Giảm người nghiện, kiềm chế lây nhiễm HIV

08:10, 23/10/2015

Vĩnh Long đang triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 90% số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị và 70% người nghiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng có việc làm. Nhưng để đạt được điều này vẫn còn nhiều nhiệm vụ khó khăn phải thực hiện.

Số người nghiện ma túy, nhất là ma túy tổng hợp có chiều hướng trẻ hóa. Trong ảnh: Một dụng cụ dùng để sử dụng “hàng đá” bị công an thu giữ.
Số người nghiện ma túy, nhất là ma túy tổng hợp có chiều hướng trẻ hóa. Trong ảnh: Một dụng cụ dùng để sử dụng “hàng đá” bị công an thu giữ.

Vĩnh Long đang triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 90% số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị và 70% người nghiện sau khi tái hòa nhập cộng đồng có việc làm. Nhưng để đạt được điều này vẫn còn nhiều nhiệm vụ khó khăn phải thực hiện.

Hiểm họa “hàng đá”

Đánh giá của BCĐ đề án cho thấy trong những năm qua, dưới sự lãnh- chỉ đạo quyết liệt của các ngành chức năng trong việc áp dụng các biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh, quản lý sau cai nghiện ma túy đã góp phần kéo giảm tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm lây nhiễm HIV.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm liên quan đến ma túy có nhiều tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Số người nghiện có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp.

Thực hiện Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi, bổ sung) và Pháp lệnh Xử lý hành chính, hàng năm số người nghiện ma túy của tỉnh Vĩnh Long được đưa vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2011 là 367 người, năm 2012 là 424 người, năm 2013 là 430 người.

Dự báo của ngành chức năng cho thấy, tình hình mua bán ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu trước đây phần lớn người sử dụng ma túy qua đường tiêm chích, thì nay số người sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng mạnh trong nhóm đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, số người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng vẫn còn thấp. Hiện toàn tỉnh có 1.078 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 88 người so năm 2014), trong đó có 275 người nghiện ma túy đá. Tỉnh cũng có 1 cơ sở cai nghiện ma túy tập trung đang quản lý và điều trị cho trên 200 người.

Thượng tá Phan Vĩnh Mặn- Phó Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- Công an tỉnh Vĩnh Long- cho biết: Tỷ lệ nghiện và tái nghiện vẫn còn cao một phần do ý thức chấp hành các quyết định cai nghiện thấp, nguy cơ tội phạm liên quan đến ma túy vì thế cũng tăng theo.

Tập trung điều trị cho người nghiện

Theo đề án đổi mới cai nghiện ma túy, trong giai đoạn 2015 sẽ tổ chức cai nghiện cho 50% người nghiện có hồ sơ quản lý, theo hướng tăng cường công tác cai nghiện tại cộng đồng, nâng cao hiệu quả cai nghiện tại trung tâm theo hướng thân thiện;

cung cấp đầy đủ các dịch vụ điều trị, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, học nghề và tạo việc làm. 60% người nghiện sau khi cai sẽ tham gia vào các CLB sau cai, nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực để được tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ các hình thức tâm lý, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm.

Mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 90% người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị và giảm điều trị bắt buộc xuống 6%, tăng tỷ lệ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng có việc làm lên 70%.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng.

Đồng thời hoàn thiện các cơ sở điều trị thay thế cơ sở điều trị nghiện tự nguyện nhằm cung cấp các dịch vụ toàn diện cho người nghiện. Các điểm tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng sẽ được triển khai nhằm giúp người nghiện lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Theo đó, căn cứ vào số người nghiện ma túy, chủ tịch UBND cấp xã sẽ đề xuất với chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập điểm tư vấn phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

 

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 1 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đặt tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế. Khai trương từ ngày 14/7/2015, đến nay cơ sở đang điều trị khởi liều cho trên 120 người nghiện. Việc hình thành các cơ sở như thế này đã đóng góp quan trọng vào quá trình cai nghiện, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Điều trị bằng Methadone giúp người nghiện sẽ hạn chế sử dụng ma túy, cải thiện dần sức khỏe, không vi phạm pháp luật để có tiền thỏa mãn cơn nghiện,…

 

 

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh