ năm 1930.

Khu căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long- Trà Vinh trong những năm kháng chiến chống Mỹ ở Bưng Sẩm đến nay cũng chưa xây dựng bia kỷ niệm hoặc địa danh để ghi nhớ… Tỉnh phải sớm làm những công trình này để trả nợ ân tình cho dân, vì cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Hòa Bình đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp cách mạng”.

Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình Lưu Nhất Linh về những điều tâm đắc của anh sau 40 năm giải phóng, anh cho rằng: “Điều tâm đắc của Đảng bộ và chính quyền xã Hòa Bình sau 40 năm giải phóng là đã khai hoang, phục hóa đất Hòa Bình, làm cho toàn xã trở thành cánh đồng lớn với năng suất cao, góp phần vào sự no ấm, phồn thịnh của địa phương.

Bà con nông dân Hòa Bình tăng thu nhập và nhiều hộ đời sống khá giàu. Về nhà “3 cứng” theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (nền cứng, cột cứng, mái cứng), toàn xã có 80% hộ dân có nhà cứng an cư. Về nông thôn mới, trong 19 tiêu chí để đạt xã nông thôn mới, xã đã xây dựng đạt 13 tiêu chí (thời điểm tôi trở lại Hòa Bình), còn 6 tiêu chí sẽ hoàn tất trong năm nay là: giao thông, điện, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, môi trường, hệ thống chính trị.

Cái yếu của Hòa Bình hiện nay là vốn để đầu tư xây dựng, chưa đa dạng hóa sản xuất hàng hóa nông sản để nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân. Về lâu dài, Hòa Bình phải tìm hướng khắc phục và vươn lên về kinh tế, xã hội để không phụ niềm tin của nhân dân. Điều tâm đắc nhất của Đảng và chính người dân Hòa Bình sau 40 năm là nâng cao mức sống nhân dân; đảm bảo cho nhân dân ấm no hạnh phúc, để mọi người chiêm nghiệm và hiểu đúng câu: “Nhà cao, cửa rộng nhờ ơn Đảng. Áo ấm cơm no, nhớ Bác Hồ”.

VĂN KIM KHANH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh