Ngày 2/10, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp với Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức diễn đàn "Nhận định xu thế thời tiết thủy văn Việt Nam mùa Đông Xuân năm 2015-2016."
Ngày 2/10, tại Hà Nội, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia phối hợp với Trung tâm phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức diễn đàn "Nhận định xu thế thời tiết thủy văn Việt Nam mùa Đông Xuân năm 2015-2016."
Ảnh hưởng của khô hạn và mặn xâm nhập khiến nhiều hécta lúa ở Trà Vinh bị chết. (Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN) |
Theo ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, kể từ đầu năm đến nay, nhiều kỷ lục đã được ghi nhận tại Việt Nam, điển hình là đợt mưa lớn lịch sử tại Quảng Ninh đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Cho đến thời điểm này, hạn hán ở miền Trung vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện; tình hình xâm nhập mặn tại Nam Bộ đã sớm có những diễn biến phức tạp gây khó khăn cho đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy, nhận định sớm diễn biến thời tiết thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm là một đòi hỏi chính đáng của cộng đồng đối với ngành khí tượng thủy văn.
Nhận định về tác động của EL Nino và biến đổi khí hậu với trạng thái khí quyển và thủy văn Việt Nam trong các tháng 10/2015 đến 2/2016, tiến sỹ Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng, Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng EL Nino tiếp tục duy trì và tăng cường trong các tháng tiếp theo (10/2015-2/2016) khả năng đạt đỉnh vào cuối năm 2015, đầu 2016, sau đó sẽ giảm cường độ.
EL Nino đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến điều kiện thời tiết, khí hậu Việt Nam trong giai đoạn tháng 10/2015 đến tháng 2/2016. Nhiệt độ có khả năng lớn hơn trung bình nhiều năm từ 0-2 độ C trong các tháng 10/2015-2/2016.
Trong các tháng 10/2015-2/2016, lượng mưa có khả năng từ thấp hơn đến gần bằng trung bình nhiều năm ở hầu hết các khu vực trên lãnh thổ Việt Nam trong các tháng. Nhiều khả năng, tình trạng khô hạn đến khô hạn nghiêm trọng sẽ xuất hiện ở nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam từ tháng 10/2015-2/2016 có khả năng ít hơn trung bình nhiều năm, các đợt lạnh ngắn hơn. Tuy nhiên, rét đậm rét hại ở mức khắc nghiệt cao vẫn có thể xuất hiện.
Số lượng cơn xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có khả năng thấp hơn đáng kể so với Trung bình nhiều năm, nhiều khả năng xuất hiện những cơn bão có quỹ đạo dị thường.
Nhận định về tình hình thời tiết từ nay đến tháng 4/2016, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng nền nhiệt độ trung bình trong các tháng cuối năm 2015 trên phạm vi các tỉnh miền Bắc có xu hướng cao hơn trung bình hàng năm từ 0,5 độ C đến 1 độ C.
Trong những tháng chính Đông (12/2015; 1,2/2016) tuy nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn có thể xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại tập trung trong các thời đoạn từ 4-7 ngày.
Từ nay đến tháng 12, bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có xu hướng ít hơn trung bình hàng năm khoảng 3-4 cơn. Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam khoảng 1-2 cơn và ít khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ.
Nhiệt độ trung bình tháng 10/2015 tại các khu vực trên cả nước phổ biến ở mức cao hơn xấp xỉ so với trung bình hàng năm, tổng lượng mưa tháng 10/2015 thì ở Bắc Bộ cao hơn so với trung bình nhiều năm, Trung Bộ và Nam Bộ phổ biến ở mức thấp hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm.
Mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trong mùa Đông Xuân ở Bắc Bộ, cảnh báo khô hạn gay gắt trong thời gian tháng 3-4/2016 ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Quang cũng đưa ra cảnh báo về tình hình xâm nhập mặn nghiêm trọng Nam Bộ sẽ diễn ra trong nửa cuối vụ Đông Xuân, Trung Bộ cần đề phòng mưa thời đoạn ngắn, gây lũ trong tháng 10-11/2015. Khả năng thiếu hụt mưa ngay trong chính mùa mưa bão ở Trung Bộ.
Về tình hình thủy văn từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2016, thạc sỹ Phùng Tiến Dũng, Phó Trưởng Phòng dự báo dự báo thủy văn Bắc Bộ, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết trên các sông Hồng, Thái Bình, Hoàng Long sẽ xuất hiện từ 1-2 đợt lũ trong tháng Mười, đỉnh lũ ở mức báo động 1.
Từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016, dòng chảy các sông suối sẽ suy giảm và nhỏ hơn trung bình nhiều năm từ 4-40%, thiếu hụt nhiều nhất trên sông Thao. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,4-0,5m vào tháng 2-3/2016.
Khu vực Bắc Bộ xảy ra thiếu nước cục bộ, vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ sẽ nghiêm trọng hơn ở vùng đồng bằng. Tình trạng khó khăn trong cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2015-2016 vẫn căng thẳng nhưng không gay gắt như các năm 2010-2011.
Mùa lũ năm 2015 trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên muộn hơn quy luật hàng năm. Đỉnh lũ năm 2015 trên các sông ở Bắc Trung Bộ ở mức báo động 1 và trên báo động 1, thấp hơn trung bình hàng năm; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 đến báo động 3, một số sông trên mức báo động 3 và ở mức xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Cần đề phòng lũ lớn có thể xảy ra trên một số sông nhỏ.
Đối với khu vực Nam Bộ, đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1, thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Ông Phùng Tiến Dũng cũng cảnh báo các địa phương ở khu vực đồng bằng Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán.
"Nhận định xu thế thời tiết thủy văn Việt Nam mùa Đông Xuân năm 2015-2016" là một trong những diễn đàn quan trọng, là một trong những hoạt động hợp tác tăng cường năng lực cho Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia do Bộ Ngoại giao Vương quốc Na Uy tài trợ, thông qua hợp tác với Trung tâm phòng tránh thiên tai châu Á (ADPC).
Diễn đàn là cơ hội để các dự báo viên, các nhà khoa học và các đơn vị có liên quan chia sẻ những thông tin dự báo mùa hiện có tại Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia; thảo luận về các sản phẩm dự báo mùa, về đảm bảo tính thống nhất trong diễn giải các thông tin dự báo mùa và nâng cao nhận thức người dân về các sản phẩm dự báo; các biện pháp tăng cường sử dụng, hiểu và sử dụng các thông tin cảnh báo sớm và rủi ro cho các cơ quan quản lý và cộng đồng; thảo luận giữa các các nhóm sử dụng về vai trò của thông tin dự báo mùa đối với lĩnh vực hoạt động của đơn vị; nhu cầu và đề xuất của các nhóm đối với các sản phẩm dự báo nói chung và dự báo mùa nói riêng.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến công tác khí tượng và thủy văn cũng những thách thức và kinh nghiệm của Na Uy trong công tác khí tượng thủy văn như những thách thức về khí hậu và quan hệ hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; nhận định diễn biến cực đoan khí hậu theo sản phẩm của các mô hình trị; diễn biến khí tượng thủy văn năm 2015, tính đến 1/10/.
Theo http://www.vietnamplus.vn/cac-dot-ret-trong-mua-dong-nam-nay-co-the-khac-nghiet-hon/346999.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin