Phải khẳng định rõ rằng Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia khác, để giữ gìn kỷ cương, sự nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo sự ổn định phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép ai lợi dụng những quyền này để tuyên truyền kích động
Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều tự do hoạt động đạo sự theo quy định của pháp luật Nhà nước Việt Nam. Trong ảnh: Đoàn cán bộ Công an Vĩnh Long đến thăm, chúc tết, tặng quà Ban Trị sự Hưng An tự. Ảnh: Lê Văn Hưu |
Khoảng 8 giờ ngày 29/9/2015, phát hiện tại nhà ông Nguyễn Kim Lân (số 191/8A, Tổ 28, đường Lò Rèn, Khóm 1, Phường 4- TP Vĩnh Long) đang tụ tập một số người lạ, có dấu hiệu hoạt động phức tạp nên một số quần chúng đã đến nhà ông Lân yêu cầu những người này rời khỏi địa bàn, không tụ tập gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tiêu chí “Phường Văn hóa” của nhân dân.
Tuy nhiên, những người này đã không hợp tác, lớn tiếng la lối, cương quyết chống đối, thách thức người dân.
Quần chúng tố giác
Bức xúc trước thái độ của số người này, người dân trong khóm đã báo và gửi đơn tới Công an Phường 4 phản ánh sự việc tại nhà ông Nguyễn Kim Lân và đề nghị Công an phường giải quyết.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo và đơn, Công an Phường 4 đã cử cán bộ đến nhà ông Nguyễn Kim Lân, yêu cầu được kiểm tra giấy tờ những người có liên quan đang tụ tập tại đây nhưng ông Lân và số người này không chấp hành.
Trước tình hình trên, Công an Phường 4 đã mời tất cả đương sự đang tụ tập tại nhà ông Lân về trụ sở Công an Phường 4 để làm rõ vụ việc theo đơn phản ánh của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, các đương sự vẫn bất chấp và tiếp tục chống đối nên lực lượng Công an Phường 4 đã tiến hành lập biên bản vụ việc và cương quyết mời tất cả các đương sự về trụ sở Công an phường.
Các nhân vật này là ai?
Quá trình làm việc, lực lượng công an xác định trong số 12 người tụ tập tại nhà ông Lân có các nhân vật phức tạp đáng chú ý sau:
- Lê Văn Sóc (SN 1953, ngụ ấp Đông Thạnh A, xã Đông Thạnh, TX Bình Minh) là đối tượng lợi dụng Phật giáo Hòa Hảo chống đối Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo vốn được Nhà nước công nhận. Năm 2006, Lê Văn Sóc từng bị Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên án 6 năm 6 tháng tù giam về tội gây gối trật tự công cộng.
- Hứa Phi (SN1948, ngụ tỉnh Lâm Đồng) là tín đồ đạo Cao Đài Tây Ninh. Do đương sự có những hoạt động trái với đường hướng đạo Cao Đài Tây Ninh nên năm 2010 Hứa Phi đã bị Hội thánh Cao Đài Tây Ninh khai trừ ra khỏi đạo. Từ đó, Hứa Phi đã lập ra tổ chức tôn giáo trái phép với tên gọi là “Khốn Nhơn Sanh Cao Đài” và tự phong mình là Chủ tịch.
- Nguyễn Văn Vĩnh (SN 1975, ngụ số 54/26, Phạm Hùng, Phường 2, TP Vĩnh Long) là người có hoạt động lợi dụng tôn giáo Cao Đài Tây Ninh, từng đi tập huấn tại Thái Lan do tổ chức “Phóng viên không biên giới (RSF)” của Pháp chọn. Bản chất của tổ chức “Phóng viên không biên giới” là một tổ chức nhận tiền tài trợ từ các tổ chức chống cộng ở Mỹ và có các hoạt động nhằm lật đổ các nhà nước cộng sản như: Cổ xúy tự do báo chí, tự do ngôn luận kiểu phương Tây, tuyên truyền bóp méo sự thật, xuyên tạc tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.
- Phan Ngọc Ấn (SN 1943, cư ngụ tại Quận 2, TP Hồ Chí Minh) là tu sĩ Phật giáo tự xưng là “Hòa thượng” Thích Không Tánh- Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện xã hội của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”- một tổ chức không được Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thừa nhận.
Cuộc đời và sự nghiệp “tu hành” của Thích Không Tánh cho thấy hoạt động đạo thì ít mà “thành tích” chống phá chế độ thì nhiều. Năm 1976, Thích Không Tánh bị kết án 10 năm tù giam vì viết đơn phản đối Đảng, Nhà nước không được ép buộc tu sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 1987, Thích Không Tánh chấp hành xong hình phạt tù.
Đến năm 1992, Thích Không Tánh tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, tham gia các hoạt động khôi phục “Giáo hội Việt Nam thống nhất” cùng với vị cố Tăng thống Hòa thượng Thích Huyền Quang và bị kết án 5 năm tù giam, 5 năm quản chế tại địa phương sau khi ra tù. Tháng 10/1993, Thích Không Tánh được trả tự do và về sinh hoạt tại chùa Liên Trì (Quận 2- TP Hồ Chí Minh).
Tháng 11/1994, Công an TP Hồ Chí Minh ra lệnh bắt giam Thích Không Tánh khi y lợi dụng việc cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở ĐBSCL để cùng với đối tượng phản động Thích Quảng Độ tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương.
Trước những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật đó, ngày 14/8/1995, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án Thích Không Tánh 5 năm tù giam với tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”.
Từ sau khi mãn hạn tù đến nay, Thích Không Tánh lại tiếp tục tham gia vào các hoạt động chống đối chính quyền. Dưới các chiêu bài: tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, Thích Không Tánh đã tập hợp lực lượng đông đảo các đối tượng bất mãn chống đối để tiến hành các hoạt động gây phức tạp về an ninh trật tự.
- Nguyễn Kim Lân (SN 1950, quê quán xã Trung Hiệp- Vũng Liêm, hiện trú tại số 191/8A đường Lò Rèn, Phường 4, TP Vĩnh Long). Trước 30/4/1975, Lân là lính chế độ Sài Gòn, cấp bậc thiếu úy và Nguyễn Bạch Phụng (SN 1958, quê quán xã Chánh Hội- Mang Thít), hiện trú cùng nhà với đối tượng Nguyễn Kim Lân- nguyên là giáo viên Trường Cấp 2 Cái Nhum (Mang Thít).
Ông Lân, bà Phụng không phải là vợ chồng nhưng ở chung nhà với nhau và đều là các đối tượng lợi dụng đạo Cao Đài để hoạt động trái pháp luật. Thời gian qua, 2 người này có các hoạt động như: chống đối Hội thánh Cao Đài Tây Ninh vốn được Nhà nước công nhận, muốn phục quyền “Hội thánh” như trước năm 1975; yêu cầu tôn giáo hoạt động độc lập không phụ thuộc vào sự quản lý của Nhà nước, đồng thời vận động tín đồ, các đối tượng cực đoan trong Cao Đài Tây Ninh tụ tập sinh hoạt tôn giáo trái phép thường xuyên tại nhà riêng.
Đáng chú ý, họ còn soạn thảo tài liệu, tán phát trên mạng Internet, ký tên tập thể vu cáo chính quyền tỉnh Vĩnh Long và trả lời phỏng vấn Đài Châu Á Tự Do với nội dung xuyên tạc tình hình đạo Cao Đài, đả kích số chức sắc lãnh đạo Hội thánh, cho rằng Nhà nước không dân chủ, không tôn trọng nhân quyền, đàn áp tôn giáo, bảo thủ chơn truyền… kêu gọi Liên Hợp Quốc, Mỹ vào can thiệp…
Bản chất “Hội đồng liên tôn”: phản đạo
Năm 2014, nhóm đối tượng trên liên kết với một số đối tượng cực đoan chống đối chính quyền, lợi dụng các tôn giáo ở một số tỉnh- thành phố thành lập tổ chức tôn giáo với tên gọi là “Hội đồng liên tôn” nhằm âm mưu liên kết tạo sức mạnh, thống nhất tiếng nói chung các tôn giáo ở Việt Nam để đối trọng với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu quốc tế can thiệp, ủng hộ hoạt động của chúng.
Trong đó, chúng phân công nhau: Hứa Phi, Thích Không Tánh là Chủ tịch và đồng Chủ tịch “Hội đồng liên tôn”, Kim Lân (tự xưng đại diện cho Cao Đài Tây Ninh) và Lê Văn Sóc (tự xưng đại diện cho Phật giáo Hòa Hảo Vĩnh Long) và một số đối tượng khác là thành viên.
Vậy, bản chất cái gọi là “Hội đồng liên tôn” là gì? “Hội đồng liên tôn” là một tổ chức được lập ra trái phép với hàm ý là tổ chức đại diện cho tất cả các tôn giáo ở Việt Nam, do những cá nhân có hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước, lập ra để lấy uy hay nói cách khác là để khuếch trương lực lượng của chúng, thu hút sự quan tâm của các thế lực thù địch, phản động chống Nhà nước Việt Nam, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Nó không đại diện cho bất kỳ một tôn giáo chính thức nào đã được Nhà nước ta công nhận cũng như nó không được công nhận bởi các chức sắc lãnh đạo và các tổ chức tôn giáo đang hoạt động hiện nay.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đón tiếp các chức sắc tôn giáo đến chúc mừng kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Công an nhân dân Việt Nam. Ảnh: Ái Bình |
Lực lượng công an đã làm việc với tất cả các đối tượng trên, lưu ý và cảnh cáo họ về các hoạt động tụ tập gây mất an ninh trật tự tại địa phương đã gây nên sự phản ứng bức xúc của quần chúng nhân dân trên địa bàn, yêu cầu các đối tượng rời khỏi địa bàn.
Điều đáng nói là khi cơ quan công an cho các đối tượng ký bản cam kết từ đây về sau không có bất cứ hoạt động gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long thì các đối tượng không ký. Điều này khiến quần chúng càng bức xúc: Nếu là công dân tốt, tín đồ thật tâm tu hành thì vì sao không dám ký cam kết- một thủ tục hành chính bình thường?
Qua vụ việc trên cho thấy, tinh thần cảnh giác cách mạng và tham gia tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của nhân dân Tổ 28, đường Lò Rèn, Khóm 1 (Phường 4- TP Vĩnh Long) thật đáng biểu dương.
Phải khẳng định rõ rằng Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia khác, để giữ gìn kỷ cương, sự nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo sự ổn định phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép ai lợi dụng những quyền này để tuyên truyền kích động, lật đổ chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cương quyết đấu tranh chống các hoạt động lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo để hoạt động đi ngược lại đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Do đó, mong rằng mọi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng như người dân Tổ 28, đường Lò Rèn, Khóm 1, kịp thời phát hiện, báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn những đối tượng lợi dụng tự do, tín ngưỡng tôn giáo gây phức tạp về an ninh trật tự.
T.B
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin