Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn có đông đủ các đồng chí trong BCH Đảng bộ, các cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành tỉnh tham dự.
Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn có đông đủ các đồng chí trong BCH Đảng bộ, các cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành tỉnh tham dự. Suốt 5 năm qua, lúc nào các hội nghị của BCH Đảng bộ tỉnh cũng có đề cập đến nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đường vào xã Song Phú năm 2010 và cuối năm 2014. |
Quyết tâm của Đảng bộ
Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX đã đề ra chỉ tiêu xây dựng NTM đến năm 2015 có 21 xã nông thôn mới (20%), các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Theo đó, tỉnh đã chọn 22/89 xã nông thôn làm xã điểm và chỉ đạo cấp ủy huyện- thị đưa vào chỉ tiêu nghị quyết cấp mình. Trong đó, TX Bình Minh 2 xã; huyện Tam Bình và Vũng Liêm, mỗi huyện 4 xã; Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn và Bình Tân, mỗi huyện 3 xã. Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua “Vĩnh Long chung sức xây dựng NTM”; UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ địa phương xây dựng NTM; các huyện- thị cũng phát động phong trào thi đua “… chung sức xây dựng NTM” và tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các xã điểm, xã diện.
Qua 3 năm thực hiện chương trình, đến cuối năm 2013, xã Long Mỹ (Mang Thít) vinh dự là xã đầu tiên về đích, được UBND tỉnh Vĩnh Long trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM.
Với sự tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình này, năm 2014, Vĩnh Long tiếp tục nỗ lực thực hiện và đã có thêm 9 xã được trao bằng công nhận (trong đó có 2 xã điểm do tỉnh chỉ đạo là Trung Hiếu (Vũng Liêm) và Thành Đông (Bình Tân). Qua 6 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh tiếp tục quyết định công nhận thêm xã Tân Bình (Bình Tân) và xã Tân Long (Mang Thít) đạt chuẩn NTM.
Các xã điểm còn lại đều có sự tập trung cao độ để đạt vào cuối năm 2015, bảo đảm hoàn thành lộ trình xây dựng NTM theo chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra.
Với những thành tựu quan trọng này, ông Hồ Xuân Hùng- cố vấn BCĐ Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đánh giá: Vĩnh Long là một trong những tỉnh được sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo quyết liệt của BCH Đảng bộ các cấp.
Điển hình như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đảm nhận vai trò Trưởng BCĐ tỉnh; tương tự, bí thư cấp huyện là trưởng BCĐ cấp mình; từng thành viên trong BCH Đảng bộ tỉnh và cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành cũng như doanh nghiệp trực tiếp “đỡ đầu” hỗ trợ một xã xây dựng NTM. Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp, nguồn thu ngân sách thấp nhưng đã huy động tốt các nguồn lực, đầu tư thỏa đáng cho chương trình, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Được ủng hộ của toàn dân
Đánh giá của BCĐ Trung ương, thành công của Vĩnh Long còn ở chỗ các cơ quan tuyên truyền nòng cốt của tỉnh đã làm nhuần nhuyễn hơn các nội dung, chính sách về hỗ trợ địa phương xây dựng NTM, khắc phục được tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước; cán bộ cấp cơ sở cũng thấy trách nhiệm của mình với dân rõ ràng hơn.
Với nhận thức xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thời gian qua, Đảng bộ các cấp trong tỉnh Vĩnh Long đã tập trung chỉ đạo chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM đã cùng địa phương đóng góp công sức và tiền của để làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn.
Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi, làm nhà văn hóa cũng như nhiều công trình khác được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đường mở tới đâu, người dân tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc và hiến đất làm đường tới đó.
Có những người dân ở xã Trung Hiếu (Vũng Liêm) hiến đất và các hoa lợi khác trị giá trên 300 triệu đồng. Xã Hựu Thành (Trà Ôn) huy động gần 94 tỷ đồng cùng khoảng 5.000m2 đất của người dân vào các công trình hạ tầng nông thôn của xã...
Cùng với sự đầu tư tập trung của Nhà nước, giao thông nông thôn Vĩnh Long tiếp tục được coi là một trong những điểm sáng ấn tượng trong 5 năm qua mà các ngành, địa phương nỗ lực vận động sức dân. Kết quả, đã có trên 100 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn, nhất là đường liên ấp, liên xóm do nhân dân đóng góp.
Ngoài 100% xã có đường ôtô về đến trung tâm, hiện đã có 80% ấp có đường ôtô đi qua, số ấp còn lại và hầu hết đường liên xóm đến các khu dân cư đảm bảo đường đan hoặc nhựa thông suốt, phục vụ sản xuất và dân sinh thuận lợi, dễ dàng.
Nhờ vậy, qua gần 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Vĩnh Long đã thật sự đổi mới vượt bậc. Các xã điểm và nhiều xã nông thôn đã phát triển hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe và nâng chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn đến gần hơn với thị thành.
Cảm nhận chung của người dân, như các ông Trần Văn Giảng ở xã Thành Đông, Nguyễn Văn Bình ở Trung Hiếu, Phạm Thành Tín ở Mỹ Lộc, Thân Văn Tặng ở Đông Thạnh, Trần Văn Đức ở Hiếu Phụng, Nguyễn Văn Bé ở Hựu Thành, ông Phan Văn Liêm ở xã Song Phú,… là chưa bao giờ được thấy quê hương mình đổi mới và phát triển như hôm nay, sẽ ra sức vận động mọi người dân tiếp tục góp sức để quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”.
Qua 5 năm thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015, tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM đạt trên 3.790 tỷ đồng. Trung bình mỗi xã đạt gần 13 tiêu chí; đã có 12 xã được công nhận NTM, 12 xã nỗ lực đạt chuẩn NTM trong năm 2015. Hiện tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt 99,5%, nước sạch đạt gần 60%. 89 xã NTM đều có trạm y tế đạt chuẩn, có bác sĩ phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2014 đạt 24,87 triệu đồng/ người, tăng 1,83 lần so với năm 2010. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin