Ngày 23/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long họp đoàn để thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chúng tôi xin ghi nhận một số ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long xoay quanh vấn đề này.
Ngày 23/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long họp đoàn để thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chúng tôi xin ghi nhận một số ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long xoay quanh vấn đề này.
* Đại biểu Nguyễn Thanh Bình: Đánh giá sâu việc cải cách hành chính và vấn đề tinh giảm biên chế
Theo tôi, trong văn kiện của Đảng cần đánh giá sâu việc cải cách hành chính và vấn đề tinh giảm biên chế, về những mặt được và chưa được vì theo đánh giá của Trung ương, bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, kém hiệu quả.
Về mục tiêu phát triển đất nước 5 năm, cần xác định vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo… Theo tôi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng góp phần hoàn thành các tiêu chí thu nhập, giảm nghèo bền vững. Chẳng hạn như một xã thuần nông mà có 1- 2 doanh nghiệp vô đầu tư có thể giải quyết vài ngàn lao động địa phương vừa giúp tăng thu nhập cho người dân. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ một cách cụ thể để giúp các doanh nghiệp này hoạt động tốt.
* Đại biểu Lưu Thành Công: Cần hình thành các trung tâm du lịch nông sản
Tôi đề nghị trong định hướng 5 năm tới, phải có giải pháp hình thành các trung tâm du lịch nông sản, hình thành vùng nguyên liệu lớn, chủ lực của địa phương trên quy hoạch kinh tế vùng miền. Làm sao chúng ta bao tiêu được sản phẩm cho nông dân, Chính phủ phải chịu trách nhiệm tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế để người nông dân không tự bơi trong nền kinh tế thị trường. Muốn làm tốt vấn đề này, Nhà nước phải đầu tư nhà máy sơ, chế biến từng bước chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phân bổ sản phẩm bình quân…Trong quá trình hình thành trung tâm du lịch nông sản phải thực hiện kích cầu bằng cách đưa người tiêu dùng đến với chuỗi giá trị bằng con đường mới- lồng ghép vào du lịch.
Ngoài ra, trong quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp, phải có cơ chế, chính sách cụ thể trong thực hiện liên kết 4 nhà, rồi thực hiện quy hoạch, tạo vốn cho sản phẩm của nông nghiệp để liên kết sản xuất. Chúng ta phải xem lại mối quan hệ của 4 nhà, trong đó Nhà nước phải chủ động giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản, giao nhiệm vụ cho nhà khoa học ứng dụng các tiến bộ khoa học, cải tiến sản xuất đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.
* Đại biểu Nguyễn Văn Thanh: Phải có chiến lược, khai thác tiềm năng, khả năng của ĐBSCL
Trong phát triển kinh tế vùng miền, tôi đề nghị nên có chiến lược, khai thác tiềm năng, khả năng của ĐBSCL, vì đây là vùng sản xuất nguyên liệu lớn của cả nước. Hiện nay, đối chiếu lại thì dân trí, hạ tầng của khu vực này khá thấp, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, ĐBSCL cũng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai và dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Một vấn đề nữa là hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm trên 97% nhưng quy mô lại nhỏ, nguồn vốn ít, trình độ công nghệ còn thấp kém và năng lực quản lý cũng thấp. Từ đó, không đủ sức cạnh tranh cũng không đủ sức làm đầu tàu liên kết giữa người sản xuất trong nông nghiệp và thị trường cũng như hỗ trợ tổ chức sản xuất khu vực nông thôn. Tôi đề nghị trong giải pháp 5 năm tới phải cải thiện về hệ thống chính sách, bởi các mục tiêu chung thì có nhưng tính đồng bộ của các văn bản pháp luật còn xung đột, đây là lực cản rất lớn để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là ứng dụng và phát triển công nghệ để tạo sức cạnh tranh mới trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, văn kiện nên có giải pháp xây dựng chuẩn mực văn hóa cho cán bộ công chức các cấp, trong đó nhấn mạnh vị trí càng cao thì nhân cách, đạo đức, trí tuệ cũng như năng lực sáng tạo về thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân phải cao hơn. Văn kiện cũng quy định tăng cường việc giám sát, kiểm tra việc thực thi chuẩn mực về văn hóa của cán bộ công chức các cấp.
* Đại biểu Phạm Tất Thắng: Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước
Trong 5 năm tới, cần quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương. Song song đó, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực. Xác định đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục đào tạo phải bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới mục tiêu đào tạo, hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo, nội dung phương pháp dạy và học…
Để đổi mới các nội dung trên thì phải quán triệt đầy đủ và thực hiện bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể quan điểm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Ngoài ra, cần triển khai quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2020 và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh thành và bộ ngành. Song song đó, cần hoàn thiện quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước, các trường cao đẳng mới phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật giáo dục đại học và các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, chấn chỉnh các quy định của việc đào tạo tại chức, đào tạo liên kết với nước ngoài để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Ngoài ra, bổ sung dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực đối với từng ngành nghề và lấy đó làm căn cứ cho việc đào tạo, đảm bảo phù hợp giữa cung và cầu. Cơ cấu nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục, cơ cấu lại các đơn vị, cơ sở đào tạo, chủ động tích cực, giáo dục và tuyên truyền kịp thời cho học sinh và gia đình chủ động lựa chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp. Trong đào tạo, chú ý phát triển năng lực, tư duy độc lập cho người học, có biện pháp để phát huy yếu tố giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.
THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin