Cần có quyết sách lớn để lo cho "trụ đỡ" của nền kinh tế

05:10, 24/10/2015

Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất những ý kiến quan trọng cho phương hướng tới của cả nước.

Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất những ý kiến quan trọng cho phương hướng tới của cả nước.

Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Quốc hội, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh

Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Quốc hội

Đối với kinh tế, những yếu kém của chúng ta vẫn còn nhiều, đó là sức cạnh tranh nền kinh tế còn yếu, trong đó nền kinh tế trong nước còn yếu.

Do đó, cần có chính sách để nâng cao năng suất lao động trong nước. Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của đất nước, chúng ta đưa ra chỉ tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại thì công nghiệp phụ trợ phải được giải quyết tốt để hạn chế nhập siêu.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo. Tuy nhiên, nước ta là 1 trong 2 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu. Nếu biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì chúng ta mất lớn lắm và thành tựu giảm nghèo cũng không còn.

Nông dân của chúng ta hiện nay còn yếu thế, những cánh đồng ngập, mặn thì rất đáng lo, trụ đỡ của nền kinh tế, nguồn lực của nước ta sẽ bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng chúng ta phải tính toán và có giải pháp giải quyết tốt vấn đề này.

Tới đây, Quốc hội phân bổ kinh phí chỉ xếp vào 3 khoản: đầu tư công, chi tiêu thường xuyên và chương trình mục tiêu quốc gia với 2 mục tiêu là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đối với xây dựng nông thôn mới, được thực hiện trên phạm vi cả nước và mục tiêu không thay đổi, phấn đấu đến năm 2015 đạt 20% số xã, 2020 đạt 50% số xã. Chương trình này đã trở thành phong trào cách mạng, được nhân dân ủng hộ, huy động nhiều nguồn lực và người thụ hưởng trực tiếp là nhân dân.

Tới đây, khi phân bổ nguồn lực theo hướng, các tỉnh có điều tiết về Trung ương thì thôi, các tỉnh Trung ương bổ sung kinh phí ít thì hỗ trợ ít, bổ sung kinh phí nhiều (nghèo) thì hỗ trợ cao. Và việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện các chương trình đều giao hết cho địa phương, Trung ương không được giữ tiền mà có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tỉnh thành có trách nhiệm phân bổ, địa phương nào nghèo nhất lo trước, không chia bình quân mỗi xã vài tỷ đồng.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững thì thực hiện theo hướng đa chiều bền vững, đời sống người dân được nâng lên về giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng… Chương trình sẽ tập trung vào vùng khó khăn nhất, đó là 94 huyện nghèo và 3.100 xã 13. Nguồn vốn để thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo là tổng hợp của 16 chương trình mục tiêu quốc gia trước đây cộng lại là tối thiểu và có thể hơn.

Bùi Quang Vinh- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư, đại biểu tỉnh Lai Châu

Bùi Quang Vinh- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư
Bùi Quang Vinh- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư

Một trong những thành tựu của thời gian qua là chúng ta thực hiện tốt tái cấu trúc đầu tư công, ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải. Tiếp theo đó, Luật Đầu tư công được thông qua năm 2014 là bước tiến quan trọng đã thay đổi ý thức của các bộ ngành và địa phương.

Bộ đã làm một báo cáo đầu tư công trung hạn sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 3/2016, nếu thực hiện đúng lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy toàn diện tiềm năng đầu tư đến năm 2020 là bao nhiêu. Bởi lẽ, ưu tiên đầu tiên là để trả 100% nợ, mỗi địa phương được quyền xây dựng kế hoạch này, nhưng trong 5 năm phải nhất quyết trả nợ hết, qua đó sẽ làm lành mạnh nền kinh tế rất nhiều.

Đặc biệt các doanh nghiệp tránh tình trạng đổ nợ, phá sản bởi vì đã bàn giao công trình mà mấy năm không được thanh toán. Thứ hai là phải hoàn ứng và trả ứng ở tất cả các bộ ngành và địa phương (trừ bộ giao thông có thể cho hoàn ứng 50%), ODA cân đối đủ, công trình chuyển tiếp bố trí xong hết, cuối cùng mới được bố trí đầu tư mới.

Nếu thực hiện đúng theo lộ trình đầu tư công thì đến năm 2021 chúng ta không còn nợ đọng xây dựng cơ bản của Trung ương. Bởi vì luật quy định, từ nay bất kỳ công trình nào xây dựng đều phải bố trí đủ vốn mới làm. Còn đối với phân bổ cho địa phương, Trung ương bố trí đủ 100% vốn chứ không phải bố trí trước 70%, nếu cứ làm như thế các địa phương cứ xin phần Trung ương cho trước, còn của mình bỏ lại không làm, rồi lại tiếp tục xin tiếp…

Tới đây, Quốc hội và Chính phủ cũng thống nhất hỗ trợ cho những công trình lớn, đối với công trình nhỏ thì cấp một lần. Ví dụ trong cân đối ngân sách năm 2016, có 255 ngàn tỷ thì các địa phương chiếm 52% số vốn (131.200 tỷ đồng) để các địa phương tự lo. Theo luật, việc phân cấp giao quyền cho các địa phương tự chọn danh mục công trình, Trung ương chỉ giám sát xem địa phương có làm đúng hay không, đây là một tư duy mới trong thực hiện đầu tư công.

Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế, tôi vẫn còn băn khoăn đó là DN tư nhân Việt Nam . Bởi vì một đất nước muốn tự chủ về kinh tế thì DN đất nước đó phải phát triển. Trình độ tiếp cận khoa học công nghệ của DN nước ta còn yếu, nhiều DN lớn nước ngoài muốn chuyển giao công nghệ- nhất là về công nghiệp hỗ trợ nhưng ta chưa có lực lượng để tiếp nhận.

Và theo đánh giá, một nền kinh tế mà chưa có lực lượng để tiếp nhận công nghệ thì không phải là một nền kinh tế mạnh và dễ bị phụ thuộc. Chúng ta cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ nhưng tôi đề nghị nên xúc tiến hình thành luật công nghiệp hỗ trợ DN vừa và nhỏ và trong nghị quyết của Quốc hội trong 5 năm tới phải xây dựng một mục tiêu hỗ trợ DN tư nhân phát triển.

Điều lo lắng thứ hai, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều sản phẩm đứng đầu thế giới nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp rất thấp, hay còn gọi là một nền nông nghiệp hết sức thô sơ.

Tôi cho rằng trong 5 năm tới, làm thế nào để vực dậy một nền nông nghiệp trụ đỡ của nên kinh tế là một điều đáng lo lắng. Quốc hội cũng nên xem xét, nghiên cứu có thể ra một nghị quyết để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển, có thể bắt đầu từ khâu giống, cho tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh lớn… chứ việc sản xuất nông hộ như trong thời gian qua không phát huy hiệu quả.

Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long, đại biểu tỉnh Vĩnh Long

Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long
Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long

Đối với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua được sự đồng thuận rất cao của người dân, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng và người thụ hưởng trực tiếp là người dân.

Tôi đề nghị Trung ương sớm rà lại cơ chế chính sách cho đồng bộ, nhất là những hướng dẫn dưới luật để hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ các chính sách về thuế, tín dụng… vì hiện nay phần lớn các DN của nước ta chủ yếu là DN vừa và nhỏ, trình độ công nghệ thấp, chất lượng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh.

Những vấn đề cần rà soát là những quy định dưới luật, tín dụng vì thời gian qua chúng ta nói tín dụng có mở ra nhưng việc các DN tiếp cận là rất khó. Đây là những khó khăn lớn nhất cản trở sự phát triển của DN.

Một vấn đề nữa tôi đề nghị thành lập ban quản lý khu vực sông Mekong, vì lĩnh vực này rất nhạy cảm liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 17,5 triệu dân. Là khu vực sản xuất lương thực trọng tâm của cả nước nhưng luôn luôn bị ngập, bị mặn, sạt lở, ô nhiễm, thiên tai… hiện nay mỗi tỉnh phải tự lo nhưng “tổng chỉ huy” của vùng thì lại chưa có. Về việc phân bổ dự toán ngân sách của năm 2016, cần phải xem xét lại các chương trình hỗ trợ có mục tiêu.

Tỉnh Vĩnh Long sau khi thực hiện Quyết định 60, sau 5 năm được hỗ trợ đứng thứ 59 cả nước, riêng năm 2016 được phân bổ 511 tỷ đồng lên hàng thứ 61, trong khi đó Bộ Chính trị làm việc với tỉnh và nhiều cơ quan Trung ương đánh giá Vĩnh Long là một tỉnh nghèo, thấp kém cần phải được đầu tư để vươn lên bằng các tỉnh trong khu vực.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, đem lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên hiệu quả của nó sẽ được nâng cao hơn nếu cách điều hành, phân cấp rõ ràng. Thời gian qua, khi thực hiện các chương trình này thì cơ chế điều hành không đồng bộ, trong khi mục tiêu của Trung ương xác định, còn chỉ tiêu lại là của địa phương, nó gần như riêng lẻ nên rất khó, các dự án, chương trình trùng với nhau, nguồn lực bị phân tán, cơ chế tài chính phân bổ rất chậm…

Tôi thống nhất gom lại chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia và đề nghị đổi mới cơ chế, theo đó Trung ương nên xác định mục tiêu, chỉ tiêu, quy mô đầu tư và nên phân cấp nguồn lực theo mục tiêu chương trình về cho địa phương để lồng ghép các nguồn lực khác của địa phương để thực hiện. Khi giao chỉ tiêu nên giao đồng bộ, kịp thời, cùng lúc với chỉ tiêu chung.

THANH TÂM 

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh